Tân Sơn xây dựng đời sống văn hóa
Thực hiện phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa' gắn với cuộc vận động 'Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh', huyện Tân Sơn đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phong trào, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tạo động lực thúc đẩy mọi tầng lớp Nhân dân tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Đồng bào Mường huyện Tân Sơn trình diễn các điệu múa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc phục vụ du khách trẩy hội Đền Hùng.
Trong năm, huyện đã xây mới được 16 nhà văn hóa khu dân cư; có 84,4% gia đình đạt “Gia đình văn hóa”; 100% khu dân cư xây dựng và thực hiện tốt quy ước của cộng đồng dân cư; 100% gia đình thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Toàn huyện hiện có 183 CLB văn hóa văn nghệ; các đội văn nghệ, CLB được hỗ trợ mua sắm trang phục, đạo cụ, nhạc cụ; mua sắm trang thiết bị âm thanh, ánh sáng đáp ứng nhu cầu tập luyện, biểu diễn, tích cực tham gia các hoạt động giao lưu, biểu diễn văn hóa, văn nghệ quần chúng kỷ niệm các ngày lễ của địa phương và đất nước. Trong đó, có các hoạt động ý nghĩa như: Chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao “Xuân đoàn kết - Tết thắm tình quân dân” do Bộ CHQS tỉnh và huyện Tân Sơn phối hợp tổ chức; Liên hoan nghệ thuật quần chúng huyện Tân Sơn. Đặc biệt, trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần văn hóa Du lịch Đất Tổ năm nay, hơn 800 thành viên thuộc 80 câu lạc bộ (CLB) văn hóa, văn nghệ dân gian của 17 xã, thị trấn và các khu dân cư trên địa bàn huyện Tân Sơn tham gia hoạt động giao lưu, diễn xướng dân gian phục vụ Nhân dân và du khách hành hương về Đền Hùng với các loại hình múa, hát, diễn Xướng dân gian như: Chàm Đuống, hát Ví, hát Rang, Múa chạm ống, Múa Chuông, múa Sênh tiền, Khèn lá và Múa khèn... thu hút, tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách thập phương.
Từ nguồn kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển Kinh tế - Xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã hỗ trợ trang thiết bị phục vụ cho hoạt động văn hóa, thể thao đối với các nhà văn hóa các khu dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi trên địa bàn huyện với số tiền gần 4,7 tỷ đồng góp phần hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân.
Bên cạnh đó, là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể còn được lưu giữ như: Diễn tấu cồng chiêng, đâm đuống, hát ví, hát rang, mua chuông, lễ cấp sắc, Tết nhảy, Tết doi, lễ rước vía lúa, lễ hội xuống đồng, tục gác cày bừa, tục cúng cơm mới, múa khèn... trong đó có 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là: Lễ Cấp sắc của người Dao Tiền, xã Xuân Sơn và Nghề dệt thổ cẩm của người Mường xã Kim Thượng, Xuân Đài.
Bà Sa Thị Tâm ở xã Kim Thượng chia sẻ: Chúng tôi rất hạnh phúc và tự hào khi nghề dệt thổ cẩm truyền thống của mình được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Dù còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi sẽ cố gắng bảo tồn và truyền dạy lại cho con cháu để tiếp tục giữ nghề truyền thống, đồng thời giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn, huyện Tân Sơn tiếp tục triển khai hiệu quả các nội dung Dự án 6 - Bảo tồn và phát triển một số loại hình văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Tân Sơn theo Kế hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2025. Đồng thời, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện các bước lập hồ sơ đề nghị xếp hạng Lễ hội Tết Doi của người Mường và Nghề thủ công truyền thống in hoa văn trên vải bằng sáp ong của người Dao huyện Tân Sơn là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/tan-son-xay-dung-doi-song-van-hoa-232553.htm