Tản mạn về người cao tuổi ở xứ hoa anh đào

Trước khi tới đất nước mặt trời mọc này, tôi đã đọc được ở đâu đó nói về người Nhật có tuổi thọ cao thuộc top hàng đầu trên thế giới. Điều đó khiến tôi tò mò và mong ước được có ngày tận mắt chiêm ngưỡng và tìm lời giải về việc kéo dài tuổi thọ của thế hệ người cao tuổi nơi đây.

Đường ra ga Ebisu

Lao động - chính là bí quyết chống lão hóa của người Nhật?

Chỉ sau 5 tiếng đồng hồ bay từ sân bay Nội Bài, tôi đã xuống Narita sân bay của Nhật Bản và tiếp nối hành trình 50 phút đồng hồ trên tàu điện nhanh Narita Express tôi đã có mặt tại trung tâm thủ đô Tokyo. Tuần đầu tiên ở Tokyo, tôi thuê phòng trong một khách sạn nhỏ ở gần ga Shinjuku. Do còn bỡ ngỡ chưa quen, không có người hướng dẫn nên hàng ngày tôi cứ bám chặt tuyến Yamanote đông đúc mà khám phá thành phố.

Tokyo là một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới, nhưng ở đây lại có hàng trăm nghìn niềm vui miễn phí, dễ tiếp cận. Tối đầu tiên ở Tokyo rất tuyệt. Mưa nhè nhẹ, không khí mát mẻ trong lành, toàn bộ khu vực quanh khách sạn đều có các công trình kiến trúc kiểu Châu Âu, gạch lát đường cũng rất nhiêu nơi để nguyên kiểu đá thô xếp nhau như đường cho ngựa đi ngày xưa. Cảm giác sống giữa không gian đấy rất tuyệt.

Hình thức và chất lượng của món ăn luôn được người Nhật coi trọng

Đi công viên, đi hiệu sách, đi đền chùa. Ăn cơm nắm, ăn sushi, ăn ramen đâu đâu tôi cũng gặp những người cao niên làm việc và làm việc.

Ở Nhật Bản có thể dễ dàng bắt gặp những lao động cao tuổi. Họ làm bất cứ công việc gì, từ công việc giản đơn hướng dẫn xếp hàng siêu thị; cảnh báo khách bộ hành tại những chỗ đang sửa đường hay bán hàng, lái tắc xi, xe buýt đến thiết kế thời trang, Nghệ nhân nấu cơm… Công việc cứ lặp đi lặp lại từ lúc trẻ đến khi cao tuổi đối với họ không thấy sự nhàm chán mà rất yêu thích công việc của mình. Thay vì sống dựa vào tiền lương hưu và con cháu, nhiều người cao tuổi Nhật Bản vẫn tiếp tục làm việc và cống hiến cho xã hội. Bên cạnh thói quen độc lập, lao động giúp người già tránh xa bệnh tật và nguy cơ lão hóa, thay vì nghỉ ngơi và sống cùng con cháu, nhiều người cao tuổi Nhật Bản vẫn tiếp tục làm việc để có thể tự lo cho bản thân.

Phải chăng lao động – chính là bí quyết chống lão hóa của người Nhật?

Qua tìm hiểu, tôi được biết Chính phủ Nhật Bản vừa thông qua dự thảo luật cho phép người lao động làm việc đến 70 tuổi. Quyết định này diễn ra trong bối cảnh “xứ sở mặt trời mọc” đang phải đối mặt tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng do dân số già hóa nhanh chóng. Nhưng phần lớn người lao động Nhật Bản vẫn tiếp tục làm việc khi đã vượt quá độ tuổi này. Lý do cho việc tiếp tục lao động của người Nhật Bản rất đa dạng. Tuy nhiên, phần lớn những người được hỏi đều khẳng định họ không muốn từ bỏ công việc khi vẫn còn sức khỏe và để cho con cháu nuôi, mà vẫn làm việc đến khi nào có thể.

Phương tiện đi lại chủ yếu của người dân nơi đây là xe đạp và đi bộ. Còn lưu thông bằng taxi thì khá đắt đỏ. Taxi ở Nhật Bản đóng mở của tự động, do người lái xe điều khiển. Người lái xe ăn mặc lịch sự như nhân viên khách sạn và luôn đeo găng tay trắng. Taxi ở Nhật tuy vẻ ngoài trông cổ, nhưng bên trong máy móc rất ngon lành, đi êm ái và rất sạch sẽ. Tuy nhiên, phần lớn tài xế taxi là người cao tuổi. Do đó, khi thanh toán bằng thẻ mà không muốn chờ đợi các “Bác tài” cao niên sờ lần khá lâu thì nên chuẩn bị trước tiền mặt cho nhanh. Và, tôi hoàn toàn hài lòng và cảm giác rất dễ chịu với thái độ chào đón của người Nhật Bản.

