Tận mắt xem bãi cọc giúp Trần Hưng Đạo đánh thắng quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng

Bãi cọc Bạch Đằng ở TX Quảng Yên thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng là nơi lưu giữ những chiến công lẫy lừng của dân tộc ta và là điểm dừng chân không thể bỏ qua của du khách khi về Quảng Ninh.

Trận thủy chiến năm 1288 trên sông Bạch Đằng (thuộc địa phận huyện Yên Hưng xưa, nay là TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) của quân dân Đại Việt, dưới sự chỉ huy của Quốc công Tiết chế Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã phá vỡ hoàn toàn âm mưu xâm lược Đại Việt của quân Nguyên Mông.

Dấu tích bãi cọc gắn liền với trận đại thắng trên trên sông Bạch Đằng (Quảng Yên, Quảng Ninh), trải qua thời gian trên 700 năm vẫn còn y nguyên

Dấu tích bãi cọc gắn liền với trận đại thắng trên trên sông Bạch Đằng (Quảng Yên, Quảng Ninh), trải qua thời gian trên 700 năm vẫn còn y nguyên

Một phần của trận địa cọc cổ trên sông Bạch Đằng, đã góp phần tiêu diệt và bắt sống toàn bộ cánh quân giặc gồm 600 chiến thuyền và hơn 4 vạn quân cùng với tướng giặc Ô Mã Nhi, hiện vẫn được lưu giữ ở TX Quảng Yên.

Bãi cọc Bạch Đằng nằm ở cực đông một bãi nổi lớn giữa khu vực dân cư thuộc xã Yên Giang, huyện Yên Hưng nay là TX Quảng Yên. Năm 1958, bãi cọc Bạch Đằng được phát hiện trong quá trình đắp đê nằm trong đầm Nhử. Hiện nay bãi cọc nằm cách chân đê khoảng 10m, cách ngã ba sông Chanh hợp với sông Bạch Đằng 414 m về phía đông. Sau khi được phát hiện, các nhà khảo cổ học đã tiến hành điều tra, khảo sát. Các nhà nghiên cứu nhận định rằng bãi cọc Yên Giang là bãi cọc Bạch Đằng liên quan tới trận chiến chống quân xâm lược Mông Nguyên năm 1288 của quân và dân nhà Trần.

Năm 1958, cuộc thăm dò lần đầu tiên xác định bãi cọc có chiều dài 118m, rộng 20m và đào sâu 20cm so với bề mặt là có thế đã xuất lộ cọc. Năm 1969, cuộc thăm dò lần thứ hai mở 7 hố với tổng diện tích 520m2. Báo cáo thăm dò đưa ra những nhận định, đánh giá ban đầu về cuộc khai quật, cung cấp những thông tin sơ bộ về cấu trúc địa tầng làm thước đo so sánh cho các cuộc thăm dò sau. Năm 1976, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Quốc gia) tiến hành thăm dò 2 hố với tổng diện tích 113,5m2. Năm 1984, Sở Văn hóa Thông tin Quảng Ninh tiến hành thăm dò và làm xuất lộ các đầu cọc phục vụ mục đích trưng bày tại chỗ. Năm 1988, Viện Khảo cổ học phối hợp với tỉnh Quảng Ninh tiến hành thăm dò lần thứ 5 bãi cọc Yên Giang với tổng diện tích 126,6 m2.

Bãi cọc Yên Giang lộ thiên để phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan, học tập; 2 bãi cọc khác, sau khi khai quật, lại tạm phủ đất, bùn lên để được bảo quản tốt hơn

Bãi cọc Yên Giang lộ thiên để phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan, học tập; 2 bãi cọc khác, sau khi khai quật, lại tạm phủ đất, bùn lên để được bảo quản tốt hơn

Kết quả qua các lần thăm dò cho thấy bãi cọc dài khoảng 113m, rộng 13m, hợp với trục nam bắc một góc 27 độ theo hướng đông bắc - tây nam. Cọc gỗ có mật độ phân bố không đều, càng gần chân đê càng dày, khoảng cách giữa hai cọc khoảng 1,3 -1,5 m. Cọc đóng theo thế cài răng lược, không tuân theo quy luật nhất định, khu vực giữa bãi cọc mật độ cọc thưa hơn, trung bình giữa các cọc cách nhau khoảng 3m.

