Tăng các chế tài, xử lý mạnh hơn hành vi buôn lậu động vật

Tình trạng buôn lậu, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam đang là vấn đề 'nóng' mà ngành chăn nuôi phải đối mặt.

Tổ công tác của Đồn Biên phòng Cầu Muống (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) và các lực lượng liên quan tuần tra phòng, chống buôn lậu. Ảnh minh họa: Nhựt An - TTXVN

Tổ công tác của Đồn Biên phòng Cầu Muống (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) và các lực lượng liên quan tuần tra phòng, chống buôn lậu. Ảnh minh họa: Nhựt An - TTXVN

Ngành chăn nuôi luôn có sự tăng trưởng khá, góp phần vào tăng trưởng ngành nông nghiệp cũng như đảm bảo đủ nguồn cung thực phẩm. Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam đang là vấn đề “nóng” mà ngành phải đối mặt để bảo vệ phát triển chăn nuôi trong nước cũng như bảo đảm an toàn thực phẩm, để không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, làm lây lan dịch bệnh động vật và ô nhiễm môi trường.

Qua thanh kiểm tra của ngành, Đại tá Lê Thơm, Phó Cục trưởng Cục C05 (Bộ Công an) cho biết, các đối tượng buôn lậu đã thay đổi về hình thức, tinh vi hơn. Ở Quảng Ninh, nếu trước đây là động vật thì bây giờ đã chuyển sang trứng gia cầm, giống thủy sản để dễ tiêu thụ, lẩn trốn.

Do chênh lệch giá cả, lợi nhuận cao nên nhiều đối tượng đã lôi kéo người dân tham gia vào buôn lậu hoặc các đầu nậu thuê các xe tự chế chở lợn qua lối mòn đưa vào trong nước để tiêu thụ. Chẳng hạn, tại khu vực Tây Nam Bộ, mỗi con trâu, bò khi được lùa qua biên giới có thể được trả công đến 800.000 đồng.

Theo Đại tá Lê Thơm, hàng nhập lậu tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, làm lây lan dịch bệnh trên người, động vật. Điển hình, ngày 11/1/2025, đơn vị bắt quả tang một đơn vị ở Đức Hòa (Long An) đưa 900 con lợn bệnh vào giết mổ đưa đi tiêu thụ tại các quầy hàng. Điểm đáng lo lắng là cơ quan chức năng đã lấy 24 mẫu để xét nghiệm, trong đó có đến 19 mẫu phát hiện dịch tả lợn châu Phi, tai xanh... Số lượng lợn này đã được cho tiêu hủy theo quy định.

Đại diện Bộ Công an đề nghị cần bổ sung, chỉnh sửa điều luật để tăng các chế tài xử lý mạnh hơn để răn đe các đối tượng nhập lậu. Bộ chỉ đạo, hướng dẫn công an địa phương tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý, ngăn chặn các đối tượng nhập lậu.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại Việt Nam chia sẻ, việc nhập lậu gia cầm thường theo quy luật rất cụ thể. Các đối tượng thường nhập gà chíp giống qua biên giới Quảng Ninh nhiều nhất vào thời điểm trước và sau Tết. Việc nhập lậu thường qua các đầu nậu cố định nên các cơ quan chức năng cần điều tra, tìm ra được các đối tượng này để xử lý nghiêm mình thì sẽ ngăn chặn hiệu quả tình trạng nhập lậu.

“Nếu vẫn để tình trạng "trên nóng dưới lạnh", các cơ quan cấp trên rất quan tâm, chỉ đạo liên tục nhưng các địa phương không vào cuộc, lơ là sẽ không giải quyết được dứt điểm tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm qua biên giới", ông Nguyễn Văn Trọng cho hay.

Hiện nay, chăn nuôi với quy mô lớn, trang trại, gia trại ngày càng tăng. Ông Nguyễn Văn Trong cho rằng, các đơn vị cần tăng cường sản xuất theo chuỗi giá trị và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm với giá cạnh tranh cũng sẽ giúp "hạ nhiệt" tình trạng nhập lậu qua biên giới.

Theo ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, năm 2024, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép gia súc và gia cầm qua biên giới vào Việt Nam diễn ra khá phức tạp làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm vào Việt Nam, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn

Năm 2024, các cơ quan quản lý chuyên ngành về thú y đã phối hợp với địa phương xử lý tổng số 229 vụ vi phạm với tổng số 91.500 quả trứng gia cầm; trên 1,12 triệu con động vật và gần 243.000 kg sản phẩm động vật. So với cùng kỳ năm 2023 đã tăng lên 53 vụ vi phạm; 38.400 quả trứng gia cầm; trên 671.900 con động vật và gần 213.000 kg sản phẩm động vật nhập lậu.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều công điện chỉ đạo các địa phương tăng cường ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản qua biên giới vào Việt Nam. Chính quyền địa phương cần quan tâm vào cuộc thì mới có sự chuyển biến.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng chỉ rõ, hiện tình trạng buôn lậu gia cầm ở các tỉnh phía Bắc rất rầm rộ như Lào Cai, Quảng Ninh... Tại các vùng phía Tây tiếp diễn nhập lậu trâu bò, phía Nam vẫn tái diễn tình trạng nhập lậu lợn. Nhiều địa phương có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư, kêu gọi “đại bàng vào đẻ trứng vàng” trong lĩnh vực chăn nuôi, nhưng lại để diễn ra phổ biến tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật. Như vậy sẽ làm mất lòng tin của các nhà đầu tư.

Sau một thời gian vào cuộc quyết liệt chống buôn lậu động vật và sản phẩm động vật, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, đến nay, địa bàn, cửa khẩu nào có tình trạng buôn lậu đã rõ. Chống buôn lậu cần đi vào chiều sâu, vào từng địa bàn, đối tượng. Cơ quan chuyên môn cần rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt sau khi sát nhập bộ máy để hoàn thiện, bởi đây chính là nền tảng, môi trường pháp lý để triển khai.

Khi nhu cầu thực phẩm trước trong và sau Tết Nguyên đán sẽ tăng từ 10-15%, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất về thú y, an toàn thực phẩm đối với cơ sở giết mổ động vật. Theo đó, xử lý nghiêm và dừng hoạt động đối với các cơ sở giết mổ động vật chưa được cấp phép hoạt động, nhất là cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, giết mổ động vật chết do dịch bệnh và không được nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ theo quy định.

Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tang-cac-che-tai-xu-ly-manh-hon-hanh-vi-buon-lau-dong-vat/361014.html