Tầng biển sâu ở Nam Cực ghi nhận những thay đổi đáng ngại
Theo một báo cáo mới đây, tầng nước biển sâu ở Nam Cực đang nóng lên và co lại, tiềm ẩn những hậu quả sâu rộng đối với biến đổi khí hậu và hệ sinh thái toàn cầu.
“Nước dưới đáy ở Nam Cực” là vùng nước lạnh nhất, mặn nhất hành tinh. Những vùng nước này đóng một vai trò quan trọng như một vùng đệm chống biến đổi khí hậu bằng cách hấp thụ lượng nhiệt dư thừa và ô nhiễm carbon do con người gây ra. Chúng cũng luân chuyển chất dinh dưỡng qua đại dương.
Nhưng ở Biển Weddell, dọc theo bờ biển phía bắc của Nam Cực, lượng nước quan trọng này đang suy giảm do những thay đổi dài hạn của gió và băng biển, theo nghiên cứu được công bố hôm 12-6 bởi Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh (BAS).
Các nhà khoa học đã sử dụng hàng thập kỷ dữ liệu do tàu cũng như từ vệ tinh thu thập để đánh giá khối lượng, nhiệt độ và độ mặn của vùng biển sâu ở Nam Cực này.
Povl Abrahamsen - nhà hải dương học vật lý tại BAS và là đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: “Một số phần trong số này được thăm dò lần đầu tiên từ năm 1989, khiến chúng trở thành một trong những khu vực được lấy mẫu toàn diện nhất ở Biển Weddell”.
Họ phát hiện ra rằng thể tích của vùng nước lạnh dưới đáy đã giảm hơn 20% trong ba thập kỷ qua. Họ cũng phát hiện ra rằng nước biển sâu hơn 2.000 mét (6.600 feet) đã ấm lên nhanh hơn bốn lần so với phần còn lại của đại dương toàn cầu.
“Chúng tôi từng nghĩ rằng những thay đổi trong tầng đại dương sâu thẳm chỉ có thể xảy ra trong nhiều thế kỷ. Nhưng những quan sát quan trọng này từ Biển Weddell cho thấy những thay đổi ở tầng nước sâu có thể diễn ra chỉ trong vài thập kỷ” - Alessandro Silvano từ Đại học Southampton ở Anh, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết trong một tuyên bố.
Nghiên cứu cho thấy lý do khiến những vùng nước sâu này bị thu hẹp lại là do những thay đổi trong quá trình hình thành băng trên biển do gió yếu đi. Những cơn gió mạnh hơn có xu hướng đẩy băng ra khỏi thềm băng, khiến các vùng nước mở ra để nhiều băng hình thành hơn. Theo nghiên cứu, gió yếu hơn có nghĩa là những khoảng trống này nhỏ hơn, làm chậm quá trình tạo băng trên biển.
Băng biển mới rất quan trọng để tạo ra nước mặn, rất lạnh của Biển Weddell. Khi nước đóng băng, nó đẩy muối ra ngoài và khi nước mặn đậm đặc hơn, nó chìm xuống đáy đại dương.
Những thay đổi ở những vùng nước sâu này có thể gây ra những hậu quả sâu rộng. Silvano cho biết, chúng là một phần quan trọng trong quá trình lưu thông đại dương toàn cầu, vận chuyển ô nhiễm carbon do con người gây ra vào đại dương sâu thẳm, nơi nó tồn tại trong nhiều thế kỷ. Nếu vòng tuần hoàn sâu này yếu đi, thì “ít carbon hơn có thể được đại dương sâu hấp thụ, hạn chế khả năng của đại dương trong việc giảm thiểu sự nóng lên toàn cầu” - Silvano nói với CNN.
Các đại dương đã hấp thụ hơn 90% lượng nhiệt dư thừa của thế giới kể từ những năm 1970 và hấp thụ gần một phần ba ô nhiễm carbon do con người tạo ra.
Holly Ayres, một nhà nghiên cứu tại khoa khí tượng học tại Đại học Reading ở Anh, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết nghiên cứu của BAS là một bước tiến trong kiến thức của chúng ta về tầng nước biển sâu ở Nam Cực.
Mặc dù những thay đổi mà nghiên cứu đã xác định là kết quả của sự biến đổi khí hậu tự nhiên, nhưng biến đổi khí hậu cũng đang có tác động đến vùng nước sâu của Nam Cực.
Trong một nghiên cứu hồi tháng 3, các nhà khoa học phát hiện ra rằng băng tan đang làm loãng độ mặn của đại dương và làm chậm quá trình lưu thông của tầng nước biển sâu ở Nam Cực. Báo cáo cho thấy việc không hạn chế ô nhiễm làm nóng hành tinh có thể dẫn đến sự sụp đổ của quá trình lưu thông ở tầng nước biển sâu, với những hậu quả tàn khốc có thể xảy ra đối với khí hậu và sinh vật biển.
Shenjie Zhou - nhà hải dương học tại BAS và là tác giả chính của nghiên cứu, nói với CNN rằng, nghiên cứu mới của BAS là “một cảnh báo sớm”. “Những thay đổi đang diễn ra trong tầng nước sâu ở Nam Cực đã và đang diễn ra và nó không đi theo hướng mà chúng ta mong muốn” – chuyên gia này nhấn mạnh.