TAND Tối cao hướng dẫn xác định tội danh trường hợp dùng thủ đoạn gian dối mua, bán thủy sản

Người nào dùng thủ đoạn gian dối như hợp thức hóa hồ sơ, chứng từ, nguồn gốc thủy sản khai thác trái phép để mua, bán thì có dấu hiệu của tội lừa dối khách hàng.

Vừa qua, TAND Tối cao đã ban hành Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP về hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản.

Đáng chú ý, tại Điều 10 Nghị quyết đã hướng dẫn về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép thủy sản, dùng thủ đoạn gian dối mua, bán thủy sản. Theo đó, có 3 trường hợp:

- Người nào buôn bán thủy sản qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại mà không có giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản hoặc không đúng với nội dung giấy phép thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu theo quy định tại Điều 188 BLHS nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

- Người nào vận chuyển thủy sản qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc vào vùng biển Việt Nam nhưng không có giấy phép, không đúng với nội dung giấy phép, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới theo quy định tại Điều 189 BLHS nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

- Người nào dùng thủ đoạn gian dối như hợp thức hóa hồ sơ, chứng từ, nguồn gốc thủy sản khai thác trái phép để mua, bán thì bị truy cứu trách nhiệm về tội lừa dối khách hàng theo quy định tại Điều 198 BLHS nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Nghị quyết nêu ví dụ: Nguyễn Văn A đánh bắt trái phép cá ngừ tại vùng biển Việt Nam nhưng làm hồ sơ, hợp thức hóa số cá ngừ có nguồn gốc xuất xứ từ nước B để xuất khẩu đi nước C. Trường hợp này, Nguyễn Văn A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa dối khách hàng theo quy định tại Điều 198 BLHS.

 Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình tại buổi lễ công bố Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP. Ảnh: CTV

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình tại buổi lễ công bố Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP. Ảnh: CTV

Cạnh đó, Điều 9 Nghị quyết đã hướng dẫn về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản.

Cụ thể, người nào vi phạm quy định về xuất cảnh hoặc tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép mà còn làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả để khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản thì ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về xuất cảnh quy định tại Điều 347 BLHS hoặc tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép quy định tại Điều 348 BLHS và còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 341 BLHS nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Tài liệu giả, giấy tờ là một trong những tài liệu giả, giấy tờ giả sau đây:

- Giấy tờ tùy thân, hộ chiếu, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế;

- Giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam hoặc thẻ ABTC;

- Hồ sơ đăng ký đối với tàu cá;

- Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa;

- Chứng nhận kiểm dịch;

...

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2024. Trường hợp người phạm tội đã bị xét xử trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực theo đúng các quy định, hướng dẫn trước đây và bản án đã có hiệu lực pháp luật thì không căn cứ vào Nghị quyết này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/tand-toi-cao-huong-dan-xac-dinh-toi-danh-truong-hop-dung-thu-doan-gian-doi-mua-ban-thuy-san-post796583.html