Tăng cường các biện pháp an toàn trong lao động
Tai nạn lao động (TNLĐ) là nỗi ám ảnh lớn, chỉ vì một phút bất cẩn, lơ là hay sự cố xảy ra ngoài ý muốn khiến nhiều nạn nhân bị TNLĐ vĩnh viễn ra đi, hoặc mang thương tật suốt đời. Vì vậy, người sử dụng lao động và người lao động cần chủ động, tự giác thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, các giải pháp an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và tự bảo vệ mình trong quá trình làm việc.
Nỗi đau còn đó
Gần 2 năm kể từ ngày ông Đặng Thanh Phong - nhân viên Công ty Cổ phần T.V (TP. Nha Trang) mất do TNLĐ, bà Võ Thị Thúy Hằng (xã Vĩnh Hiệp, TP. Nha Trang) vẫn còn đó nỗi đau khi nhắc đến chồng mình. Bà Hằng nghẹn ngào cho biết: “Anh Phong là trụ cột, lao động chính của gia đình, mọi chi phí sinh hoạt trong nhà, tiền ăn học của 2 con đều trông nhờ vào tiền lương của anh. Từ ngày anh mất vì TNLĐ, gia đình trở nên hiu quạnh, một mình tôi bươn chải vẫn không đủ lo cho các con”. Theo lời kể của bà Hằng, ông Phong là kỹ sư điện, trong quá trình làm việc, ông bị điện giật dẫn đến tử vong. Gia đình nội, ngoại đều khó khăn, hằng ngày bà Hằng tranh thủ đi thu cước điện thoại lấy tiền công nuôi con. Bao năm chịu khó làm ăn, vợ chồng bà Hằng đã mua được mảnh đất nhỏ, dự định vay ngân hàng để xây nhà ở. Thế nhưng, sự ra đi đột ngột của ông Phong khiến mẹ con bà Hằng rơi vào khó khăn. Nhờ có người quen cho mượn căn nhà nhỏ nên mẹ con bà Hằng mới có nơi ở qua ngày…

Đại diện các ngành chức năng và doanh nghiệp đến thăm hỏi, động viên gia đình bà Võ Thị Thúy Hằng.
Ông Nguyễn Thành Sơn - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, qua thống kê, từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh xảy ra gần 80 vụ TNLĐ, làm 21 người chết và 20 người bị thương nặng. Các lĩnh vực xảy ra TNLĐ nhiều là thi công công trình xây dựng, cơ khí, chế biến, bảo quản thủy sản, khai thác sản xuất sản phẩm từ gỗ, điện… Nguyên nhân chính dẫn đến TNLĐ là do các đơn vị, doanh nghiệp chưa xây dựng và áp dụng quy trình, giải pháp ATVSLĐ; người lao động chưa chấp hành tốt các nội quy, quy trình làm việc an toàn. Đồng thời, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp chưa thực hiện huấn luyện kỹ năng ATVSLĐ, sơ cấp cứu cho người lao động; chưa trang bị hoặc không sử dụng đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân khi làm việc. Bên cạnh đó, máy móc, thiết bị trong một số đơn vị, doanh nghiệp chưa đảm bảo, tồn tại nhiều nguy cơ, rủi ro mất ATVSLĐ; điều kiện làm việc của người lao động còn nhiều căng thẳng, mệt mỏi; người lao động có tâm lý chủ quan, thiếu tập trung trong khi làm việc...
Tăng cường các biện pháp an toàn
Theo ông Nguyễn Thành Sơn, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, trong thời gian tới, toàn tỉnh tập trung triển khai đậm nét Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2025 (từ ngày 1 đến 31-5) với chủ đề “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc”. Qua đó, nhằm nâng cao tính phòng ngừa, tăng cường trách nhiệm của người sử dụng lao động trong công tác tự kiểm tra, đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ, hạn chế TNLĐ và bệnh nghề nghiệp. Đồng thời, tạo đợt cao điểm về các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ; thúc đẩy các chương trình hành động cụ thể về ATVSLĐ, phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Do đó, các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp tập trung tổ chức các hoạt động Tháng hành động về ATVSLĐ đảm bảo thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm; khuyến khích các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh lựa chọn các vấn đề trọng tâm, trọng điểm mang tính chất phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp để xây dựng chương trình, kế hoạch tháng hành động tại đơn vị.

Hiện nay, vẫn còn nhiều lao động làm việc trong lĩnh vực xây dựng tiềm ẩn rủi ro, nguy cơ tai nạn lao động.
Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất kinh doanh cần xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, trong đó tăng cường các hoạt động phối hợp, lồng ghép triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả; chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, bộ phận trực thuộc triển khai đồng bộ các giải pháp, chương trình hành động phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp; rà soát, xây dựng và chấp hành nghiêm việc tuân thủ nội quy, quy trình lao động; tăng cường các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc. Song song với đó, tổ chức đối thoại, giải đáp các vướng mắc, khó khăn, chia sẻ những sáng kiến điển hình, cách làm, mô hình hay trong triển khai công tác ATVSLĐ; thăm hỏi nạn nhân, gia đình nạn nhân bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp có hoàn cảnh khó khăn… Các cơ quan quản lý nhà nước sẽ mở các đợt kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về lao động của các đơn vị, doanh nghiệp. Đồng thời, kịp thời tư vấn, hướng dẫn xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý ATVSLĐ tại các doanh nghiệp có nguy cơ cao về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp để giúp các doanh nghiệp phòng ngừa, thực hiện tốt các quy định của pháp luật…