Tăng chế tài chống lãng phí

Báo cáo kết quả giám sát 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021' của Quốc hội công bố mới đây đang khiến dư luận bức xúc trước con số hơn 3.000 dự án có thất thoát, lãng phí. Trong hơn 1.000 trường hợp đã đưa ra xét xử giai đoạn 2016-2021, có nhiều dự án đầu tư công sai phạm, phải xử lý hình sự, gây thất thoát, lãng phí gần 32.000 tỷ đồng.

Theo đại biểu Quốc hội, lãng phí đã và đang diễn ra rất nghiêm trọng ở nhiều nơi, trên nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng đến việc khai thác, phát huy các tiềm lực để phát triển đất nước, đòi hỏi Quốc hội tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật theo hướng tăng chế tài xử lý, đảm bảo việc thực hiện nghiêm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đáng lo ngại là các vụ việc gây thất thoát, lãng phí, thực hiện không đúng quy định ngày càng tinh vi, phức tạp. Hầu hết dự án quan trọng quốc gia, các dự án lớn, trọng điểm đều chậm tiến độ gây lãng phí, điển hình như các dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội; tuyến đường sắt số 1 Bến Thành - Suối Tiên và số 2 Bến Thành - Tham Lương. Nhiều địa phương có số dự án phát hiện thất thoát, lãng phí cao như: Bắc Giang năm 2020 có 864 dự án; Thanh Hóa năm 2021 có 90 dự án...

Trước vấn nạn nhức nhối trên, cử tri lo ngại về tình trạng xuống cấp kỷ luật, kỷ cương trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của một bộ phận cán bộ. Đặc biệt là hiện tượng buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của cán bộ, người đứng đầu tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực thi công vụ.

Thực tế, công tác tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quy chuẩn, tiêu chuẩn, đơn giá, định mức kinh tế kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, còn thiếu chặt chẽ và sơ hở dẫn đến lãng phí, thất thoát lớn về nguồn vốn, tài sản nhà nước, tài nguyên đất đai, khoáng sản, nguồn nhân lực… Hiện, các định mức phù hợp về tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam so với quốc tế chỉ đạt 60%, trong khi các khoản chi gián tiếp cao nên đầu tư công còn lãng phí lớn.

Chỉ ra nguyên nhân lãng phí xuất phát từ sự thiếu quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của cấp có thẩm quyền, nhiều đại biểu đề nghị bổ sung chế tài xử lý tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, vi phạm quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, gây ra những thiệt hại, tổn thất, lãng phí đó.

Trước mắt, Chính phủ quyết liệt chỉ đạo làm rõ trách nhiệm, vi phạm của các cá nhân, tổ chức tại hơn 3.000 dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát, lãng phí; trên 79.000 ha đất nông, lâm nghiệp đã quyết định thu hồi nhưng chưa có phương án sử dụng… Trong đó, tập trung xử lý nghiêm các dự án chậm tiến độ, vi phạm trong quản lý, sử dụng đất, các dự án không phát huy hiệu quả.

Rõ ràng lãng phí không chỉ thuộc về những người trực tiếp gây ra yếu kém, trì trệ mà có nguyên nhân thuộc về tổ chức bộ máy và phương thức vận hành. Do đó, đại biểu Quốc hội mong muốn Chính phủ cần có giải pháp đẩy mạnh hơn nữa việc phân cấp, phân quyền cho địa phương, đặc biệt giao thẩm quyền cho cấp tỉnh giải quyết một số thủ tục hành chính đang thuộc thẩm quyền các bộ; tạo điều kiện cho địa phương phát huy nội lực, chủ động linh hoạt hơn trong triển khai điều hành phát triển kinh tế - xã hội, tránh lãng phí các nguồn lực.

Đã đến lúc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ là khẩu hiệu, mà phải thật sự thấm sâu, lan tỏa vào cuộc sống một cách thực chất và hiệu quả. Với những “kế sách” mà các đại biểu Quốc hội nêu ra, chúng ta hy vọng lãng phí từng bước sẽ giảm, tiến tới chặn đứng thất thoát, lãng phí.

Thiết nghĩ, Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm đến việc bồi đắp, nâng cao ý thức đạo đức của con người, hoàn thiện văn hóa công vụ, bởi đây là gốc của chống lãng phí, nhất là khu vực công. Đồng thời, đưa giáo dục tiết kiệm, chống lãng phí vào trong nhà trường, để tiết kiệm trở thành lối sống, phẩm chất của mỗi cá nhân trong toàn xã hội.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tang-che-tai-chong-lang-phi-post456140.html