Tăng cường bảo vệ những người có nguy cơ cao trong đại dịch

Theo báo cáo của Bộ Y tế, kể từ đầu dịch COVID-19 đến nay Việt Nam có hơn 9,47 triệu trường hợp nhiễm. Hơn 7,26 triệu người đã được chữa khỏi nhưng cũng có hơn 42.400 ca tử vong (chiếm 0,5% tổng trường hợp mắc).

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, có hơn 3.600 ca trong tình trạng nặng, nguy kịch.

Bộ Y tế xác định có 20 bệnh lý mãn tính có nguy cơ làm tăng mức độ nặng và tử vong cao khi mắc COVID-19, gồm: Đái tháo đường; Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; Ung thư, đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi; Bệnh thận mạn tính; Ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu; Béo phì, thừa cân...

Thực tế tại các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 tầng 3 (tuyến cuối), các trường hợp chuyển nặng, nguy kịch và tử vong chủ yếu là nhóm người có nguy cơ cao gồm: Người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, người chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ. Theo thống kê, ở nước ta, số trường hợp tử vong ở người trên 50 tuổi chiếm khoảng 84%.

Hơn 7,26 triệu người trong số hơn 9,47 triệu người nhiễm COVID-19 ở nước ta đã khỏi bệnh.

Hơn 7,26 triệu người trong số hơn 9,47 triệu người nhiễm COVID-19 ở nước ta đã khỏi bệnh.

Hiện tỷ lệ bao phủ 2 mũi vaccine COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên ở nước ta đạt 99,6%, tỷ lệ được tiêm mũi 3 nhắc lại là gần 50%. Số ca nhiễm đã giảm dần, nhưng những ngày gần đây, Việt Nam vẫn ghi nhận khoảng 83.000 - 91.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, trong đó có những người đã tiêm 2 - 3 mũi vaccine.

Việc bảo vệ nhóm người có nguy cơ cao, đặc biệt là người có bệnh nền, trẻ nhỏ chưa được tiêm vaccine, người có nguy cơ không đáp ứng miễn dịch tốt sau tiêm chủng (ghép tạng, bệnh hệ miễn dịch, điều trị với thuốc ức chế miễn dịch…) là chiến lược lớn nhiều địa phương ưu tiên quan tâm, chú trọng.

Nhiều người mắc bệnh nền như thận mãn tính phải lọc máu, ung thư… cũng bày tỏ sự lo lắng dù đã giữ gìn rất kỹ lưỡng. Rất nhiều người dù đã xa nhà rất lâu, ở lại Hà Nội, TP HCM để điều trị vẫn không dám về quê bởi nhiều nguy cơ lây nhiễm khi đi lại bằng phương tiện công cộng.

GS.TS.BS Phạm Văn Bùi, Chủ tịch Hội Thận – Lọc máu TP HCM, cho biết, điều này hoàn toàn dễ hiểu, dễ gặp với nhóm bệnh nhân mắc bệnh mãn tính ảnh hưởng hệ miễn dịch (như bệnh nhân ghép tạng, bệnh nhân ung thư máu, ung thư điều trị hóa trị, bệnh nhân đang điều trị các thuốc ức chế miễn dịch như lupus, viêm khớp dạng thấp…).

"Khi hệ miễn dịch bị tổn thương, dù có được kích thích thì đáp ứng không thể hoàn toàn và không mạnh như những người không mắc bệnh này" – GS Phạm Văn Bùi cho hay.

Về chuyên môn, trong y học, có nhiều cách phân loại miễn dịch: bẩm sinh và mắc phải, chủ động và thụ động... Trong tự nhiên, miễn dịch có được cũng có thể chia ra làm 2 dạng chủ động và thụ động. Ví dụ một trẻ sơ sinh chào đời sẽ tự nhiên được mẹ truyền kháng thể - gọi là được truyền thụ động. Trong quá trình nuôi dưỡng, phát triển, cơ thể chúng ta lại tiếp xúc với các chất lạ tạm gọi là kháng nguyên. Sau khi tiếp xúc, để chống lại các kháng nguyên đó, cơ thể sẽ sinh ra những kháng thể tự nhiên, gọi là miễn dịch chủ động.

Vaccine được coi là vũ khí sắc bén để bảo vệ cơ thể chống lại các kháng nguyên. Tuy nhiên, theo GS Bùi, vẫn có một số trường hợp không sinh được kháng thể đầy đủ sau tiêm vaccine như nhóm có các bệnh nền trên đây. Họ vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh và tiến triển nặng. Do đó, cần nghĩ tới việc tạo cho họ miễn dịch thụ động, nghĩa là đưa trực tiếp các kháng thể từ bên ngoài vào. Các kháng thể này gồm kháng thể đơn dòng và đa dòng.

Lý giải rõ hơn, GS Bùi cho hay, đối với những người có sức đề kháng không thể tạo ra đủ kháng thể thì phải nhờ tới các kháng thể ngoại lai. Việc tạo các kháng thể này phải qua quá trình sinh học rất phức tạp.

Để đa dạng nguồn cung thuốc phòng và điều trị COVID-19, ngày 2/3, Bộ Y tế đã căn cứ các quy định hiện hành để cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc EVUSHELD đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám chữa bệnh.

Để đa dạng nguồn cung thuốc phòng và điều trị COVID-19, ngày 2/3, Bộ Y tế đã căn cứ các quy định hiện hành để cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc EVUSHELD đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám chữa bệnh.

Khác với kháng thể đa dòng được tạo ra để "đánh" nhiều "mục tiêu", kháng thể đơn dòng chỉ có tác dụng để chống lại 1 hay một số loại vi khuẩn, siêu vi hay virus được nhắm tới. Kháng nguyên của các loại siêu vi này được lấy ra, xử lý sinh học nhằm mục đích tạo ra kháng thể ngoài cơ thể để chống lại kháng nguyên của siêu vi. Khi đưa vào cơ thể, nếu chúng ta nhiễm siêu vi đó, kháng thể này sẽ chống lại con siêu vi và bảo vệ cơ thể.

Đơn cử, với người ghép tạng sức đề kháng giảm mạnh, các kháng thể đơn dòng sẽ bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của siêu vi; ngoài ra, không nên lo lắng việc tiêm truyền kháng thể đơn dòng có thể ảnh hưởng tạng ghép. Đó là bởi cơ chế thải ghép trong ghép tạng hoàn toàn khác với cơ chế khi tiêm kháng thể đơn dòng.

Mới đây, hỗn hợp kháng thể đơn dòng tác dụng kéo dài của tập đoàn dược phẩm AstraZeneca cũng đã trở thành kháng thể đơn dòng đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu đặc biệt cho dự phòng trước phơi nhiễm COVID-19 tại Việt Nam.

Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, GS.TS Phạm Văn Bùi khuyến cáo người dân cần bình tĩnh khi phát hiện bệnh; tìm hiểu thông tin chính thống, tránh điều trị theo những phương pháp hay thông tin chưa được kiểm chứng, gây hại cho bản thân.

Giữ gìn sức khỏe, tập uyện, ăn uống đủ dinh dưỡng để nâng cao đề kháng. Tuân thủ thông điệp 5K, nhất là mang khẩu trang dù đã tiêm ngừa đầy đủ, cũng là khuyến cáo quan trọng được vị chuyên gia gửi tới người dân.

Lê Nguyên

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/tang-cuong-bao-ve-nhung-nguoi-co-nguy-co-cao-trong-dai-dich-172220330195007769.htm