Tân Thẩm phán Tối cao Mỹ: Lợi thế bước ngoặt hay chỉ là 'đòn gió' cho Tổng thống Trump?

AFP đăng tải, bất chấp sự phản đối của Đảng Dân chủ, các nghị sỹ Đảng Cộng hòa đã thành công thuyết phục Thượng viện phê chuẩn bà Amy Coney Barrett trở thành thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ.

Với 52 phiếu thuận và 48 phiếu chống, kết quả này không chỉ là một thắng lợi mang tính bước ngoặt cho Tổng thống Donald Trump ngay trước ngày bầu cử 3/11, mà gần như chắc chắn sẽ đảm bảo được ưu thế cho phe bảo thủ tại Tòa án Tối cao trong nhiều năm tới.

Lựa chọn của ông Trump thay thế cho cố thẩm phán Ruth Bader Ginsburg nhiều khả năng sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho những phán quyết liên quan tới phá thai, đạo luật y tế giá rẻ, thậm chí là các tranh cãi trong quá trình bầu cử Tổng thống.

Cuộc bỏ phiếu hôm thứ Hai (26/10) là quyết định thông qua ở cấp tòa án tối cao gần nhất với một kỳ bầu cử Tổng thống trong lịch sử gần đây của nước Mỹ. Đó cũng là lần đầu tiên một thẩm phán tòa án tối cao được bầu chọn mà không nhận được sự ủng hộ từ lưỡng Đảng.

Tân Thẩm phám Tòa án Tối cao Mỹ Amy Coney Barrett (ảnh: AFP)

Tân Thẩm phám Tòa án Tối cao Mỹ Amy Coney Barrett (ảnh: AFP)

"Đây thực sự là một điều đáng để tự hào và cảm thấy vui mừng", lãnh đạo phe đa số Thượng viện, Thượng nghị sỹ Mitch McConnel phát biểu tại phiên họp hôm Chủ nhật (25/10) trước ngày diễn ra cuộc bỏ phiếu. Ông phủ nhận những cảnh báo từ giới phê bình là ngành tư pháp đang trở thành một công cụ chính trị của hai đảng. "Họ sẽ không thể làm gì nhiều về điều này trong thời gian dài sắp tới", ông McConnel tuyên bố.

Trong nhiều tuần qua, Đảng Dân chủ tranh cãi rằng cuộc bỏ phiếu đang bị đẩy nhanh và người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 3/11 sắp tới mới có quyền đề cử ứng viên. Tuy nhiên, bà Barrett (48 tuổi) – nữ thẩm phán từ Indiana dự kiến sẽ nhanh chóng nhậm chức và bắt đầu xét xét các vụ án sớm nhất có thể.

Trong một phát biểu đưa ra gần nửa đêm ngày 26/10, Thượng nghị sỹ Elizabeth Warren miêu tả cuộc bỏ phiếu của Thượng viện là "không mang tính pháp lý" và "giống như hơi thở cuối cùng của một chính đảng đang tuyệt vọng".

Chỉ còn một tuần trước ngày bầu cử nhưng vẫn còn một số vấn đề trước bầu cử đang chờ để được quyết định. Bà Barret có thể là một lá phiếu chủ chốt trong các đề nghị của Đảng Cộng hòa yêu cầu tòa án phán quyết kéo dài thời hạn cuối cho những trường hợp bỏ phiếu vắng mặt tại hai bang North Carolina và Pennsylvania.

Các thẩm phán cũng sẽ đánh giá đề nghị khẩn cấp của Tổng thống Trump ngăn cản Tổng chưởng lý Quận Manhattan buộc ông phải nộp kê khai thuế. Và vào ngày 10/11, tòa án dự kiến sẽ xem xét những luận điểm phản đối Đạo luật Y tế Giá rẻ dưới thời Tổng thống Obama.

Trước đó, ông Trump từng nói muốn nhanh chóng có được vị thẩm phán tối cao thứ 9 nhằm giải quyết các tranh chấp phát sinh trong bầu cử, đồng thời bày tỏ hy vọng các thẩm phán sẽ đặt dấu chấm hết cho đạo luật y tế còn có tên gọi là Obamacare.

Tuy nhiên, trong nhiều ngày điều trần công khai trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện, bà Barret tỏ ra "khôn khéo" khi tránh hết sức không đề cập tới việc bà sẽ xử lý các vấn đề trên như thế nào. Bà thể hiện bản thân là một người trung lập và nhấn mạnh, mọi thứ "không phải là luật lệ của Amy". Mặc dù vậy, những bài viết của bà về phá thai và Obamacare trong quá khứ cho thấy tân thẩm phán tòa án tối cao là một người theo phe bảo thủ sâu sắc.

Tỷ lệ 52 thuận - 48 chống cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong Thượng viện Mỹ hiện đang do Đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát (ảnh: AFP)

Tỷ lệ 52 thuận - 48 chống cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong Thượng viện Mỹ hiện đang do Đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát (ảnh: AFP)

Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện, Thượng nghị sỹ Lindsey Graham ca ngợi bà mẹ 7 con là một hình mẫu đáng để noi gương – "một người phụ nữ bảo thủ tuân theo đức tin của mình". Ông Graham cũng khẳng định, bà Barrett sẽ không "áp dụng 'luật lệ Amy' cho tất cả chúng ta".

Trong bối cảnh ông Trump đang bị thụt lùi so với đối thủ Joe Biden trong các cuộc thăm dò ý kiến và Đảng Cộng hòa phải đối mặt với nguy cơ đánh mất ưu thế đa số tại Thượng viện, đảng này được cho là đã đặt cược một ván bài chính trị khi nỗ lực tìm cách đưa bà Barrett chính thức trở thành thẩm phán tòa án tối cao trước Ngày Bầu cử.

Ông Trump và các đồng minh kỳ vọng có thể tạo ra được một lực đẩy cho chiến dịch tranh cử - giống với sự phấn khích mà ông từng đem tới cho các cử tri bảo thủ và Tin lành trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Năm đó, ông McConnell đã từ chối để Thượng viện cân nhắc ứng viên do Tổng thống Obama đề cử thay thế cố thẩm phán Antonin Scalia. Lí do được McConnell đưa ra là tân tổng thống nên là người quyết định.

Mặc dù vậy, theo AFP, không có gì đảm bảo trong một năm bầu cử đầy sóng gió như năm nay, vị thẩm phán tòa án tối cao mới sẽ đem lại "phần thưởng" xứng đáng cho những cố gắng của Đảng Cộng hòa. Nhìn lại lịch sử 150 năm gần nhất của nước Mỹ, chưa từng có vị thẩm phán Tòa án Tối cao nào được thông qua mà không nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng như bà Barrett.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/tan-tham-phan-toi-cao-my-loi-the-buoc-ngoat-hay-chi-la-don-gio-cho-tong-thong-trump-20201027103736041.htm