TAND hai cấp tỉnh Quảng Ninh: Công tác hòa giải, đối thoại được quan tâm, chú trọng
Trong mấy năm gần đây, TAND hai cấp tỉnh Quảng Ninh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhất là việc giải quyết, xét xử các loại án.
Có được thành quả đó là nhờ toàn thể cán bộ, công chức Tòa án hai cấp đã không ngừng cố gắng và thực hiện tốt những chỉ đạo của Tòa án cấp trên, đặc biệt là trong công tác hòa giải, đối thoại.
Cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội thì tình hình tội phạm và các tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, hành chính trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có xu hướng ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, ngay từ đầu mỗi năm công tác, lãnh đạo TAND tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm đến công tác kiện toàn tổ chức cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, đạo đức nghề nghiệp cho toàn thể cán bộ công chức trong Tòa án hai cấp.
Đồng thời, lãnh đạo TAND tỉnh Quảng Ninh thường xuyên chỉ đạo các cán bộ, công chức trong Tòa án hai cấp thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm công tác, như: Các đơn vị Tòa án huyện, thành phố, các tòa, phòng thuộc Tòa án tỉnh cần bám sát và thực hiện tốt phương hướng, nhiệm vụ chỉ tiêu của TANDTC, của tỉnh và của Tòa án hai cấp tỉnh đề ra; tăng cường việc học tập chủ trương, chính sách của Đảng, cập nhật những văn bản pháp luật mới để nâng cao trình độ chuyên môn; nâng cao chất lượng giải quyết xét xử các loại án và thi hành án hình sự đạt và vượt chỉ tiêu đề ra; phấn đấu giảm tỷ lệ án sửa so với những năm trước; quyết tâm nâng cao tỷ lệ hòa giải thành các vụ án dân sự, chú trọng đối thoại trong giải quyết các vụ án hành chính.
Đặc biệt, thực hiện theo hướng dẫn của TANDTC, Chánh án TAND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành quyết định thành lập 7 Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND tỉnh, TAND các thành phố: TP Hạ Long, TP Cẩm Phả, TP Móng Cái, TP Uông Bí và tại TAND thị xã Quảng Yên, TAND thị xã Đông Triều. Đồng thời, Tòa án tỉnh cũng lựa chọn, chỉ định 33 Hòa giải viên, Đối thoại viên; 7 Thư ký giúp việc cho các Trung tâm; sắp xếp các phòng làm việc, phòng hòa giải, đối thoại, trang bị những phương tiện làm việc thiết yếu... Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền về hoạt động thí điểm hòa giải, đối thoại được TAND tỉnh và các Tòa án địa phương thí điểm chú trọng thực hiện.
Đồng thời, Tòa án tỉnh cũng tham mưu giúp Thường trực Tỉnh ủy trong việc thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thí điểm; xây dựng Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác, tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm; tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng Chỉ thị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thí điểm công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND; kịp thời đề xuất với tỉnh hỗ trợ nguồn kinh phí để thực hiện hiệu quả, chất lượng hoạt động thí điểm.
Sau hơn 4 tháng đi vào hoạt động, các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND hai cấp trong tỉnh đã nhận 792 đơn khởi kiện về hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại và khiếu kiện hành chính; hòa giải, đối thoại thành 426 đơn, đạt tỷ lệ 65%; đảm bảo đúng nguyên tắc, quy trình hòa giải, đối thoại do TANDTC hướng dẫn.
Thực tế triển khai cho thấy, kể từ khi các Trung tâm hòa giải, đối thoại đi vào hoạt động đã giảm đáng kể số vụ việc mà các đơn vị trong Tòa án hai cấp tỉnh Quảng Ninh phải thụ lý, giải quyết. Qua đó, góp phần nâng cao tỷ lệ, chất lượng xét xử giải quyết các loại án, tạo thuận lợi cho công tác thi hành án dân sự; tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của Nhà nước và nhân dân; tạo sự đồng thuận, xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các Trung tâm hòa giải, đối thoại cũng còn một số khó khăn, vướng mắc: Tỷ lệ các vụ hòa giải thành đối với các tranh chấp về dân sự, kinh doanh thương mại chưa cao; các vụ đối thoại thành trong các khiếu kiện hành chính còn thấp.
Nguyên nhân chủ yếu là do các vụ việc liên quan đến dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại đều có tính chất phức tạp. Đối với án hành chính, chủ yếu liên quan đến khiếu kiện về giải phóng mặt bằng, thu hồi đất; đối thoại viên khi rà soát, đối chiếu các văn bản, chế độ chính sách về bồi thường giải phóng mặt bằng còn lúng túng, khó khăn. Các vụ việc dân sự, chủ yếu là tranh chấp phức tạp kéo dài nhiều năm, khi nộp đơn khởi kiện các đương sự không cung cấp đầy đủ tài liệu chứng cứ, dẫn đến Hòa giải viên đã kiên trì thuyết phục, nhưng các bên không tìm được tiếng nói chung. Cơ sở vật chất, phương tiện, điều kiện làm việc phục vụ cho hoạt động thí điểm còn khó khăn, thiếu thốn...
Nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác năm 2019, lãnh đạo TAND tỉnh Quảng Ninh cũng đã quán triệt đến các đơn vị, cá nhân trong Tòa án hai cấp cần thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm công tác, như: Tăng cường công tác giải quyết án để hoàn thành tốt chỉ tiêu được giao, giảm tỉ lệ án bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán; không để án tạm đình chỉ đã hết lý do chưa đưa ra giải quyết theo đúng quy định của pháp luật; quyết tâm không để xảy ra việc kết án oan người không có tội và bỏ lọt tội phạm; không để tình trạng phát hành bản án, quyết định của Tòa án bị chậm trễ; tăng cường công tác kiểm tra về nghiệp vụ xét xử đối với TAND cấp huyện...