Hồ nước Plescheevo nằm gần thành phố Pereslavl-Zaleski, Nga là một địa điểm hấp dẫn giới nghiên cứu khi tồn tại một tảng đá màu xanh bí ẩn.
Tảng đá màu xanh này có sự khác biệt so với những tảng đá khác. Cụ thể, vào mùa Đông, tảng đá không bao giờ bị tuyết phủ. Thêm nữa, khi trời mưa, tảng đá sẽ chuyển sang màu xanh biếc giống hệt hồ nước.
Người dân địa phương lưu truyền một số giai thoại về tảng đá màu xanh bí ẩn này. Theo truyền thuyết, nó được đặt tên là Tảng đá xanh biếc. Tảng đá từng nằm trên đỉnh một ngọn núi gần hồ Plescheevo.
Một bộ tộc sinh sống trên ngọn núi đó. Tảng đá xanh biếc là nơi các thầy cúng của bộ tộc thực hiện các nghi lễ tế lễ.
Vào một ngày nọ, tảng đá xanh biếc bị đẩy từ trên đỉnh núi xuống bờ hồ Plescheevo. Người dân địa phương cho rằng, tảng đá chứa sức mạnh siêu nhiên là khả năng chữa bệnh. Vì vậy, người dân bắt đầu tổ chức lễ hội, nhảy múa quanh tảng đá để cầu phúc.
Về sau, tảng đá bị các tu sĩ ở tu viện gần đó chôn sâu xuống lòng đất vào cuối thế kỷ 17. Không biết bằng cách nào mà tảng đá lại trồi lên mặt đất sau 12 năm.
Năm 1788, giới chức trách quyết định đặt tảng đá nặng 12 tấn này làm móng cho nhà thờ. Các công nhân đã dùng xe trượt tuyết để vận chuyển tảng đá này qua hồ Pleshcheevo. Khi xe đang di chuyển, mặt hồ đóng băng bỗng nứt. Theo đó, chiếc xe chở tảng đá chìm xuống hồ.
Kỳ lạ là không lâu sau người dân địa phương phát hiện tảng đá xanh biếc "tự di chuyển" dọc theo đáy hồ. Mỗi năm, nó lại càng tiến gần vào bờ. Đến năm 1858, tảng đá xanh biếc nằm trên bờ hồ. Kể từ đó, không ai dám di chuyển nó.
Trong nhiều năm, giới nghiên cứu nỗ lực giải mã làm thế nào mà tảng đá xanh biếc nặng khoảng 12 tấn có thể "di chuyển" từ đáy hồ lên bờ. Một giả thuyết cho rằng, tảng đá "biết đi" là nhờ thủy lưu mạnh của dòng sông chảy vào hồ.
Dù vậy, giới nghiên cứu chưa tìm được bằng chứng khoa học để chứng minh đây là câu trả lời cho bí ẩn về tảng đá xanh biếc.
Mời độc giả xem video: Bí ẩn tảng đá nghìn năm tuổi bị xẻ đôi như được cắt bằng laser.
Tâm Anh (theo Sputnik)