Tăng cường các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết

Thời gian gần đây, các tỉnh Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) nặng gia tăng và đã có một số trường hợp tử vong. Để chủ động phòng, chống dịch SXH trên địa bàn, ngành Y tế tỉnh tăng cường giám sát, kiểm soát chặt chẽ các ổ dịch cũ, các khu vực có nguy cơ nhằm phát hiện, xử lý triệt để nếu xuất hiện ổ dịch trên địa bàn.

Nhân viên y tế huyện Yên Lạc phun thuốc diệt muỗi tại các khu dân cư để phòng bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Kim Ly

Nhân viên y tế huyện Yên Lạc phun thuốc diệt muỗi tại các khu dân cư để phòng bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Kim Ly

Mùa hè thời tiết nóng ẩm kèm theo mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh SXH phát triển mạnh và dễ bùng phát trên diện rộng. Theo kết quả giám sát bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 3 trường hợp nghi ngờ/mắc SXH (giảm so với cùng kỳ năm trước), trong đó, đều là ca ngoại lai từ tỉnh khác về.

Mặc dù, tỷ lệ mắc SXH tại tỉnh rất thấp so với các tỉnh, thành phố khác trên cả nước, tuy nhiên, nguy cơ dịch SXH bùng phát trên địa bàn luôn hiện hữu. Vì vậy, cùng với với công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngành Y tế tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống SXH, trong đó, chú trọng tăng cường giám sát, kiểm soát chặt chẽ các ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, không để xảy ra “dịch chồng dịch” trên địa bàn.

Bác sĩ Hoàng Hữu Việt, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: "Mỗi năm, bệnh viện ghi nhận hàng chục ca mắc SXH nhập viện, trong đó, có cả các ca ngoại lai từ tỉnh khác về và cả các ca mắc nội tỉnh. Tuy nhiên, đa số các bệnh nhân đều không thể tự phát hiện bệnh mà thường nhầm lẫn với các bệnh khác, dẫn đến việc chủ quan hoặc điều trị tại nhà sai hướng. Vì vậy, đã có không ít trường hợp bệnh nhân đến viện trong tình trạng nặng".

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, ở miền Bắc, SXH thường xảy ra từ tháng 5 đến tháng 11, đặc biệt, SXH phát triển mạnh nhất vào các tháng 7,8,9,10,11. Nhằm chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, ngay từ đầu năm, trung tâm đã chủ động xây dựng kế hoạch, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch SXH trên địa bàn.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cấp, ban, ngành, đoàn thể trong toàn tỉnh tăng cường quản lý, tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch SXH; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt là các ổ dịch cũ, phát hiện sớm xử lý triệt để các ổ dịch mới không để dịch bùng phát và lan rộng.

Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh còn tăng cường chỉ đạo các trạm y tế xã, phường, đội phòng, chống dịch, cán bộ y tế phụ trách địa bàn, nắm chắc đối tượng, giám sát chặt chẽ các ca bệnh để có phương án chủ động đối phó khi có tình huống xảy ra.

Thực hiện nghiêm công tác giám sát chỉ số côn trùng, véc tơ truyền bệnh; giám sát, điều tra, thống kê ca bệnh, dịch truyền nhiễm; tổ chức phun hóa chất diệt muỗi... Thường xuyên rà soát, thống kê, bổ sung, đảm bảo đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, sẵn sàng tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời khi xảy ra bùng phát dịch.

Bác sĩ Hoàng Hữu Việt cho biết thêm: "SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue gây ra, có thể lây nhanh thành dịch. Vi rút Dengue xâm nhập từ người bệnh sang người lành do muỗi vằn truyền bệnh. Người mắc SXH phát triển theo 3 giai đoạn, gồm giai đoạn ủ bệnh, giai đoạn sốt Dengue - là giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

Sau giai đoạn sốt với triệu chứng sốt cao đột ngột, liên tục, người bệnh thường chuyển sang giai đoạn nguy hiểm sau đó khoảng 3-7 ngày. Đây là giai đoạn cần phải xem xét để có biện pháp xử trí phù hợp nhằm hạn chế những hậu quả xấu xảy ra".

Ngành Y tế khuyến cáo, điều kiện thời tiết nắng mưa đan xen như hiện nay là môi trường thuận lợi để muỗi truyền bệnh SXH phát triển, gia tăng nguy cơ thành dịch.

Hiện, SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nếu phát hiện muộn (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể để lại hậu quả nặng nề, thậm chí gây tử vong.

Vì vậy, cùng với sự chủ động của các cơ quan chuyên môn, mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự phòng tránh bằng các biện pháp dự phòng như phun thuốc muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy, giữ gìn vệ sinh môi trường sống, môi trường sinh hoạt, không để bệnh SXH có điều kiện phát sinh, gây bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.

Minh Nguyệt

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/suc-khoe-doi-song/78003/tang-cuong-cac-bien-phap-phong-chong-sot-xuat-huyet.html