Búp bê Mwana hiti, biểu tượng phồn thực của người Zande ở CHDC Congo. Ở châu Phi, các hình tượng nữ giới có thể thấy ở các chỏm gậy, tạc thành những tượng nhỏ hoặc búp bê. Nhiều búp bê gỗ không chỉ là đồ chơi mà hàm chứa ý nghĩa phồn thực.
Búp bê phồn thực làm bằng hạt cườm của người Hausa ở Cameroon. Thiếu nữ các bộ tộc châu Phi thường được tặng búp bê, và họ sẽ giữ nó suốt đời.
Mặt nạ đôi của người Baoulé ở Bờ Biển Ngà. Vời nhiều cộng đồng cư dân châu Phi, gồm người Baoulé, sinh đôi là điềm lành. Khi có trẻ sinh đôi ra đời, người ta tổ chức nghi lễ trọng thể, trong đó mặt nạ đôi được sử dụng.
Mặt nạ của người Mamana ở Mali. Mặt nạ rất quan trọng với lễ thành đinh (lễ trưởng thành) và các hội kín châu Phi. Qua mặt nạ, người ra dạy dỗ và thụ lễ, bảo vệ, thử thách các thành viên.
Mặt nạ của người Tshokwee ở Angola. Trong các hội kín, mặt nạ góp phần tạo nên bản sắc của người cùng hội. Dù không còn vai trò như xưa, lễ thành đinh và hội kín vẫn tồn tại ở châu Phi, thích ứng với cuộc sống đương đại.
Tượng Eyima byeri - thần canh giữ hài cốt của người Fang ở Gabon, làm bằng gỗ với ba lá đồng gắn dưới cổ. Loại tượng này được để lên các hộp hoặc giỏ đựng hộp sọ và hài cốt của những bậc tổ tiên quan trọng trong dòng họ.
Tượng tổ sư thợ săn của người Hemba, CHDC Congo. Làm từ gỗ và vải sợi thực vật, bức tượng được tạo hình với tay trái cầm cung, tay phải cầm chùy.
Tượng phụ nữ ngồi bằng gỗ của người Senufo, Bờ Biển Ngà. Tượng thể hiện hình tượng nữ giới (vợ, mẹ, tổ tiên) trong chế độ mẫu hệ. Loại tượng này thường được dùng trong tang ma.
Lược gỗ tạc hình hai phụ nữ của cư dân bản địa Madagascar.
Váy làm bằng vải dệt từ sợi lá cọ raphia, hoa văn tạo bằng kỹ thuật nhuộm bao vải của người Dida ở Bờ Biển Ngà. Trước đây loại vải này là tài sản của các gia đình quyền quý, chỉ dùng trong dịp đặc biệt. Chúng là tác phẩm của những phụ nữ cao tuổi và bà góa.
Nhung kasai họa tiết hình học làm từ vải sợi lá cọ raphia của người Kuba, CHDC Congo. Loại vải này được cọi là tài sản quý, có thể dùng làm tiền để trao đổi với các hàng hóa khác, đặc biệt là trong hôn nhân.
Vải vỏ cây của người Pygmy, CHDC Congo. Đàn ông đảm nhiệm việc tạo ra tấm vải, còn phụ nữ trang trí. Không chỉ người Pygmy mà nhiều cư dân khác trong vùng rừng ở Trung Phi sử dụng vải vỏ cây (tapa) để làm váy, khố, tấm choàng, chăn, đồ liệm...
Còi bằng gỗ tạc hình người cách điệu của người Nuna, Burkina Faso. Cho đến đầu thế kỷ 20, đàn ông Nuna đeo còi trên cổ như trang sức hoặc bùa chú. Công dụng của loại còi có hai nốt nhạc này là để liên lạc trên khu vực rộng lớn.
Louha - bảng học kinh Koran bằng gỗ của người Morocco, dùng cho học sinh Hồi giáo học đọc, học viết bằng cách chép lại và học thuộc các đoạn trong kinh Koran. Bảng được sơn kín bề mặt khi trẻ đã cơ bản nắm được kinh Koran.
Mokhfia, bát đựng món ăn couscous của người Morocco làm bằng gốm men thiếc, niên đại thế kỷ 19. Họa tiết trang trí trên bát có tên là "con rùa", gồm những cánh hoa màu sắc tươi sáng tỏa ra từ trung tâm.
Koumiya - loại dao nhọn truyền thống của người Ả Rập Morocco. Dao có chuôi và bao khảm những chỉ bạc tạo thành hình thoi. Các phần khoét sâu quanh hình thoi được trát đầy bằng bột màu trắng, vàng, đỏ hoặc khảm xà cừ.
Tagmut - trang sức đep trước ngực, có xuất xứ từ vùng Ida Ou Semlal, Morocco. Vật dụng này có hai dây được kết từ các chuỗi xích, có hai ghim cài ở hai đầu. Khối bầu dục bằng bạc, trang trí các đường gân, tráng men vàng, xanh và đính các đồng tiền hassani.
Quả cân hình bọ cạp của người Baoulé, Bờ Biển Ngà. Cho đến đầu thế kỷ 20, vàng cám được dùng như tiền tệ ở nhiều địa phương vùng bờ biển Tây Phi. Các quả cân dùng để cân vàng cám thường làm từ đồng hoặc đồng thau, tạo hình rất đa dạng.
Quả cân hình một loại đàn mộc cầm của người Baoulé. Các quả cân này là minh chứng cho tầm quan trọng của nghề chế tác vàng ở Bờ Biển Ngà, nơi có nhiều mỏ vàng. Người Baoulé coi vàng là kim loại có sự sống.
Các loại thánh giá Lalibela của người Thiên Chúa giáo ở Ethiopia. Vật phẩm này có hình dạng khác nhau tùy địa phương. Chúng được các linh mục và trợ tế cầm trong các dịp lễ tôn giáo.
Một chiếc thánh giá thánh giá Lalibela được tạo tác kỳ công. Thiên chúa giáo du nhập và Ethiopia từ thế kỷ 4 và tiếp thu nhiều yếu tố của tín ngưỡng bản địa. Hiện nay khoảng 60% dân số Ethiopia là giáo dân của các nhánh Thiên chúa khác nhau.
Một phần trong bức tranh hộ vệ của tín đồ Thiên Chúa giáo Ethiopia, niên đại cuối thế kỷ 19. Người Thiên Chúa giáo thường mang theo mình cuộn tranh nghi lễ (ketab) làm vật hộ mệnh. Tranh này làm bằng da, vẽ các tổng thiên thần, các đôi mắt và có các câu kinh bằng chữ Ethiopia cổ.
Mời quý độc giả xem video: Giải mã thông điệp ý nghĩa trống đồng Đông Sơn. Nguồn: Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội.
Quốc Lê