Tần Thủy Hoàng diệt 6 nước, lập ra nhà Tần nhưng tại sao chỉ tồn tại 14 năm?
Tần Thủy Hoàng qua đời, tình hình nước Tần khá rối ren và không lâu sau đó đã sụp đổ trước các cuộc nổi dậy. Vấn đề gốc rễ của kết cục này nằm ở đâu?
Nước Tần phải trải qua mấy đời cố gắng không ngừng mới có thể đoạt được thiên hạ, nhưng lại chỉ kéo dài 14 năm, tức là đến đời vua thứ hai thì chấm dứt. (Nhà Tần: Năm 221 TCN – Năm 207 TCN)
Mà Lưu Bang vốn chỉ là một người dân bình thường lại chỉ qua vài năm ngắn ngủi đã lập nên nhà Hán, tiếp nối chế độ nhà Tần, duy trì đến vài trăm năm.
(Nhà Tây Hán: Năm 202 TCN- Năm thứ 9 sau Công nguyên; Nhà Đông Hán: Năm 25 sau Công nguyên – Năm 220 sau Công nguyên)
Sau khi nhà Tần diệt vong, nhà Hán tiếp nối nhà Tần, tiếp tục thực hiện chế độ tập quyền trung ương, vẫn phân chia các vùng như trước, nhưng lại tạo ra kết quả khác biệt? Lý do cụ thể như sau:
Lý do thứ nhất
Từ thời Xuân Thu tranh bá, đến Chiến Quốc chiến loạn tổng cộng khoảng bốn trăm, năm trăm năm lịch sử, mối quan hệ giữa nhà Tần cùng sáu quốc gia khác, trên là quân vương dưới là bách tính đều có vô số mâu thuẫn thù hận, quá trình nhà Tần thống nhất đất nước hay nói cách khác là quá trình chinh phục và nô dịch.
Nhà Chu duy trì chế độ phân phong gần nghìn năm, các quốc gia thời Chiến Quốc đều là những quốc gia đã có căn cơ vững chắc, tồn tại từ vài chục đến vài trăm năm, thế lực phức tạp rối ren, có sức ảnh hưởng nhất định không thể xóa bỏ trong một sớm một chiều, mà cần phải qua cả một quá trình lâu dài.
Nhà Tần dù đã tiêu diệt được cả sáu nước, nhưng dân chúng các quốc gia ấy vẫn ở đó, dù xét về tâm lí hay về tình cảm thì họ cũng khổng thể dễ dàng chấp nhận việc quốc gia mình bị thôn tính. Thực ra, đối với người dân, ai có thể đem đến cho họ cuộc sống tốt đẹp thì người ấy chính là người tốt, trước đây vốn còn có thể xoay sở mà sống, nay lại không thể sống nổi, chắc chắn sẽ nảy sinh tưởng niệm với cố quốc ngày xưa.
Mà nhà Tần lại không đề ra những phương pháp nhằm an dân, khiến cho nhân dân các quốc gia khác đều tưởng nhớ cố quốc của mình, bài xích nhà Tần, cho rằng nhà Tần chính là kẻ xâm lược, một thế lực phi chính nghĩa, nhân dân các nước tự nhận mình là những nô lệ mất nước, lòng dân dao động không yên.
Hơn thế, trong quá trình nhà Tần thực hiện chế độ trung ương tập quyền, chia thành các quận huyện để cai quản, vừa bắt đầu đã tiến hành một cách triệt để, sử dụng bạo lực để trấn áp, không coi nhân dân sáu nước khác là con người, đối xử tàn bạo. Mà nhà Hán lại có cách làm nhẹ nhàng hơn, chế độ chia quận huyện cũng được tiến hành theo từng bước, thậm chí đến bước chế định cuối cùng cũng không thể triệt để như nhà Tần đã làm.
Lý do thứ hai
Nhà Tần là quốc gia theo chế độ quân chủ chuyên chế, mọi mặt thể chế đều xoay quanh các cuộc chiến tranh. Thông qua việc chặt đầu, chém giết để hoàn thiện thể chế, trong thời bình, cách này tất yếu không mang lại lợi ích, áp dụng trong thời kỳ chiến tranh thì có thể mang lại hiệu quả, nhưng trong thời bình, nếu về lâu dài, ắt sẽ dẫn đến dân chúng nổi dậy đấu tranh.
Sau khi nhà Tần thống nhất đất nước, vấn đề nhà Tần cần giải quyết chính là việc thay đổi chính sách chính trị, tức là từ một quốc gia coi chiến tranh là trọng tâm, đổi thành một quốc gia lấy việc cai trị đất nước làm trọng tâm. Nhưng đáng tiếc là nhà Tần lại không làm điều ấy, mà vẫn cứ tiếp tục duy trì chủ nghĩa quân chủ tập quyền, thậm chí còn áp dụng lên cả sáu nước khác, khiến cho dân chúng vô cùng phẫn nộ, bất mãn.
