Tân thủ khoa ngành thời trang đưa nghệ thuật Làng gốm vào bộ sưu tập Lộc Tứ Bình
Mộc Nhu, tên thật là Nguyễn Hoài Nhu, đang là sinh viên ngành thiết kế thời trang trường Đại học Văn Lang. Gần đây nhất, cậu vừa hoàn thành bộ sưu tập 'Lộc Tứ Bình' lấy cảm hứng từ nghệ thuật Làng gốm Việt Nam. Với số điểm đồ án tốt nghiệp cao nhất, Hoài Nhu đã đạt thủ khoa 'kép' của chuyên ngành cậu theo học.
Hoài Nhu bảo vệ đồ án tốt nghiệp tháng 8/2023 với tác phẩm Lộc Tứ Bình được lấy cảm hứng từ Lục Bình Tứ Quý Bát Tràng. Với đồ án này, nhà thiết kế trẻ không tập trung khai thác một khía cạnh, mà miêu tả một cách toàn diện về những chiếc bình, từ hình dáng, họa tiết, màu sắc, chất men đến cách bày trí và cả quá trình làm ra chúng. Bộ sưu tập là một góc nhìn rộng và sâu hơn để mọi người có thể biết được nhiều hơn về nghệ thuật làm gốm của người Việt Nam.
Lộc Tứ Bình mong muốn là một bức tranh hài hòa giữa chất liệu truyền thống, màu sắc của đương đại và mang một chút tinh thần của tương lai. Bằng cách kết hợp yếu tố trang phục truyền thống với xu hướng thời trang trong 3 năm gần nhất và kỹ thuật in 3D đang phát triển mạnh mẽ, Hoài Nhu tin khi nhìn vào bộ sưu tập này mọi người sẽ có một cảm giác vừa quen thuộc, vừa mới mẻ và xen lẫn một chút thú vị. Hoài Nhu đã có khoảng 3,5 tháng để nghiên cứu và cho ra sản phẩm chỉn chu nhất. Trong đó, cậu chỉ có một tháng để hoàn thiện thiết kế thật, dù quá trình chuẩn bị gấp rút nhưng đã tạo nên thành công lớn.
Hoài Nhu hy vọng rằng qua bộ sưu tập này, mọi người sẽ đồng cảm với cậu về vẻ đẹp của những chiếc Lục Bình Tứ Quý Bát Tràng. Đồng thời có thể hiểu và cảm nhiều hơn về một sản phẩm thủ công truyền thống của Việt Nam. Xa hơn nữa, Hoài Nhu mong rằng Lộc Tứ Bình có thể giới thiệu được Làng nghề gốm Bát Tràng đến với bạn bè quốc tế, góp một chút công vào việc gìn giữ vẻ đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam.
Nhu tâm niệm: “Tìm được chính mình, là một điều gì đó rất khó, nhưng cũng rất dễ”. Cậu đã từng hoang mang và rất nhiều lần đặt câu hỏi "Mình là ai?". Trước khi chọn đề tài cho đồ án tốt nghiệp lần này, Nhu đã suy nghĩ rất nhiều và nhận ra rằng, muốn khác biệt thì điều đầu tiên mình phải là mình, làm những gì mình thích, mình có thể chạm, mình có thể nhất tâm vào nó. Và đó chính là những giá trị truyền thống.
Trong quá trình học, Nhu từng hợp tác thực hiện trang phục cho các ca sĩ như Mono và nữ chính trong MV Quên Anh Đi. Sở hữu sự chuyên nghiệp và nhanh nhẹn, Hoài Nhu còn tham gia hỗ trợ trang phục cho Rtee trong MV Chọn bạn mà chơi, trang phục biểu diễn cho ca sĩ Erik, ca sĩ Khổng Tú Quỳnh,…
Cậu chia sẻ về cơ duyên đến với ngành: “Ban đầu thời trang không phải lựa chọn ưu tiên của mình, mình đặt nguyện vọng 1 vào ngành thiết kế nội thất. Cơ may mình được quen với một anh học thời trang trong trường, được xem nhiều buổi chấm đồ án của ngành thông qua anh chị, từ đó làm mình tò mò hơn và dành tình cảm nhiều hơn cho thời trang. Cuối cùng khi nộp hồ sơ mình đổi thành duy nhất một ngành là thiết kế thời trang. Và thật bất ngờ mình nhận được kết quả là thủ khoa đầu vào năm đó.”
Hoài Nhu cho rằng khó khăn lớn nhất của cậu trong thời điểm mới bước chân vào môi trường đại học là sự bỡ ngỡ và cám dỗ với một cậu sinh viên mới từ dưới quê lên Sài Gòn học tập. Ban đầu, Nhu bị xao nhãng và từng có thời điểm bản thân cảm thấy không phù hợp và quyết định nghỉ học. Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ kĩ, Nhu quyết tâm quay lại trường và một lần nữa tìm lại bản thân mình. Và cho đến ngày hôm nay, cậu nghĩ quyết định ấy là đúng đắn.
Nhu bộc bạch: “Mình nghĩ nghệ thuật đã là một phần trong mình rồi, không cần một chất xúc tác hay điều gì để thu hút. Từ nhỏ mình cũng đã rất thích vẽ, thủ công, mình thi rất nhiều cuộc thi về vẽ, viết văn, thi chữ và tham gia rất nhiều hoạt động văn nghệ trong trường. Gia đình mình không có truyền thống làm thời trang hay nghệ thuật, cũng không khá giả, nhưng vì thương mình là con một nên cha mẹ luôn luôn cố gắng hỗ trợ và ủng hộ mình hết sức. Mình rất vui và biết ơn điều đó, cha mẹ cũng chính là nguồn động lực để mình dần hoàn thiện và phát triển hơn.”
“Từ nhỏ có báo đài nào nhắc đến tên nơi mình ở, trường mình học,… thì mình cảm thấy rất tự hào. Có lẽ mình là một người luôn dành nhiều tình cảm cho nơi mà mình được sinh ra, nơi mà mình đã từng đi qua. Mình nghĩ, để tạo nên dấu ấn trong ngành thời trang thế giới, thì tính bản địa là một yếu tố vô cùng quan trọng để tạo nên sự khác biệt” - Nhu chia sẻ thêm.
Sau khi ra trường, Hoài Nhu muốn bản thân được tham gia vào nhóm thiết kế của các anh chị đã đi trước để học hỏi và lấy kinh nghiệm. Cậu hy vọng bản thân sẽ dần tích lũy nguồn lực về vốn để sau này có thể xây dựng thương hiệu riêng của mình.