Tân Thủ tướng Đức và những thách thức hiện hữu

Trong bối cảnh địa chính trị đang thay đổi, ông Merz phải đối mặt với thách thức đáng kể từ nhiều phía. Đặc biệt là phải làm sao để khôi phục sức mạnh kinh tế của đất nước, cũng như đối phó với sự thay đổi bất thường trong chính sách thương mại toàn cầu.

Với 325 phiếu ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu kín tại Hạ viện chiều 6/5 (theo giờ địa phương) vượt 9 phiếu so với yêu cầu, lãnh đạo phe bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) Friedrich Merz chính thức trở thành Thủ tướng thứ 10 của Liên bang Đức thời hậu chiến và là thành viên thứ 6 của CDU giữ vị trí này.

Ông Friedrich Merz là ai?

Ông Friedrich Merz (69 tuổi) là một nhà kinh tế - tài chính chưa từng tham gia nội các đã trở thành Thủ tướng tiếp theo của Đức. Ông sinh ra trong một gia đình Công giáo bảo thủ tại thị trấn Brilon, Bắc Rhine-Westphalia, miền Trung nước Đức, và gia nhập nhóm thanh thiếu niên của CDU khi còn đi học. Ông tham gia chính trường vào năm 1989, khi được bầu vào Nghị viện châu Âu ở tuổi 33.

Tân Thủ tướng Đức Friedrich Merz sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Ảnh: Reuters.

Tân Thủ tướng Đức Friedrich Merz sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Ảnh: Reuters.

Sau khi phục vụ một nhiệm kỳ với tư cách là thành viên Nghị viện châu Âu, ông Merz được bầu vào Quốc hội Đức (Bundestag) và khẳng định mình là một nhà lãnh đạo chuyên sâu về chính sách tài chính. Ông cũng nổi tiếng với lập luận rằng các quy tắc thuế của Đức phải đủ đơn giản để tính toán trên mặt sau của một cái lót ly bia. Song, mối bất hòa ngày càng gia tăng với Thủ tướng Merkel khi đó cuối cùng đã đẩy ông rời khỏi chính trường.

Đến cuối năm 2009, Merz đã hoàn toàn gia nhập khu vực tư nhân, khi làm luật sư và cố vấn cấp cao tại Công ty Luật quốc tế Mayer Brown, cùng nhiều vị trí khác. Ông cũng từng là Chủ tịch BlackRock Germany (chi nhánh của BlackRock - tập đoàn quản lý tài sản lớn nhất thế giới - ở Đức) từ năm 2016 - 2020.

Một chiến thắng không trọn vẹn

Ông Merz vốn được dự báo trở thành Thủ tướng Đức sau khi liên minh CDU/CSU giành nhiều phiếu bầu nhất trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 2. Do CDU/CSU không chiếm quá bán số ghế tại Hạ viện, ông Merz tuyên bố thành lập liên minh với đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của cựu Thủ tướng Olaf Scholz và tập hợp được 328 ghế.

Trong suốt 2 tháng sau bầu cử, các bên trong liên minh CDU/CSU và đảng Dân chủ xã hội trung tả (SPD) đã tích cực đàm phán để hoàn thiện văn kiện thỏa thuận liên minh. Văn bản này cuối cùng đã được ký kết bởi lãnh đạo 3 đảng vào ngày 5/5 - đánh dấu một cột mốc quan trọng cho sự thành lập chính phủ mới. Song, niềm tin vào một cuộc chuyển giao quyền lực suôn sẻ lại đối mặt với thách thức nghiêm trọng.

Vào sáng ngày 6/5, Bundestag đã nhóm họp để bỏ phiếu bầu Thủ tướng mới. Sự kiện đặc biệt thu hút sự chú ý khi có sự hiện diện của nhiều nhân vật nổi bật, bao gồm cả cựu Thủ tướng Angela Merkel. Những tưởng đây là bước khởi đầu thuận lợi cho chính phủ mới, song quốc gia này chứng kiến một kết quả gây chấn động khi ông Friedrich Merz không được bầu làm Thủ tướng.

Theo quy định, một ứng cử viên chỉ có thể đắc cử nếu giành được ít nhất 316 phiếu - tức đa số tuyệt đối trong tổng số 630 nghị sĩ. Với 328 ghế trong tay, liên minh CDU/CSU-SPD được cho là nắm chắc phần thắng. Nhưng thực tế chỉ có 310 phiếu được bỏ cho ông Friedrich Merz. Điều này có nghĩa ít nhất 18 nghị sĩ trong liên minh đã không ủng hộ ông Merz. Và phải đến vòng bỏ phiếu kín thứ 2 ông mới giành được 325 phiếu ủng hộ, vượt 9 phiếu so với yêu cầu. Đây là lần đầu tiên trong thời hậu chiến, một ứng viên của đảng giành chiến thắng trong bầu cử tại Đức lại không vượt qua được cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện để trở thành Thủ tướng trong vòng bỏ phiếu đầu tiên.

Con đường gập ghềnh phía trước

Chiến thắng không trọn vẹn của tân Thủ tướng Friedrich Merz đồng nghĩa với con đường không bằng phẳng phía trước. Để giữ vững vị trí của mình, ông sẽ phải đối mặt với những áp lực đến từ cả hai phía là SPD và các đòi hỏi ngày càng lớn từ cánh cấp tiến trong chính đảng CDU của ông - vốn không hài lòng với thành phần nội các mang thiên hướng kỹ trị và bảo thủ truyền thống. Bên cạnh đó, ông cũng phải giải quyết bài toán về an ninh, kinh tế và quan hệ với Mỹ.