Vốn dĩ việc chinh phạt được sáu nước sẽ mang đến vô hạn đất đai, tài phú cùng dân chúng, có thể lấp đầy quốc khố, khích lệ binh lính, còn có thể dùng để thưởng phạt khích lệ.
Mà nhà Tần sau khi thống nhất các quốc gia, khi việc cai trị đất nước vẫn chưa đạt hiệu quả đã lại bắt đầu cho xây dựng hàng loạt công trình, tu sửa Trường thành, gây chiến tranh… những việc này đều không thu được ích lợi gì. Cho dù những công trình này đều sẽ mang lại lợi ích về lâu dài, nhưng với quy mô to lớn như vậy, lúc bấy giờ đều vô cùng hao phí, tốn của tốn công.
Pháp luật không được cải cách, chế độ cứng nhắc, tham quan hoành hành, với tình hình như vậy, một khi Tần Thủy Hoàng qua đời, thiên hạ tất sẽ đại loạn.
Nhà Tần diệt vong, nhà Hán thay thế, từ những sai lầm của nhà Tần, Vương triều Đại Hán đã có những chính sách hoàn toàn trái ngược với nhà Tần, mở đầu là việc thay đổi các chính sách chính trị như: Để các binh lính trong quân đội tham gia vào lao động sản xuất; đối với phương pháp cai trị đất nước, áp dụng tư tưởng Hoàng Lão, chủ trương thanh tĩnh vô vi, cho dân nghỉ ngơi, nới tay trị dân. Đây không phải là ý tưởng tình cờ hay ngoài ý muốn, mà là sự đồng nhất tư tưởng sau khi đã cân nhắc kỹ càng, được ghi chép lại rõ ràng trong các tư liệu lịch sử.
Lý do thứ ba
Chế độ quận huyện là hình thức đầu tiên cho chế độ trung ương tập quyền. Nhưng vì đây là nhà nước trung ương tập quyền đầu tiên của Trung Quốc, nên cũng chưa thực sự hoàn thiện, điểm không hoàn hảo ở đây là việc phân chia quyền lực.
Mỗi một địa phương đều có những thế lực riêng, khi họ không được chia quyền lực mà lại nắm trong tay một thế lực nhất định, sẽ nghĩ đến việc nổi dậy lật đổ chính quyền, đoạt thiên hạ, hoặc ít nhất là tự lập đất cai trị.
Thời nhà Tần, các quý tộc cũ của Sở quốc vì không được phân chia quyền lực, đã tự mình nổi dậy dấy binh tạo phản.
Trong diễn tiến chế độ của Trung Quốc cổ đại, một trong các hướng đi quan trọng chính là việc củng cố chế độ phân chia quyền lực. Từ việc Hoàng đế ban mệnh lệnh, đến các cơ quan kiểm tra, thực hiện, đến chế độ cửu phẩm trung chính, đến chế độ khoa cử. Trên thực tế chính là không ngừng mở rộng, thể chế hóa phạm vi phân chia quyền lực. Thời nhà Tần, nếu có chế độ khoa cử, thì các quý tộc cũ nước Sở cũng chưa hẳn đã dấy binh tạo phản. Việc phân chia quyền lực thông qua khoa cử chắc chắn sẽ dễ dàng khống chế cũng đỡ tốn kém hơn so với tổ chức chiến tranh.
Thời nhà Hán, để thỏa hiệp và xoa dịu các thể lực địa phương, chế độ kiểm tra, tiến cử đã được hình thành. Chế độ kiểm tra tiến cử nói một cách dễ hiểu là cho các thế lực địa phương cơ hội để tiến cử người vào bộ máy trung ương. Vì có được cơ hội như vậy, nên đã giảm được xu thế tách rời của các thế lực địa phương, đồng thời các thế lực muốn được phân chia quyền lực sẽ tự giác ổn định thế cục của mình, điều đó đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định chính trị quốc gia.
Lý do thứ tư
Người cai trị nhà Tần muốn đem bộ máy quốc gia vận hành như một cỗ máy, trong đó, vua sẽ là bộ não duy nhất điều khiển cả bộ máy, các bộ phận khác sẽ phải phục tùng mệnh lệnh, trở thành ốc vít, không cần phải có suy nghĩ của riêng mình.
Đặc biệt là dân chúng muốn nghị luận việc chính trị, dù là tán dương hay phê phán thì đều sẽ bị xử phạt nghiêm khắc.
Cho nên, ngoài trừ các loại sách như sách sử, sách luật, sách về nông nghiệp cùng các ngành nghề kỹ thuật khác, thì các loại sách khác đều không được phép tồn tại và lưu hành. Chính quyền trung ương yêu cầu người dân học hỏi các kỹ thuật từ quan lại. Nói chung là, với nhà Tần, người dân càng lao động chân tay nhiều, ít suy nghĩ thì càng là người dân tốt.
