Tân Tổng thống Brazil và một hành trình đầy khó khăn phía trước
Ngày 1-1 (theo giờ địa phương), ông Luiz Inacio Lula da Silva đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Brazil. Giới phân tích cho rằng, đây mới chỉ là sự khởi đầu một nhiệm kỳ được đánh giá là vô cùng khó khăn với chính trị gia cánh tả kỳ cựu này.

Tân Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva (giữa) tuyên thệ nhậm chức ngày 1-1. Ảnh: Reuters
Lễ nhậm chức Tổng thống Brazil diễn ra trong điều kiện an ninh được thắt chặt tại thủ đô Brasilia sau những lời đe dọa bạo lực từ những người ủng hộ cựu Tổng thống cực hữu Jair Bolsonaro. Trong bài phát biểu trước Quốc hội sau khi chính thức nắm quyền điều hành quốc gia lớn nhất khu vực Mỹ Latinh, tân Tổng thống Lula da Silva tuyên bố nền dân chủ là bên chiến thắng thực sự trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 10-2022 mà ông đã đánh bại người tiền nhiệm Bolsonaro. "Tôi hứa sẽ gìn giữ, bảo vệ và thực thi hiến pháp, tuân thủ pháp luật, thúc đẩy lợi ích chung của người dân Brazil, ủng hộ sự đoàn kết, toàn vẹn và độc lập của Brazil", ông Lula da Silva phát biểu.
Một lãnh đạo được lòng dân
Ông Lula da Silva, 77 tuổi, đã đánh bại cựu Tổng thống Jair Bolsonaro trong cuộc bầu cử căng thẳng hồi tháng 10 để lần thứ 3 trở thành lãnh đạo của Brazil. Trước đó, ông từng phải ngồi tù một năm rưỡi vì các cáo buộc tham nhũng của chính quyền tiền nhiệm. Với tư cách là chủ tịch Đảng Công nhân (PT) từ năm 2003-2010, ông Lula da Silva đã thúc đẩy các chính sách giúp hàng triệu người Brazil thoát khỏi đói nghèo trong thời kỳ bùng nổ hàng hóa giúp thúc đẩy nền kinh tế. Sức hút và tầm ảnh hưởng của ông Lula da Silva trong suốt nhiều năm qua là điều không phải bàn cãi. Ông luôn nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ mọi tầng lớp trong xã hội, cũng như tạo được uy tín lớn trên trường quốc tế với những thành tựu nổi bật trong hai nhiệm kỳ liên tiếp hồi những năm 2000.
Đầy thách thức
Ông Lula da Silva quay lại cương vị lãnh đạo Brazil trong bối cảnh nước này phải đối mặt với một loạt thách thức. Nhiều thể chế nhà nước đã bị suy yếu trong 4 năm vừa qua dưới thời của chính quyền cực hữu, từ các cơ quan bảo vệ môi trường cho tới hệ thống y tế công. Cùng với đó, việc chính quyền của người tiền nhiệm Jair Bolsonaro cắt giảm ngân sách chi cho các trường đại học cũng gián tiếp khiến cho chất lượng giáo dục tại quốc gia đông dân nhất Mỹ Latin suy giảm trong những năm gần đây. Tổng thống Lula da Silva cam kết sẽ đầu tư mạnh vào giáo dục và hệ thống y tế phổ quát, khôi phục lại dự án hỗ trợ nhà ở cộng đồng giá rẻ, những lĩnh vực được cho là hết sức quan trọng đối với đời sống của đại đa số người dân Brazil. Nhà lãnh đạo cánh tả này khẳng định ưu tiên hàng đầu sau khi nhậm chức sẽ là tiếp tục cuộc đấu tranh chống đói nghèo và bất bình đẳng xã hội.
Cùng với đó, ông Lula da Silva cũng chú trọng tới việc phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, đặc biệt là quyết tâm chấm dứt tình trạng tàn phá rừng nhiệt đới Amazon, vốn được coi là “lá phổi xanh” của hành tinh. Dưới thời ông Bolsonaro, các vấn đề liên quan tới bảo vệ môi trường của Brazil đã đảo chiều nhanh chóng khiến cho nước này bị quốc tế chỉ trích mạnh mẽ, đặc biệt là từ Liên minh châu Âu. Trong bối cảnh đó, việc ông Lula da Silva quay trở lại nắm quyền được dư luận hy vọng sẽ giúp cho Brazil lấy lại được hình ảnh và quay trở lại quỹ đạo phát triển bền vững.
Cải thiện nền kinh tế trì trệ cũng là một nhiệm vụ trước mắt của tân Tổng thống Brazil, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Brazil đã chậm lại đáng kể trong những năm gần đây, trong khi xuất khẩu được dự báo sẽ giảm trong năm 2023. Không những vậy, chính quyền mới của Tổng thống Lula da Silva đang phải đối mặt với sự chống phá mạnh mẽ của nhóm cực hữu vốn ủng hộ chính quyền tiền nhiệm. Sau khi nhà lãnh đạo cánh tả này thắng cử, những nhóm ủng hộ trung thành nhất của ông Bolsonaro liên tục có những hành động phản kháng, thậm chí gây rối. Hàng nghìn người vẫn liên tục tổ chức các cuộc biểu tình kêu gọi lực lượng vũ trang can thiệp, không cho ông Lula da Silva được nhậm chức. Trong khi đó, bản thân ông Bolsonaro vẫn chưa hề công khai thừa nhận thất bại, khiến cho một bộ phận những người ủng hộ càng trở nên cực đoan hơn. Chưa hết,với việc đảng Tự do cực hữu của ông Bolsonaro nắm quyền kiểm soát quốc hội, giới phân tích cho rằng chính quyền sắp tới của ông Lula da Silva sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thông qua các dự luật để có thể triển khai chương trình hoạt động của mình nếu không tìm được tiếng nói chung với một số đảng trung hữu trong cơ quan lập pháp.
Bất chấp khó khăn, sự quay trở lại lần này của ông Lula da Silva đang được dư luận đặt nhiều kỳ vọng để có thể giúp Brazil quay trở lại con đường phát triển. Hy vọng rằng với kinh nghiệm thực tiễn trên chính trường, nhà lãnh đạo cánh tả này sẽ tạo được sự đoàn kết, đồng thuận trong xã hội để thực hiện được những cam kết đã đưa ra, đáp ứng những đòi hỏi về một xã hội công bằng và phát triển bền vững, cũng như hòa nhập với xu hướng hội nhập ở Mỹ Latinh.