Tân Thủ tướng sẽ phải đối mặt với vô vàn thách thức từ sự quản lý quá mức và cơ sở hạ tầng yếu kém đến chi phí năng lượng cao, tình trạng thiếu hụt lao động tay nghề cao và dân số già hóa. Quốc gia này đang có nhu cầu cấp thiết về đầu tư vào mọi thứ, từ quốc phòng đến cơ sở hạ tầng của đất nước.

Nhưng để làm được như vậy, ông Merz có thể phải nới lỏng một quy tắc được bảo vệ theo Hiến pháp, được gọi là "phanh nợ" - trong nhiều năm đã được Berlin sử dụng để khẳng định vị thế hình mẫu của kỷ luật tài chính. Theo quy tắc “phanh nợ” (được cựu Thủ tướng Angela Merkel đưa ra vào năm 2009 để chứng minh rằng Đức cam kết cân bằng sổ sách sau cuộc khủng hoảng ngân hàng), Chính phủ liên bang được yêu cầu phải giới hạn mức vay hàng năm ở mức 0,35% GDP. Ông Merz có thể nới lỏng quy định đó và đổi lại sẽ giải phóng các khoản tiền rất cần thiết để đầu tư vào mọi thứ từ nhà ở đến cơ sở hạ tầng đường sắt.

Ông Merz vốn được kỳ vọng sẽ chấm dứt tình trạng tranh cãi về chi tiêu và ngân sách đã gây khó khăn cho liên minh ba đảng của người tiền nhiệm Olaf Scholz đã sụp đổ vào năm ngoái. Thêm vào đó, chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 23/2 và thỏa thuận liên minh khiến cho niềm tin của người dân vào Chính phủ của ông có thể chấm dứt tình trạng tê liệt về chính sách và đối mặt với những thách thức bao gồm tình trạng đầu tư chậm trễ vào các dự án thúc đẩy tăng trưởng, thiếu lao động có tay nghề... càng được củng cố.

Các chuyên gia nhận định, số phiếu mà ông Merz thiếu trong vòng bỏ phiếu đầu tiên cho thấy niềm tin trong liên minh cầm quyền giữa CDU/CSU và SPD đã bị lung lay, là “dấu hiệu cho thấy sự ngờ vực” đối với ông ngay cả trong liên minh. Đây được xem như là lời cảnh báo về sự thiếu đồng thuận và sự rạn nứt sâu xa trong lòng liên minh vừa được ký kết.

Chuyên gia kinh tế cấp cao về châu Âu tại Capital Economics Franziska Palmas cho biết: “Ông Merz không giành đủ số phiếu cần thiết trong vòng bỏ phiếu đầu tiên khiến cho lời hứa của ông về việc điều hành một chính phủ hiệu quả và không có xung đột, không còn đáng tin cậy. Thêm vào đó, việc thực hiện các đề xuất kinh tế của ông, bao gồm tăng mạnh chi tiêu cho quốc phòng và cơ sở hạ tầng, cắt giảm thuế doanh nghiệp, cắt giảm bộ máy quan liêu và số hóa, sẽ khó khăn hơn dự kiến”. Điều này còn dẫn đến suy đoán rằng một số nhà lập pháp bảo thủ về tài chính đang phản đối quyết định sau bầu cử của ông nhằm nới lỏng giới hạn theo hiến pháp của Đức về chi tiêu thâm hụt và thành lập một quỹ 500 tỷ euro để chi cho cơ sở hạ tầng như cầu, trường học và đường sắt.

Hơn nữa, quyết định thành lập Quỹ cơ sở hạ tầng bên ngoài giới hạn nợ đã làm dấy lên hy vọng về việc Chính phủ sẽ chi tiêu nhiều hơn và thoát khỏi tình trạng trì trệ. Song, những hy vọng đó đã bị dập tắt khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố một loạt thuế quan mới đối với hầu hết các đối tác thương mại của quốc gia này, bao gồm thuế quan 20% đối với hàng hóa từ Liên minh châu Âu (EU) hôm 2/4. Điều đó ngay lập tức làm tăng thêm sức cản cho nền kinh tế xuất khẩu Đức.

Ngoài việc CDU thực hiện một cú đảo ngược lịch sử về phanh nợ, Thủ tướng Friedrich Merz sẽ đối mặt với hai bài toán đối ngoại lớn là tái định hình quan hệ với Mỹ và định hướng lại lập trường đối với Nga... Với bề dày kinh nghiệm thương trường, tân Thủ tướng Đức được kỳ vọng sẽ dễ dàng tìm tiếng nói chung với một tổng thống có phong cách đàm phán tương tự. Song, ông lại thiếu kết nối cá nhân với giới thân cận của chính quyền Tổng thống Donald Trump, những người vốn giữ khoảng cách với các chính trị gia Đức. Việc xây dựng lại lòng tin trong quan hệ Đức - Mỹ từ đó cũng sẽ khó khăn hơn.

Ông Merz đã có chuyến công du đầu tiên trên cương vị Thủ tướng đến hai quốc gia đồng minh thân cận là Pháp và Ba Lan vào ngày 7/5, nhằm thể hiện rằng nước Đức đã trở lại quốc tế sau giai đoạn tranh cử tháng 2 và nhiều tháng đàm phán căng thẳng. Ngày 8/5, ông sẽ điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump và có thể sẽ gặp trực tiếp nhà lãnh đạo Mỹ trước thềm cuộc họp với NATO vào cuối tháng 6. Cuộc gặp đầu tiên giữa ông Merz và Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ thu hút sự quan tâm của dư luận.

Chú thích ảnh:

Châu Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tan-thu-tuong-duc-va-nhung-thach-thuc-hien-huu-10371822.html