Đến thời nhà Hán, việc cấm người dân tham chính vẫn được tiếp tục duy trì. Chỉ là cách nhà Hán thống trị không dùng thủ đoạn tàn nhẫn như nhà Tần, cho nên dân chúng vẫn có được cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tần Thủy Hoàng vừa qua đời, các tầng lớp trên của đất nước bắt đầu tàn sát lẫn nhau. Chỉ trong vòng ba năm, gia tộc họ Mông bị giết hại hàng loạt, hoàng tộc cũng bị tàn sát, gia đình Lý Tư cũng bị giết hại, các nguyên lão trọng thần dưới thời Tần Thủy Hoàng đều lần lượt biến mất, cuối cùng cả nhà Triệu Cao cũng bị giết hại.
Khi Doanh Tử Anh giành được thắng lợi sau hàng loạt cuộc thảm sát, sáu nước xưa kia đã sớm thoát khỏi tầm khống chế của nhà Tần, đội quân phản Tần được thành lập và sớm đã tiến vào phạm vi lãnh thổ nhà Tần. Cho nên, Doanh Tử Anh chỉ kịp làm vua 46 ngày đã phải đưa quân đầu hàng, nhà Tần rơi vào diệt vong.
Lý do thứ năm
Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất sáu nước, chia cả nước thành 36 quận. Đại bộ phận quân đội nhà Tần bị chia cắt, dời đến từng địa phương, trở thành một phần thuộc khu vực ấy.
Việc chia quân đến các quận huyện, dù sẽ giúp duy trì ổn định các địa phương, nhưng cũng không tránh được mặt hại. Bởi vì số lượng các quận huyện khá nhiều, quân đội cũng phải chia ra các nơi, cho nên số lượng quân đội các khu vực đơn vị lại khá ít, nếu phải đối mặt với số lượng đông đảo quân khởi nghĩa, sẽ không kịp tập hợp lại chống trả, ngược lại sẽ dễ dàng bị quân khởi nghĩa tấn công, từng bước bị tiêu diệt.
Có một người tên là Lư Sinh, ông tìm được cuốn "Lục Đồ Thư", nói rằng về sau nhà Tần sẽ bị người Hồ diệt. Cho nên, Tần Thủy Hoàng luôn coi Hung Nô ở phía Bắc là kẻ thù lớn nhất của nhà Tần, nên đã phái đại tướng quân Mông Điềm thống lĩnh ba mươi vạn binh mã, tu sửa Trường thành, chinh phạt Hung Nô.
Ba mươi vạn quân do Mông Điềm chỉ huy chính là quân chủ lực của nhà Tần, là đội quân tinh nhuệ nhất. Sau này, Mông Điềm bị Tần Nhị Thế và Triệu Cao sát hại, đội quân này do phó tướng Vương Ly thống lĩnh.
Về sau, khi quân khởi nghĩa khắp nơi nổi dậy, Tần tướng Chương Hàm tập hợp hơn mười vạn lao dịch, dàn trận chống lại quân khởi nghĩa. Sau đó, Chương Hàm thống lĩnh đội quân lao dịch, theo lệnh Tần Nhị Thế hợp lại với quân Trường thành do Vương Ly dẫn đầu, đem quân khởi nghĩa Triệu Địa bao vậy tại Cự Lộc. Các cánh quân khởi nghĩa khác nhanh chóng mang quân đến tiếp viện Triệu Địa, đánh bại quân Tần, Vương Ly tử trận, quân Trường thành bị tiêu diệt.
Đối phó với Gia Cát Lượng, Tư Mã Ý đã cất nhắc 1 người, quả nhiên người này về sau trở thành mãnh tướng, đánh cho Thục Hán diệt vong
Sự thất bại của Vương Ly và quân Trường thành là một đòn đả kích nghiêm trọng với nhà Tần, chứng minh nhà Tần không thể chống lại được nghĩa quân khởi nghĩa.
Tóm lại, khi dân chúng sáu nước phải trải qua chiến tranh hàng trăm năm, những vết thương còn lưu lại vẫn chưa lành hẳn, nhà Tần lại cai trị tàn bạo, sát muối lên vết thương của nhân dân, cùng với sự thối nát hủ bại của bộ máy chính quyền, chế độ trung ương tập quyền tiến hành vừa gấp gáp vừa ác liệt, khiến cho lòng dân oán than, cùng nhau nổi dậy chống lại triều đình.
Nhà Hán nối tiếp nhà Tần, kế thừa bộ máy chính trị nhà Tần, bao gồm chế độ quan liêu trung ương tập quyền, thể chế hành chính trung ương tập quyền (chế độ quận huyện).... nhưng việc kế thừa chỉ mang tính kế thừa tư tưởng, còn về cách làm lại có sự thay đổi to lớn, đồng thời phân chia thành các giai đoạn.
Từ những lý do và sự khác biệt ở trên, chúng ta không khó để hiểu được đâu là nguyên nhân khiến nhà Tần chỉ kéo dài qua hai đời vua, còn nhà Hán kế thừa sau lại có thể duy trì đến vài trăm năm.