TANDTC tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ trong xử lý các vụ án về sở hữu trí tuệ
Chiều 18/9, đồng chí Phạm Quốc Hưng, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC đã tiếp Đoàn Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ do ông Daniel Lee, Trợ lý Đại diện Thương mại về Đổi mới và Sở hữu trí tuệ làm trưởng đoàn.
Dự buổi tiếp có đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Văn phòng, Cục Kế hoạch - Tài chính và Vụ Hợp tác quốc tế.
Về phía Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ có bà Michelle Yang, Phó Trợ lý Đại diện Thương mại Hoa Kỳ về Đổi mới và Sở hữu Trí tuệ; bà Wallis Yu, Giám đốc khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ; bà Raquel, Chuyên gia cao cấp về Thương mại quốc tế, Văn phòng Tiêu chuẩn và Sở hữu trí tuệ; cùng các chuyên gia của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội.
Vui mừng chào đón ông Daniel Lee cùng các thành viên đoàn công tác của Cơ quan Đại diện Thương mại Hòa Kỳ, Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng cảm ơn Đoàn đã dành thời gian thăm và làm việc với TANDTC Việt Nam.
Cảm ơn sự tiếp đón của đại diện lãnh đạo TANDTC Việt Nam, ông Daniel Lee cho biết, đến thời điểm này vừa tròn 1 năm hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện; giữa hai đất nước cũng có lịch sử hợp tác lâu dài, phối hợp cùng nhau trong vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ. Ông Daniel Lee bày tỏ mong muốn được làm sâu sắc hơn trong việc hợp tác trước bối cảnh hai nước đã được nâng cấp mối quan hệ lên ở mức cao nhất.
Ông Daniel Lee khẳng định, cơ quan TANDTC Việt Nam có vai trò quan trọng trong công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ, nhất là tới đây, Việt Nam sẽ thành lập Tòa sở hữu trí tuệ, nên mong muốn có được những thông tin chia sẻ từ lãnh đạo TANDTC Việt Nam.
Trao đổi tại buổi tiếp, Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng điểm qua về quan hệ hợp tác giữa TANDTC Việt Nam với các đối tác Hoa Kỳ trong thời gian qua, trong đó từ năm 2017 đến nay, quan hệ giữa hai bên ngày càng phát triển. Bên cạnh hoạt động trao đổi Đoàn, hai bên còn phối hợp tổ chức nhiều hoạt động Hội nghị, hội thảo với nhiều chủ đề khác nhau như, tiền điện tử, phát triển án lệ, tranh tụng, người chưa thành niên phạm tội...
Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng cho biết, chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình vào đầu tháng 9/2019 đã tạo ra nền tảng quan hệ hợp tác về tư pháp giữa hệ thống Tòa án hai nước, cũng như hướng tới đạt được các thỏa thuận hợp tác cụ thể với các đối tác Hoa Kỳ.
Thông tin với các thành viên trong Đoàn Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ về những nội dung quan tâm, Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng chia sẻ một số thách thức của Tòa án Việt Nam trong quá trình xét xử về sở hữu trí tuệ trong bối cảnh hiện nay. Trong đó, từ ngày 01/01/2024 đến ngày 31/7/2024, các Tòa án đã thụ lý 115 vụ án liên quan đến sở hữu trí tuệ theo trình tự sơ thẩm (bao gồm các vụ án hình sự và dân sự, kinh doanh thương mại). Các vụ án hình sự được xét xử dứt điểm, nhanh chóng, không có nhiều vướng mắc. Đối với các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại cũng được xét xử theo đúng quy định pháp luật Việt Nam và điều luật của quốc tế.
Theo Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, tài sản sở hữu trí tuệ ngày một đa dạng và phong phú, đặc biệt trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0, tranh chấp, vi phạm liên quan đến sở hữu trí tuệ ngày càng tăng về số lượng và độ phức tạp tăng. Đặc biệt, sự xuất hiện của những công nghệ mới (trí tuệ nhân tạo - AI; công nghệ in 3D...) mang lại rất nhiều thách thức cho hệ thống pháp luật hiện hành nói chung và pháp luật về sở hữu trí tuệ nói riêng, cũng như khả năng xét xử của Tòa án Việt Nam. Ngoài ra, những tranh chấp sở hữu trí tuệ xuyên biên giới sẽ diễn ra nhiều và phức tạp hơn...
Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng khẳng định, Việt Nam cần phải tiếp tục hoàn thiện thể chế và thiết chế pháp luật nhằm bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ngày một hiệu quả hơn, đặc biệt thành lập Tòa sở hữu trí tuệ chuyên biệt- Tòa chuyên trách trong hệ thống TAND nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ và nâng cao chất lượng giải quyết các tranh chấp này, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu trí tuệ, tạo dựng cơ sở pháp lý vững chắc cho nền kinh tế tri thức ở Việt Nam phát triển. Đây là những cố gắng, nỗ lực của Việt Nam trong việc tìm ra các giải pháp, hướng đến mục tiêu tốt nhất về quyền sở hữu trí tuệ và thực hiện đầy đủ những cam kết của Việt Nam trong các quan hệ song phương và đa phương.
Cũng theo lãnh đạo TANDTC Việt Nam, những giải pháp của hệ thống Tòa án Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng giải quyết loại án này là tăng cường bồi dưỡng, đào tạo, xây dựng án lệ. Xây dựng Nghị quyết hướng dẫn giải quyết án sở hữu trí tuệ, áp dụng công nghệ thông tin xét xử trực tuyến, đẩy mạnh tiến độ, nâng cao chất lượng giải quyết án.
Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng mong muốn, Trợ lý Đại diện Thương mại Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác giữa TANDTC với các đối tác Hoa Kỳ. Nhất là hỗ trợ trong việc thành lập Tòa sở hữu trí tuệ; hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ Thẩm phán, cán bộ Tòa án về kiến thức, kỹ năng xét xử vụ án trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ…
Chia sẻ với những khó khăn của Việt Nam trong giải quyết các vụ việc hình sự và dân sự có tính chất phức tạp liên quan đến sở hữu trí tuệ, ông Daniel Lee đồng tình với những ý kiến đề xuất của Lãnh đạo TANDTC Việt Nam. Trợ lý Đại diện Thương mại về Đổi mới và Sở hữu trí tuệ cho biết, sau cuộc gặp gỡ này sẽ truyền đạt lại những thông tin cập nhật cùng đề xuất mà TANDTC đưa ra cho phía các chuyên gia Hoa Kỳ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ để đưa ra những ý kiến tư vấn, góp ý; khẳng định phía Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ hoàn toàn ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam, trên cơ sở lợi ích chung của hai nước.
Kết thúc buổi tiếp, hai bên nhất trí sẽ tăng cường trao đổi, thúc đẩy hợp tác hiệu quả hơn trong thời gian tới, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước nói chung và đạt mục tiêu là bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói riêng.