Tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu

Ban Chỉ đạo liên ngành (BCĐLN) về an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh Bắc Giang vừa có công văn đề nghị các cơ quan thành viên ban chỉ đạo và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường triển khai công tác bảo đảm ATTP dịp Tết Trung thu năm 2024.

Theo đó, BCĐLN về ATTP tỉnh đề nghị các cơ quan chỉ đạo, tổ chức triển khai đợt cao điểm về bảo đảm ATTP dịp Tết Trung thu từ ngày 22/8 đến hết ngày 20/9. Cụ thể, tiếp tục chỉ đạo triển khai Chỉ thị số 17 ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới; Chỉ thị số 17 ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước (QLNN) về ATTP trong tình hình mới; các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác bảo đảm ATTP và phòng, chống ngộ độc thực phẩm.

 Tuyên truyền, hướng dẫn lựa chọn, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục.

Tuyên truyền, hướng dẫn lựa chọn, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục.

Thông tin, tuyên truyền kiến thức, pháp luật về ATTP trên các phương tiện truyền thông, chú trọng sử dụng hệ thống loa, đài của các thôn, khu phố và các hình ảnh trực quan (băng zôn, pano, áp phích, tờ rơi…) tại các chợ, khu trung tâm, khu vực đông dân cư để truyền tải thông điệp truyền thông; tổ chức quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng trên phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội và kinh doanh thương mại điện tử theo đúng quy định của pháp luật.

Tăng cường công khai các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo đảm an toàn và hoạt động cung - cầu thực phẩm an toàn theo chuỗi; các đơn vị chức năng tại các cấp duy trì đường dây nóng về ATTP để tiếp nhận, xử lý kịp thời, đúng quy định đối với các thông tin phản ánh, tố giác tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về ATTP.

Nội dung tuyên truyền cần tập trung triển khai, hướng dẫn thực hiện đúng các quy định pháp luật về ATTP như: Quy định điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, bảo quản và vận chuyển thực phẩm; yêu cầu về kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm; quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm; quy định về đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm, sử dụng phẩm mầu, hương liệu, phụ gia, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm.

Tuyên truyền, hướng dẫn lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; chỉ mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng và liều lượng theo quy định; thực hiện ăn chín, uống chín và thực hành tốt vệ sinh cá nhân trong chế biến thực phẩm; tuyệt đối không sử dụng các nguyên liệu thực phẩm, sản phẩm thực phẩm bị ôi thiu, mốc, không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng; không sử dụng gia súc, gia cầm bị bệnh, chết không rõ nguồn gốc để làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm.

Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang gắn với bảo đảm ATTP; thực hành tốt bảo đảm ATTP trong tổ chức tiệc cỗ, bữa ăn gia đình; hướng dẫn, khuyến cáo người dân nâng cao nhận thức về tác hại của việc lạm dụng rượu, bia, không uống cồn công nghiệp, không sử dụng sản phẩm rượu tự chế, không sử dụng sản phẩm rượu không bảo đảm ATTP, không rõ nguồn gốc xuất xứ; thực hiện các biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm…

Bên cạnh đó, tiến hành kiểm tra, hậu kiểm về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; tập trung ưu tiên kiểm tra, hậu kiểm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố…

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định; kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không bảo đảm ATTP; nếu có dấu hiệu hình sự đề nghị chuyển cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật.

Đồng thời chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là các dịch bệnh có khả năng lây truyền từ động vật sang người; tăng cường thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Chuẩn bị phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để sẵn sàng tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm; tổ chức điều tra vụ ngộ độc thực phẩm, xác định nguyên nhân gây ngộ độc theo quy định.

TS

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/tang-cuong-bao-dam-an-toan-thuc-pham-dip-tet-trung-thu-112048.bbg