TAND Tối cao trả lời kiến nghị về Án lệ số 47

Không phải trường hợp nào bị cáo có hành vi dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể của bị hại cũng áp dụng Án lệ số 47/2021/AL.

TAND Tối cao vừa ban hành hai công văn trả lời kiến nghị có liên quan đến Án lệ số 47/2021/AL.

Mâu thuẫn trong việc định tội danh

Theo đó, thực tiễn cho thấy việc điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án giết người thuộc các trường hợp phạm tội chưa đạt gặp khó khăn, vướng mắc trong việc đánh giá tài liệu, chứng cứ và áp dụng án lệ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

Ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án thường trực TAND Tối cao, trao đổi về Án lệ số 47 trong Hội nghị rút kinh nghiệm xét xử khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Ảnh: HẢI HIẾU

Ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án thường trực TAND Tối cao, trao đổi về Án lệ số 47 trong Hội nghị rút kinh nghiệm xét xử khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Ảnh: HẢI HIẾU

Cụ thể, một số vụ án mà bị can có hành vi dùng hung khí nguy hiểm (chủ yếu là dao, gậy) tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể của bị hại nhưng mức độ và cường độ tấn công không mạnh, không liên tục; bị hại chỉ bị thương tích nhẹ.

Dùng dao nhọn đâm vào

vùng bụng là vùng trọng yếu

Chỉ vì lời nói của anh C (bị hại) có tính chất thách thức, kích động mà Đ (bị cáo) đã dùng dao nhọn là hung khí nguy hiểm đâm vào vùng bụng (mạn sườn bên trái) của anh C là vùng trọng yếu trên cơ thể con người.

Theo kết luận giám định thì anh C bị thương tích 5% và đây là thương tích ở thời điểm giám định (sau gần năm tháng vụ án xảy ra), không phải thương tích ở thời điểm xảy ra vụ án nên không phản ánh đúng thương tích của anh C và tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Việc anh C không chết là ngoài ý muốn chủ quan của Đ.

Do đó, hành vi của Đ đủ yếu tố cấu thành tội giết người, thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt và có tính chất côn đồ.

(Nội dung Án lệ số 47/2021/AL)

Các vụ án xảy ra ở nông thôn, do mâu thuẫn bột phát, các bị can thường không có ý thức tước đoạt tính mạng của bị hại; mặc dù có đủ điều kiện, khả năng tấn công tiếp bị hại nhưng đều không thực hiện; hậu quả chết người không xảy ra, tỉ lệ tổn thương cơ thể thấp (có vụ 3%-6%).

Hiện đã có Án lệ số 45/2021/AL về việc xác định bị cáo phạm tội giết người thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt, Án lệ số 47/2021/AL về việc xác định tội danh trong trường hợp bị cáo dùng hung khí nguy hiểm đâm vào vùng trọng yếu trên cơ thể của bị hại. Tuy nhiên, việc áp dụng án lệ, trong một số vụ án, VKS hoặc tòa án chỉ căn cứ vào yếu tố “dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể” và cho rằng người phạm tội có ý thức tước đoạt mạng sống của bị hại mà không xem xét, đánh giá các yếu tố khác. Ví dụ như mâu thuẫn giữa người phạm tội và bị hại, cường độ tấn công của người phạm tội; tỉ lệ tổn thương cơ thể của bị hại và nhân thân của người phạm tội. Đây cũng là nguyên nhân làm tăng số vụ án giết người…

Phải xem xét nhiều yếu tố khác để xác định tội danh

Giải đáp, TAND Tối cao cho rằng về việc áp dụng Án lệ số 47/2021/AL, TAND Tối cao đã có Công văn số 100/TANDTC-PC ngày 13-6-2023.

Theo đó, ngoài việc chứng minh bị cáo đã có hành vi dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể của bị hại thì cần phải xem xét, đánh giá toàn diện các tài liệu, chứng cứ của vụ án; các tình tiết thể hiện tính chất, mức độ của hành vi, cơ chế hình thành vết thương, sự quyết liệt trong thực hiện hành vi, vị trí trên cơ thể của bị hại mà bị cáo có ý định tấn công để chứng minh ý thức chủ quan của bị cáo là cố ý thực hiện hành vi gây nguy hiểm đến tính mạng của bị hại; hành vi của bị cáo thể hiện sự côn đồ, hung hãn, quyết liệt, coi thường tính mạng của người khác; bị hại không chết là ngoài ý thức, mong muốn chủ quan của bị cáo.

Do vậy, không phải trường hợp nào bị cáo có hành vi dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể của bị hại cũng áp dụng Án lệ số 47/2021/AL, mà chỉ xem xét áp dụng án lệ này trong trường hợp hành vi của bị cáo có đầy đủ các yếu tố nêu trên để xác định bị cáo phạm tội giết người thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.

Một kiến nghị của cử tri

Bên cạnh việc chứng minh bị cáo dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng nguy hiểm, trọng yếu trên cơ thể của nạn nhân, còn phải chứng minh thêm các tình tiết có tính chất, mức độ, cường độ tấn công, sự quyết liệt trong hành động phạm tội của bị cáo. Từ đó làm rõ ý thức chủ quan của bị cáo có mong muốn tước đoạt tính mạng của bị hại hay không hoặc có thái độ bỏ mặc, bất chấp hậu quả, xem thường tính mạng của bị hại để xem xét định tội danh giết người.

Nếu bị cáo không quyết liệt trong hành động phạm tội, chỉ dùng hung khí nguy hiểm đâm một nhát vào vùng trọng yếu trên cơ thể của bị hại, bị hại không chết, đồng thời với thương tích của bị hại nếu không cấp cứu kịp thời cũng không nguy hiểm đến tính mạng thì chỉ định tội danh cố ý gây thương tích.

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/tand-toi-cao-tra-loi-kien-nghi-ve-an-le-so-47-post750816.html