Tăng chế tài để chống buôn lậu, gian lận thương mại
Các DN cho rằng, sở dĩ vấn nạn hàng giả, hàng lậu vẫn còn tràn lan là do chế tài xử phạt đối với đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng lậu hiện nay còn thấp. Ngoài xử phạt vi phạm hành chính, cần rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn hoặc có thời hạn đối với cửa hàng vi phạm...
Địa bàn TP Hồ Chí Minh, hiện có hơn 50.000 doanh nghiệp (DN) trong nước và hàng ngàn DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thường xuyên hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất - nhập khẩu. Tuyến đường hàng không với hơn 55 hãng hàng không đang khai thác và nhiều bãi xe, bến tàu hoạt động, là điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức của các lực lượng kiểm tra trong việc ứng phó đối với các đối tượng lợi dụng các phương thức, thủ đoạn, nhằm né tránh kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng để sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng lậu.
Điển hình, ngày 6/7, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh, Công an phường Đông Hưng Thuận, quận 12 và Công an phường 10, quận Gò Vấp, kiểm tra Công ty TNHH Xuất nhập khẩu mỹ phẩm CRYO tại 3 địa điểm ở phường 10, quận Gò Vấp, và 1 điểm ở phường Đông Hưng Thuận, quận 12, đã phát hiện 20.586 đơn vị sản phẩm gồm: mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế và đồ gia dụng, do Trung Quốc, Nhật, Úc, Đức, Hàn Quốc… sản xuất. Tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ số hàng trên không hóa đơn chứng từ, vi phạm quy định về nhãn hàng hóa, không hồ sơ công bố mỹ phẩm, thực phẩm theo quy định. Tổng số hàng có trị giá hơn 2,5 tỷ đồng, cơ quan chức năng niêm phong tạm giữ toàn bộ số hàng trên để tiếp tục làm rõ.
Ngày 27/5, QLTT TP Hồ Chí Minh kiểm tra điểm kinh doanh, chứa trữ hàng hóa ở hẻm trên đường Lương Minh Nguyệt, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, phát hiện tại đây kinh doanh mặt hàng mỹ phẩm thuộc trường hợp phải đăng ký kinh doanh, nhưng chủ kinh doanh không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Hàng hóa mỹ phẩm các loại do Trung Quốc sản xuất, nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt Nam trên bao bì sản phẩm theo quy định; không có tài liệu liên quan đến chất lượng hàng hóa và không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp để chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Tổng cộng có 26 danh mục gồm 91.965 sản phẩm với tổng trị giá theo niêm yết là gần 6 tỷ đồng. Toàn bộ số hàng trên đã bị QLTT tạm giữ để làm rõ…
Bức xúc trước vấn nạn hàng giả, hàng lậu chưa được đẩy lùi, đã có rất nhiều DN tự bảo vệ mình bằng nhiều cách khác nhau. Ông Trần Trung Đức, đại diện Công ty NGK Việt Nam cho biết, theo khảo sát nội bộ thì tại thị trường Việt Nam hiện có khoảng 20% sản phẩm mang thương hiệu NGK bị làm giả, nhái. Do đó, để bảo vệ uy tín thương hiệu, ngăn chặn hàng giả, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người tiêu dùng (NTD), giúp NTD mua đúng hàng thật, trong thời gian qua Vina CHG là đơn vị đại diện hỗ trợ pháp lý cho NGK Việt Nam trong công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái của thương hiệu phụ tùng xe đến từ Nhật Bản tại Việt Nam. Bên cạnh đó, NGK Việt Nam đồng hành với Vina CHG để hỗ trợ lực lượng chức năng các tỉnh, thành phố trong việc phát hiện, xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu NGK trên thị trường. Mới đây nhất, ngày 16/7, Vina CHG đã phối hợp Cục QLTT tỉnh Lâm Đồng tập huấn cho cán bộ QLTT trong việc phân biệt hàng thật - hàng giả nhãn hiệu Bugi NGK đang được kinh doanh tại thị trường Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nón Sơn cho rằng, sản phẩm công ty ông cũng đã bị làm giả rất nhiều. Tuy nhiên, các điểm sản xuất, kinh doanh hàng giả khi bị dẹp chỗ này thì lại "mọc" lên chỗ khác. Để tự bảo vệ mình, công ty cũng liên tục đầu tư đổi mới công nghệ đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện ổ nhóm sản xuất, kinh doanh hàng giả, nhưng tình trạng này vẫn chưa được đẩy lùi.
Các DN cho rằng, sở dĩ vấn nạn hàng giả, hàng lậu vẫn còn tràn lan là do chế tài xử phạt đối với đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng lậu hiện nay còn thấp. Ngoài xử phạt vi phạm hành chính, cần rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn hoặc có thời hạn đối với cửa hàng vi phạm. Về vấn đề sở hữu trí tuệ (SHTT), dù DN đã đăng ký quyền SHTT nhưng những chế tài pháp lý chưa đủ nghiêm nên DN phải tự bảo vệ DN mình và bảo vệ NTD thông qua việc đầu tư đổi mới công nghệ liên tục và đội ngũ truy dấu vết đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả để phối hợp lực lượng chức năng phát hiện, xử lý.
Trước tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn còn phổ biến, riêng Cục QLTT TP Hồ Chí Minh trong 6 tháng đầu năm đã kiểm tra 967 vụ, xử lý và nộp ngân sách Nhà nước 584 vụ với số tiền hơn 14,7 tỷ đồng (phạt hành chính, bán hàng tịch thu, phạt truy thu thuế). Đã tiêu hủy hàng giả, hàng cấm, hàng không đủ điều kiện lưu thông trị giá hơn 15,8 tỷ đồng, đồng thời chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 12 vụ với tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 35 tỷ đồng. Song song đó, QLTT cũng phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành, phát hiện hơn 200 vụ vi phạm.