Tân Thủ tướng Pháp đệ trình danh sách nội các
Trong nỗ lực chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị kéo dài, ngày 19/9, tân Thủ tướng Pháp Michel Barnier đã đệ trình lên Tổng thống Emmanuel Macron danh sách nội các mới, trong đó có nhiều gương mặt mới đảm nhiệm hầu hết các vị trí quan trọng.
Theo một số nguồn tin giấu tên, mặc dù không có bất ngờ lớn hay có những cái tên nổi bật, nhưng thành phần chính phủ mới dường như có xu hướng nghiêng về phía cánh hữu, so với chính phủ trung dung trước đó. Cụ thể, Thủ tướng Barnier đề xuất Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu Jean-Noel Barrot đảm nhiệm chức Ngoại trưởng. Trong khi đó, ông Bruno Retailleau, lãnh đạo đảng cánh hữu Những người Cộng hòa Pháp (LR) được đề cử đảm nhiệm chức Bộ trưởng Nội vụ. Một nhân vật quan trọng khác được cho là sẽ giữ nguyên vị trí là Bộ trưởng Quốc phòng Sebastien Lecornu.
Hiện vẫn chưa rõ thời điểm danh sách đầy đủ của chính phủ mới sẽ được chính thức công bố. Tuy nhiên, Văn phòng Thủ tướng khẳng định danh sách này sẽ là một chính phủ “sẵn sàng hành động để phục vụ người dân”.
Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chỉ định ông Barnier, cựu Bộ trưởng Môi trường, Ngoại giao và Nông nghiệp và cũng là cựu trưởng đoàn đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu (EU), làm người đứng đầu chính phủ. Hiện Quốc hội Pháp có 3 khối chính trị đang nắm giữ số ghế không chênh lệch nhau quá nhiều, gồm nhóm những người ủng hộ đường lối trung dung của Tổng thống Macron- liên minh lỏng lẻo với đảng bảo thủ của ông Barnier, liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới (NFP) và đảng cánh hữu Tập hợp quốc gia (RN). Trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 7, NFP giành được nhiều phiếu nhất nhưng không đủ đa số. Các nhà lãnh đạo NFP đã tuyên bố sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm bất kỳ chính phủ nào không phải do đảng này lãnh đạo. Trong khi đó, RN không phản đối việc Tổng thống Macron chỉ định ông Barnier làm Thủ tướng mới
Áp lực sớm hoàn thiện nội các với ông Barnier ngày càng lớn khi ngày 1/10 tới là hạn chót để chính phủ đưa ra dự thảo ngân sách cho năm 2025. Kể cả khi đã lựa chọn được các vị trí trong nội các và được quốc hội chấp thuận thì chính phủ của ông cũng sẽ phải bước ngay vào cuộc chiến khốc liệt liên quan các vấn đề thuế và chi tiêu. Đặc biệt, cả NFP và RN đều cam kết trước cuộc bầu cử tháng 7 rằng sẽ lật ngược cải cách lương hưu được Tổng thống Macron phát động năm ngoái nhằm tăng tuổi nghỉ hưu chính thức từ 62 lên 64 và đã vấp phải làn sóng biểu tình phản đối.