Cọc được đóng thẳng, chân cọc vót nhọn trước khi đóng xuống lòng sông, còn phần trên để nguyên, thậm chí nhiều cọc còn nguyên cả cành lá, không hề vót nhọn đầu.

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng có 11 điểm di tích trong đó có Đền thờ Trần Hưng Đạo

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng có 11 điểm di tích trong đó có Đền thờ Trần Hưng Đạo

Ở bãi cọc Yên Giang hàng ngàn cọc đã được nhân dân phát hiện. Trong các hố khai quật ít nhất 43 cọc đã được lấy lên. Nhiều cọc được bảo tồn trong hố trưng bày tại chỗ, một số cọc hiện nay còn nhìn thấy trong các hồ nuôi cá. Các nhà nghiên cứu nhận định bãi cọc đã xuất lộ có diện tích 115/120x20/25m (khoảng 3.000m2) chạy theo hướng đông bắc – tây nam. Phần lớn các cọc được cắm thẳng đứng vào lớp phù sa, cách nhau chừng 1m. Khi nghiên cứu độ mớn nước của các thuyền chiến quân Nguyên và quy luật thủy triều trên sông Bạch Đằng, các cọc ở khu vực khai quật được cho là để làm hẹp dòng sông và chặn thuyền quân Nguyên vao lúc nước triều cao nhất.

Các kết quả nghiên cứu trong vòng 25 năm trở lại đây, đặc biệt là từ năm 2009 đến nay đã đưa đến nhiều thông tin mới rất quý báu về di tích Bạch Đằng lịch sử. Cùng với bãi cọ Yên Giang sự phát hiện thêm các bãi cọ mới ở đồng Vạn Muối (nằm ở cửa sông Rút, thuộc phường Nam Hòa, được người dân phát hiện trong quá trình canh tác, đào ao năm 2005), Đồng Má Ngựa (cũng ở phường Nam Hòa được phát hiện, tiến hành khảo sát, khai quật vào năm 2009) và các dòng chảy cổ cũng như địa hình địa mạo chiến trường xưa đã cung cấp những bằng chứng hết sức thuyết phục cao cho chiến lược và chiến thuật của Quốc công Tiết chế, Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Lợi dụng địa thế tự nhiên, nỗ lực và tài trí tạo dựng nên một chiến trường đánh quân thủy độc đáo. Trần Hưng Đạo đã lãnh đạo quân dân Đại Việt tiến hành một cuộc chiến đấu anh dũng, vừa phòng thủ vững chắc, vừa tấn công quyết liệt và mưu trí, dồn dịch lại mà đánh, chia tách ra mà tiêu diệt.

Hồ sơ trình UNESCO công nhận các bãi cọc Bạch Đằng thuộc Khu di tích lịch sử Bạch Đằng trong Quần thể Di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc ở 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương là Di sản thế giới.

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc gồm 6 khu di tích quốc gia đặc biệt tại 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang, được khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt theo Luật Di sản văn hóa. Trong đó, chỉ tính riêng tại Quảng Ninh có 3 khu di tích quốc gia đặc biệt gồm Khu di tích và danh thắng Yên Tử tại TP Uông Bí, Khu di tích nhà Trần tại TX Đông Triều và Khu di tích chiến thắng Bạch Đằng tại TX Quảng Yên.

Sau thời gian dài xây dựng, chuẩn bị, hoàn thiện, ngày 26/1/2024, hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đã được trình lên UNESCO để xét ghi danh là Di sản thế giới. Hồ sơ do UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang, Hải Dương xây dựng.

Bộ hồ sơ gồm 2.139 trang tài liệu bản tiếng Việt và bản dịch tiếng Anh, 101 sơ đồ, bản đồ, 196 bản vẽ kiến trúc, 260 bản vẽ khảo cổ, 1.141 bản ảnh, tái hiện các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, di sản phi vật thể, vật thể và kế hoạch quản lý tổng thể trên phạm vi 3 tỉnh.

V. Hùng

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/tan-mat-xem-bai-coc-giup-tran-hung-dao-danh-thang-quan-nguyen-mong-tren-song-bach-dang-d201030.html