Sức mạnh vô song của nỏ thần An Dương Vương là một huyền thoại mà mọi người Việt biết đến. Nhưng không giống nhiều huyền thoại khác do con người thêu dệt, huyền thoại về nỏ thần của người Việt là huyền thoại “có thật”, được xác nhận bằng những chứng cứ khảo cổ học không thể bác bỏ.
Chứng cứ đầu tiên phát lộ vào tháng 6/1959, khi một hố mũi tên đồng với số lượng lên tới hàng vạn chiếc đã được các công nhân vô tình tìm thấy khi đắp đường tại khu vực thành Cổ Loa – kinh đô của triều đại An Dương Vương xưa kia. Các mũi tên có chung đặc điểm: Đầu ba cạnh sắc, chuôi dài.
Đáng chú ý, chỉ có khoảng một phần tư số mũi tên đã được tu chỉnh để sử dụng, ba phần tư còn lại là mũi tên mới ra khuôn, còn nguyên dấu vết của kỹ thuật đúc. Bởi vậy, đây có thể là kho cất giữ mũi tên vừa đúc xong, đang trong quá trình gia công để sử dụng.
Đến những năm 2000, tại góc tây nam đền Thượng trong khu vực thành Nội Cổ Loa, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra hệ thống lò đúc mũi tên đồng cùng hàng trăm khuôn đúc. Đây là những chứng cứ vật chất khẳng định việc quân đội của vua An Dương Vương đúc mũi tên tại kinh đô Cổ Loa.
Để trở thành loại vũ khí đánh xa lợi hại, mũi tên phải đi cùng với nỏ bắn. Tại Cổ Loa và nhiều nơi khác trong phạm vi phân bố của văn hóa Đông Sơn cũng đã tìm thấy những chiếc nỏ bằng đồng được chế tác rất tinh xảo.
Nỏ có cấu tạo gồm nhiều bộ phận đúc rời: Hộp cò hình chữ nhật, miệng hộp xẻ chéo các rãnh để đặt mũi tên và khấc hãm dây nỏ, lẫy nỏ có hình dáng gần giống móng rùa (theo huyền thoại, lẫy nỏ làm bằng móng thần Kim Quy) và hai thanh đồng dùng để đưa dây nỏ vào khấc hãm.
Các bộ phận này được liên kết lại bằng hai cái chốt. Khi sử dụng, dây nỏ được căng lên, cài vào khấc hãm, dùng ngón tay kéo lùi lẫy nỏ để dây bật, đẩy tung những mũi tên lao tới đích.
Từ những chiếc nỏ có cấu tạo phức tạp này, các nhà nghiên cứu cho rằng, việc chế tạo thành công và sử dụng có hiệu quả nỏ bắn tên là một trong những sáng chế kỹ thuật quân sự lớn của người Việt cổ.
Số lượng hàng vạn mũi tên đồng, hàng trăm khuôn đúc, cùng nhiều lẫy nỏ đã được phát hiện, đã chứng minh rằng, đương thời đã có một đội quân lớn thường trực tại Cổ Loa.
Điều này cũng cho thấy rằng, rõ ràng Cổ Loa là một trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế lớn của nước Âu Lạc thời An Dương Vương.
Những bằng chứng nêu trên cho thấy truyền thuyết về nỏ thần của An Dương Vương có cốt lõi lịch sử chân thực, phá tan màn sương huyền thoại lâu nay bao phủ sự thật của lịch sử về thời đại An Dương Vương. (Bài viết có tham khảo tư liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Hữu, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam).
Quốc Lê