Tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong trường học
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các ca F0 tăng đột biến sau kỳ nghỉ Tết, ngành giáo dục đã tăng cường công tác rà soát, triển khai thực hiện đồng thời các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên cũng như tiến độ thực hiện chương trình giáo dục năm học 2021-2022.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các ca F0 tăng đột biến sau kỳ nghỉ Tết, ngành giáo dục đã tăng cường công tác rà soát, triển khai thực hiện đồng thời các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên cũng như tiến độ thực hiện chương trình giáo dục năm học 2021-2022.
Ngay trong tuần học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, trên địa bàn tỉnh đã có 524 trẻ mầm non và học sinh các cấp mắc Covid-19 (F0), tăng 285 trường hợp so với tuần trước khi nghỉ Tết; có 36 cán bộ, giáo viên là F0, tăng 30 trường hợp so với tuần trước khi nghỉ Tết; có trên 8.300 học sinh đang học trực tuyến, tăng gần 2.100 so với tuần trước khi nghỉ Tết.
Trao đổi với ông Nguyễn Quang Long, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), được biết: Trên tinh thần chủ động, bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, của tỉnh về công tác phòng chống dịch, ngành giáo dục đã có sự chỉ đạo cụ thể đối với các nhà trường vừa thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, vừa linh hoạt dạy học phù hợp với thực tế. Đối với các trường học có học sinh là F0, hiệu trưởng nhà trường được quyền cho toàn bộ học sinh lớp đó nghỉ học và chuyển sang học trực tuyến, các lớp khác vẫn học trực tiếp để bảo đảm thực hiện đúng nội dung chương trình năm học. Trong các cơ sở giáo dục phải trang bị đủ các trang thiết bị như: máy đo thân nhiệt, xà phòng, nước rửa tay, nước sát trùng tại cổng trường, trong lớp học, khu vực vệ sinh để giáo viên, trẻ em, học sinh sử dụng; thực hiện nghiêm thông điệp “5K”… để phòng chống dịch Covid-19.
Tuần học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết của Trường Tiểu học Bạch Thượng (Duy Tiên) chỉ có học sinh lớp 1, lớp 2 tới trường học trực tiếp, hơn 650 học sinh các lớp của khối 3, 4, 5 phải học trực tuyến do các khối lớp này có học sinh là F0.
Cô giáo Mai Hồng Hà, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trong thời gian nghỉ Tết, qua việc thường xuyên nắm bắt tình hình học sinh, phát hiện có một số học sinh mắc Covid-19 nên nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch chuyển việc học trực tiếp của các khối 3, 4, 5 sang học trực tuyến để bảo đảm an toàn. Vì vậy, kết thúc thời gian nghỉ Tết, toàn bộ học sinh các khối lớp này không đến trường và thực hiện học trực tuyến. Việc dạy và học trực tuyến luôn bảo đảm tốt về chất lượng, đúng tiến độ theo chương trình.
Với các học sinh khối lớp 1, 2 được học trực tiếp, bên cạnh việc triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ dạy học theo chương trình và SGK mới, nhà trường còn tăng cường công tác phối hợp trong theo dõi, giám sát sức khỏe học sinh để phát hiện sớm, có biện pháp xử lý kịp thời đối với các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm Covid-19, bảo đảm an toàn phòng chống dịch trong trường học.
Với Trường Tiểu học Thanh Tuyền (TP Phủ Lý), sau kỳ nghỉ Tết, nhà trường có 3 học sinh của lớp 4A, 4B mắc Covid-19 nên hơn 60 học sinh của hai lớp này chuyển sang học trực tuyến. Theo cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Hiệu trưởng nhà trường, tuy bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng đến nay, tiến độ chương trình dạy học được bảo đảm rất tốt, bởi học sinh đã được học trực tiếp 2 tuần đầu sau khai giảng và từ 22/11 đến khi nghỉ Tết. Việc thay đổi từ học trực tiếp sang học trực tuyến của một số lớp trong nhà trường không ảnh hưởng nhiều đến giáo viên và học sinh. Giáo viên đã chủ động xây dựng kế hoạch cho cả việc dạy học trực tuyến và dạy học trực tiếp…
Được biết, đối với các lớp được học trực tiếp, nhà trường có sự bảo đảm an toàn phòng chống dịch tối đa cho học sinh và giáo viên khi thực hiện nghiêm việc khử khuẩn, vệ sinh trường lớp, quy định không ra chơi và tổ chức các hoạt động giáo dục tập trung, giờ tan lớp và các hoạt động cá nhân của học sinh được phân chia thời gian hợp lý để tránh tụ tập đông người, theo dõi sát sao tình hình sức khỏe của học sinh.
Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, ở các địa phương, số học sinh mắc Covid-19 rải rác trong các trường học và dự báo vẫn có thể gia tăng số lượng học sinh, cán bộ, giáo viên mắc mới. Trước tình hình đó, ngành giáo dục đã yêu cầu các cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh tiếp tục duy trì việc dạy học trực tiếp; thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy và học; chủ động rà soát, điều chỉnh linh hoạt kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch giáo dục các môn học và các hoạt động giáo dục, thực hiện chương trình học kỳ II bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả, an toàn; đồng thời sớm xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết thúc năm học phù hợp. Thực hiện dạy học kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến đối với các lớp học, học sinh, giáo viên thuộc diện cách ly; tiếp tục vận dụng những yếu tố tích cực của dạy học trực tuyến để hỗ trợ dạy học trực tiếp. Các cơ sở giáo dục chủ động tham mưu các cấp, các ngành hỗ trợ nhà trường, gia đình học sinh để có phương án dạy học phù hợp đối với từng địa bàn, từng đối tượng cụ thể (học sinh bị bệnh nền, hoàn cảnh khó khăn, sống xa cha mẹ). Đặc biệt, yêu cầu các nhà trường thường xuyên thống kê danh sách học sinh không thể tới trường học do dịch Covid-19 để chia lớp, sắp lớp, sắp xếp thời khóa biểu, bố trí giáo viên tiếp tục tổ chức dạy học trực tuyến để dạy bài mới, ôn tập, củng cố kiến thức, không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau.
Trong công tác phòng chống dịch Covid-19, các nhà trường có sự chủ động xây dựng các phương án phù hợp để ứng phó, xử lý hiệu quả tình huống xảy ra dịch bệnh trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp tại trường học. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cho học sinh, cha mẹ học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Đồng thời, có sự phối hợp tốt trong việc cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, về diễn biến tâm lý của trẻ em, học sinh, học viên nhằm kịp thời tư vấn, hỗ trợ tâm lý, giúp các em có nhận thức, thái độ, hành vi, kỹ năng phòng chống dịch bệnh để sớm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19, bảo đảm ổn định việc học tập và rèn luyện cho các em. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra thực hiện các quy định, tiêu chí bảo đảm an toàn phòng chống dịch tại các cơ sở giáo dục theo các quy định và hướng dẫn của ngành chức năng.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, đến thời điểm này, toàn tỉnh có 9.390 cán bộ, giáo viên, nhân viên đã tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3 (đạt 71,47%); 64.071 học sinh đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 2 (đạt 96,67%).