Xuất khẩu thủy sản có thể đối diện nhiều thách thức

Theo nhận định từ các chuyên gia, cùng với những cơ hội xuất khẩu lớn, thủy sản Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.

Thu hoạch nghêu ở Hợp tác xã thủy sản Rạng Đông, xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Ảnh tư liệu: Công Trí/TTXVN

Thu hoạch nghêu ở Hợp tác xã thủy sản Rạng Đông, xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Ảnh tư liệu: Công Trí/TTXVN

Những tháng cuối năm, ngành thủy sản có nhiều cơ hội xuất khẩu, bởi các thị trường bước vào giai đoạn chuẩn bị thực phẩm cho kỳ nghỉ lễ Noel và Tết Dương lịch. Tuy nhiên, theo nhận định từ các chuyên gia, cùng với những cơ hội xuất khẩu lớn, thủy sản Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.
* Cạnh tranh nguồn cung

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam chia sẻ, vào những tháng cuối năm, xuất khẩu thủy sản sẽ tăng mạnh hơn do nhu cầu mua sắm ở các thị trường nhập khẩu tăng. Đặc biệt, các sản phẩm đạt chứng chỉ xanh, thân thiện với môi trường, không kháng sinh sẽ được ưa chuộng nhất. Tuy nhiên, ngành thủy sản cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như dịch bệnh xảy ra với con tôm ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu chế biến, thêm vào đó là sự cạnh tranh với sản phẩm tôm nhập từ Ecuador.

Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thủy sản Thông Thuận Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thủy sản Thông Thuận Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

*Tận dụng lợi thế

Dù phải đối mặt những khó khăn, nhưng ngành thủy sản Việt Nam vẫn còn có rất nhiều lợi thế để khai thác. Theo ông Nguyễn Hoài Nam, không phải thủy sản Việt Nam chưa từng gặp khó khăn mà các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản đã phát huy tối đa những lợi thế hiện có để giữ vững xuất khẩu. Đặc biệt, không ít doanh nghiệp đã có những biện pháp tiết kiệm chi phí cũng như nắm bắt cơ hội từ phía một số thị trường mới nổi như thị trường Nam Mỹ, thị trường khu vực Trung Đông để trên cơ sở đó có thể cân bằng nhu cầu thị trường.

Song song với thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản cũng không quên thị trường nội địa. Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam chia sẻ, tiềm năng thị trường nội địa còn rất lớn, để cân bằng cán cân cung cầu và giảm bớt sự lệ thuộc vào thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp thủy sản cần hướng đến phát triển thị trường nội địa, đưa sản phẩm thủy sản xuất khẩu đến với người tiêu dùng Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng, thương mại của Việt Nam nói chung và ngành thủy sản nói riêng đã có thêm nhiều cơ hội thuận lợi để doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, tăng xuất khẩu.

Nắm bắt những cơ hội này, nhiều doanh nghiệp thủy sản đã thuận lợi vượt qua những rào cản thị trường và nguồn cung. Ông Vũ Minh Đức, Giám đốc nhân sự, Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang chia sẻ, hiện nay, doanh nghiệp có hợp đồng bán hàng là một tín hiệu tốt. Để có thể tiêu thụ sản phẩm tôm Minh Phú, ngoài chất lượng tôm đạt yêu cầu, Minh Phú Hậu Giang còn có chiến lược giảm giá theo tỷ lệ lợi nhuận cho phép, vẫn có thể cạnh tranh với sản phẩm tôm nước ngoài, và vẫn được thị trường nội địa đẩy mạnh tiêu thụ tại các kênh bán lẻ là siêu thị.

Để cân bằng giữa bất lợi và lợi thế, các chuyên gia trong ngành đã đưa ra lời khuyên với doanh nghiệp, dù các thị trường đang có nhu cầu lớn nhưng không vì thế mà doanh nghiệp chủ quan. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chủ động tăng sức cạnh tranh và tận dụng tối đa lợi thế, nhất là đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu sản phẩm giá trị gia tăng. Qua đó, tạo lực đẩy để có thể duy trì đà tăng trưởng cho ngành.

Hồng Nhung/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/xuat-khau-thuy-san-co-the-doi-dien-nhieu-thach-thuc/350905.html