Tình cờ trong một cuốc xe, tôi có dịp trò chuyện với bác tài và được biết ông là một lái xe taxi tự do và thường lái xe về đêm vì khi đó đường vắng. Khi được hỏi vì sao đến tuổi nghỉ ngơi mà vẫn cầm vô lăng? - “Tôi làm việc giống như một cách rèn luyện sức khỏe để cơ thể mình không bị lão hóa và tôi muốn làm việc thêm nhiều năm nữa” – bác tài trả lời.

Thành phố ToKyo vào buổi sáng.

Kyoto là thành phố thứ 2 tôi đặt chân đến, so với sự đông đúc cuồn cuộn người của Tokyo, cuộc sống ở Kyoto thật thư thái. Thành phố với những ngôi nhà cổ, thấp nghiêm trang. Đi taxi chỉ mất 20 phút là đi hết từ đầu này đến đầu kia thành phố. Tôi thực sự yêu thích cái nhịp nhẹ nhàng của nó, không gian thanh tịch với hàng trăm đền chùa lớn nhỏ … Đến đây, tôi đã ở được hai đêm ở một căn nhà gỗ cổ 100 tuổi kiểu Nhật, trong nhà có máy chơi đĩa than. Có nhiều loại nhạc cụ để buổi đêm có thể cùng nhau vui hát đến khi gần sáng. Tiếp đó, đến Oska ngắm hoàng hôn buông xuống. Đến Yokohama thăm bảo tàng mì gói. Tắm onsen và uống bia lạnh. Ngắm trăng trên đỉnh một tòa nhà. Đến thăm cảng Kobe, ăn thịt bò Kobe nổi tiếng…

Một buổi tối, sau khi vui vẻ đi lang thang mua sắm ở Takeshita và Omotesando, tôi dừng lại uống cà phê ở một quán Starbucks bên đường. Nhìn qua cửa kính ngoài kia, những nhóm thanh niên vui vẻ đi dạo trên phố, ăn mặc đẹp đẽ và thú vị. Họ cũng như tôi tận hưởng một đêm cuối mùa hè mát mẻ ngọt ngào. Trong quán bật một bản nhạc Jazz dìu dịu. như thẩm thấu qua thịt da mình vậy. Dòng nhạc Jazz là sự pha trộn của nhạc blues và hòa âm trong nhạc cổ điển, sự trộn lẫn phức tạp trong tiết tấu của âm nhạc châu Phi và giai điệu theo lối hát ứng tác trong âm nhạc của người Ấn Độ. Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là trong quán phần đông khách thưởng thức âm nhạc Jazz lại là những bậc cao niên ăn mặc lịch sự, tinh tế chứ không phải là các bạn trẻ thanh niên…

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã nâng tuổi nghỉ hưu. Ảnh: THE STRAIT TIMES

Cụ Kane Tanaka, 117 tuổi, sống ở Fukuoka, Nhật Bản được tổ chức Kỷ lục Thế giới Guiness ghi nhận là người cao tuổi nhất thế giới (Ảnh: The Japan Times/Kyodo)

Đâu là bí quyết trường thọ của người Nhật?

Ngoài sự tổng hòa của nhiều yếu tố như khí hậu, lối sống, vận động thể lực và cuộc sống tinh thần ổn định, thì chế độ ăn uống hàng ngày, tưởng chừng đơn giản nhưng phần lớn bí quyết nằm ở ăn uống lành mạnh. Ở Nhật người lớn tuổi rất nhiều, rất giàu, đời sống hưởng thụ cao, nhưng không phải giống như chủ nghĩa tiêu dùng như người Mỹ và họ rất tinh tế ngay cả ẩm thực. Bất kể bước vào một quán ăn nhỏ hay một nhà hàng to ở Nhật, trong các menu đều có một dòng chữ nhỏ chỉ dẫn bao nhiêu calo và như vậy lượng ăn vào sẽ được kiểm soát. Trong hầu hết các bữa ăn mỗi ngày của người Nhật luôn phải có một số thực phẩm đơn giản, dễ tìm nhưng tốt cho sức khỏe như cá đậu nành, rau quả, gạo, trái cây, trà xanh… Bí quyết nấu ăn cơ bản là sử dụng đồ tươi, đúng lúc; khẩu phần ăn nhỏ và được chia thành nhiều bữa. Tại Nhật, bữa sáng được coi là bữa ăn quan trọng nhất và lớn nhất trong ngày, cách chế biến thức ăn thường là nấu chín và các kỹ thuật như hấp áp chảo, xào, hầm hoặc nướng nhanh… Phong cách ăn uống của người Nhật coi trọng hình thức và chất lượng của món ăn.

Bên cạnh chế độ ăn uống khoa học, thường xuyên thực hành các phép dưỡng sinh cũng là bí quyết giúp người dân ở đất nước này sở hữu kỷ lục đó. Theo các nhà khoa học thuộc hội Dinh dưỡng Tokyo (Nhật), bí quyết sống khỏe của người Nhật là sự tổng hòa của nhiều yếu tố: chế độ ăn uống, khí hậu, lối sống, vận động thể lực và cuộc sống tinh thần ổn định. Một yếu tố quan trọng khác là tâm trí thảnh thơi, không bị căng thẳng trước cuộc sống hàng ngày.

