Tân Tổng thống Indonesia đưa ra nhiều cam kết

Cựu Tướng Prabowo Subianto tuyên thệ nhậm chức vào Chủ Nhật (20/10) với tư cách là tổng thống Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Dưới đây là tóm tắt những cam kết chính sách của ông Prabowo.

Tân Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto. Ảnh AFP

Tân Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto. Ảnh AFP

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Ông Prabowo đặt mục tiêu đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế lên 8%, từ mức 5% hiện nay, bằng cách phát triển các ngành công nghiệp chế biến tài nguyên thiên nhiên phong phú của Indonesia, và dựa vào tác động kinh tế của các chương trình trọng điểm của ông, chẳng hạn như cung cấp bữa ăn miễn phí cho học sinh tại trường.

Ông sẽ mở cửa cho đầu tư nước ngoài, chẳng hạn như cung cấp cho các nhà đầu tư quyền quản lý sân bay và cảng biển.

Ông Prabowo, khi là Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia, cũng có kế hoạch huy động vốn bằng cách bán tín dụng carbon ở nước ngoài để tài trợ cho các dự án xanh sẽ tạo ra việc làm, một cố vấn nói với Reuters.

Năng lượng và an ninh lương thực

Điểm cốt lõi trong lời cam kết vận động tranh cử của ông Prabowo là giúp Indonesia tự cung tự cấp trong sản xuất các mặt hàng chủ lực, cũng như cắt giảm sự phụ thuộc của đất nước vào nhiên liệu nhập khẩu.

Trong vai trò là Bộ trưởng Quốc phòng, ông đã giám sát dự án “Khu điền trang lương thực”, dọn sạch đầm lầy để mở đường cho việc trồng sắn. Dự án này sẽ được mở rộng, với diện tích lên tới 3 triệu ha (7,4 triệu mẫu Anh) để trồng lúa, ngô và đậu nành. Diện tích này gần bằng diện tích của Bỉ.

Một số sản phẩm nông nghiệp sẽ được chế biến thành nhiên liệu sinh học ethanol.

Ông Prabowo cũng đã chuẩn bị để tăng tỷ lệ pha trộn bắt buộc dầu diesel sinh học từ dầu cọ lên 50% vào năm tới, tăng từ mức 35% hiện nay, nhằm giảm lượng dầu diesel nhập khẩu. Indonesia là nước xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới.

Bữa ăn miễn phí và dinh dưỡng tại trường

Lời hứa trong chiến dịch tranh cử nổi bật nhất của ông Prabowo là chương trình “Bữa ăn dinh dưỡng miễn phí” trị giá 28 tỷ USD, cung cấp thực phẩm cho 83 triệu trẻ em và phụ nữ mang thai để chống lại tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em.

Một số nhà kinh tế cho rằng chương trình này quá tốn kém, đã làm dấy lên mối lo ngại từ các công ty xếp hạng và nhà đầu tư rằng Chính phủ mới sẽ không còn quản lý tài chính thận trọng như dưới thời người tiền nhiệm của ông.

Ông Prabowo và các cố vấn của ông đã cam kết quản lý ngân sách của Chính phủ một cách có trách nhiệm, bảo vệ chương trình này như một bước cần thiết cho sự phát triển lâu dài của con người. Chương trình sẽ được triển khai theo từng giai đoạn bắt đầu từ tháng 1/2025.

Chính sách thuế

Ông Prabowo đã đặt mục tiêu tăng tỷ lệ doanh thu của Chính phủ trên GDP từ khoảng 12% lên 23%, hứa sẽ thực hiện bằng cách cải tiến công nghệ mà không tăng thuế suất.

Trong chiến dịch tranh cử, ông cho biết đang cân nhắc thành lập một cơ quan thu thuế mới theo mô hình của Sở Thuế vụ Mỹ (IRS), nhưng chưa rõ liệu điều này có được thực hiện hay không.

Theo một số báo cáo, ông Prabowo cũng có thể xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 22% xuống còn 20%, tùy thuộc vào tác động đối với doanh thu ngân sách.

Ngoài ra, vẫn chưa rõ liệu ông Prabowo có tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ mức 11% lên 12% vào ngày 1/1/2025 hay không, dù kế hoạch này đã được Chính quyền hiện tại chuẩn bị, nhưng không được lòng dân.

Tương lai của thủ đô mới

Nhà lãnh đạo sắp mãn nhiệm Widodo đã biến dự án trị giá 32 tỷ USD để di dời thủ đô của Indonesia cách xa Jakarta 1.200 km (745 dặm) đến Nusantara, trên đảo Borneo, thành di sản chính trị của ông.

Ông Prabowo đã công khai tuyên bố sẽ tiếp tục xây dựng thành phố này, ngay cả khi ông thừa nhận dự án có thể mất nhiều năm để hoàn thành.

Tuy nhiên, các thành viên trong liên minh của ông Prabowo đã đặt nghi vấn về khả năng của ngân sách nhà nước để tài trợ cho cả thủ đô mới và chương trình dinh dưỡng, theo các nguồn tin của Reuters.

Chính sách đối ngoại

Ông Prabowo cho biết nhiệm kỳ Tổng thống của mình sẽ tiếp tục chính sách đối ngoại không liên kết lâu dài của Jakarta, hứa sẽ duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các cường quốc thế giới mà không chọn phe.

Để thể hiện vai trò tích cực hơn trên trường quốc tế, ông Prabowo đã đi nhiều nước kể từ sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử, gặp gỡ các nhà lãnh đạo từ Úc, Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Nga và các quốc gia láng giềng ở Đông Nam Á.

Năm ngoái, trong một cuộc họp giữa các quan chức an ninh từ nhiều quốc gia, khi còn là Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia, ông Prabowo đã đề xuất một thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine.

Vài tháng sau đó, ông Prabowo đã chỉ trích các quy định về nạn phá rừng của Liên minh châu Âu, nói rằng người châu Âu đã buộc người Indonesia phải chặt phá rừng khi Indonesia còn là thuộc địa của Hà Lan, ông đề cập trong một hội thảo khi giải thích quan điểm đối ngoại của mình.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/tan-tong-thong-indonesia-dua-ra-nhieu-cam-ket-719408.html