Nhật Bản là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới và tỷ lệ sinh ở mức thấp nhất. Theo một ước tính, số người già từ 65 tuổi trở lên ở Nhật Bản chiếm gần 40% tổng dân số vào năm 2060, tăng từ mức 23% vào năm 2010. Dân số già sẽ tạo ra những gánh nặng đối với nền kinh tế quốc gia. Lực lượng lao động sẽ phải gồng mình để gánh vác hệ thống thuế và an ninh xã hội...

Có lẽ để khép lại hành trình ngắn ngày nhưng đầy ý nghĩa tại xứ sở hoa anh đào này, tôi xin được kết thúc và chép lại 6 bí quyết sống khỏe, sống trường thọ của người Nhật. Động tác tuy đơn giản nhưng hiệu quả thì rất kỳ diệu, nếu thường xuyên tập luyện.

Ngủ dậy nên uống một cốc nước

Khi ngủ các cơ phận của con người ít hoạt động hay hoạt động chậm lại, chức năng cũng giảm đi nhiều. Khi ngủ dậy buổi sáng, cơ thể đã bắt đầu hoạt động trở lại. Nước được uống vào lúc này sẽ được dạ dày hấp thụ một cách trọn vẹn và đầy đủ, truyền vào máu để cung cấp đủ chất dịch cho hoạt động cơ thể.

Trước khi dùng trà buổi sáng cũng nên uống một ly nước lạnh. Nước uống nên pha thêm vào một chút muối và nên là nước sôi để nguội. Có thể bắt đầu uống 250ml, sau tăng lên từ 500 – 1.000ml.

Xoa mặt và cổ

Dùng khăn mặt nhúng vào nước lạnh (mùa hè) hay nước ấm (mùa đông) để tuần tự kỳ cọ, xát mạnh vào những cơ phận trên mặt và trên cổ, cho đến khi da ửng đỏ lên. Thời gian trong khoảng từ ba đến năm phút. Xoa bóp cổ có thể kích thích tuyến giáp trạng, thúc đẩy kích thích tố. Xoa bóp mặt cải thiện tuần hoàn máu huyết, giảm các vết nhăn trên da mặt.

Tẩm quất đầu và cổ

Nắm tay thành quả đấm tẩm vào trán 50 cái, cổ 50 cái sẽ giúp não bộ hoạt động minh mẫn hơn.

Tắm nước lạnh, tắm nước ấm

Khi tắm, trước tiên dùng xà phòng xoa thành bọt, sau đó chà xát và xối nước lạnh. Người nam xối từ bụng đến tinh hoàn. Người nữ xối từ bụng xuống âm hộ. Xối lạnh bộ phận đó mục đích là kích thích hoạt động cơ năng này được tốt. Nếu mỗi ngày tắm xối hai hay ba lần thì hiệu quả rất cao.

Ấn đùi non

Khi tắm dùng ngón cái ấn đùi non khoảng 50 cái. Khi mệt sẽ cảm thấy hơi đau nhưng ấn mười mấy cái là hết đau. Phương pháp này không những giúp loại trừ mệt nhọc ở đôi chân, mà còn có thể tăng cường ham muốn tình dục.

Ấn bụng

Trước khi ngủ, đan ngón tay vào nhau, dùng lòng bàn tay (trừ hai ngón cái) ấn lên bụng, đặc biệt vùng chung quanh rốn, ấn lên bụng non. Làm từ trên xuống, mỗi tối khoảng từ 5 đến 10 lần. Phương pháp này làm khỏe nội tạng, có tác dụng nâng cao chức năng dạ dày. Người yếu dạ dày có thể làm thêm mấy lần.

Là quốc gia có dân số già hàng đầu thế giới với tuổi thọ trung bình của người dân Nhật Bản hiện là 87,45 đối với nữ giới và 81,41 đối với nam giới. Đây đều là những con số cao kỷ lục, theo số liệu thống kê công bố vào tháng 7/2020.

Cụ Kane Tanaka, 117 tuổi, sống ở Fukuoka là cụ bà cao tuổi nhất Nhật Bản. Cụ đã được tổ chức Kỷ lục Thế giới Guiness ghi nhận là người cao tuổi nhất thế giới. Cụ Mikizo Ueda, 110 tuổi, sống ở Nara là cụ ông cao tuổi nhất Nhật Bản. lên tới 82 tuổi. Số người thọ trên 100 tuổi cao nhất thế giới, Nhật Bản tự hào với hệ thống chăm sóc sức khỏe và đời sống tinh thần cho những người cao tuổi. Đặc biệt, ở quốc gia này, còn có mỗi ngày lễ riêng để người trẻ tuổi tri ân những người cao tuổi trong xã hội…

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/tan-man-ve-nguoi-cao-tuoi-o-xu-hoa-anh-dao-181103.html