Tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại
Triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại (PVTM) trong bối cảnh tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới”, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường năng lực thực thi PVTM, bảo vệ các ngành sản xuất của tỉnh phù hợp với cam kết quốc tế, từng bước nâng cao năng lượng cạnh tranh của nền kinh tế.
6 tháng đầu năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca nhiễm mới tăng mạnh sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, song, nhờ tận dụng tốt cơ hội từ nhiều thị trường cũng như lợi thế của các FTA mà Việt Nam đã ký kết, tốc độ tăng trưởng GRDP cũng như hoạt động xuất khẩu trên cả nước và trong tỉnh duy trì mức tăng trưởng khá, cho thấy năng lực của các doanh nghiệp (DN) trong nước đã cao hơn, một số hàng hóa đã có chỗ đứng trên thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra áp lực cạnh tranh đối với hàng nước ngoài nhập khẩu khiến Chính phủ các nước này có thể sử dụng các biện pháp PVTM.
Trước những thách thức đặt ra khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT), thực hiện Đề án "Nâng cao năng lực về PVTM trong bối cảnh tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”, cùng với việc đẩy mạnh công tác đào tạo, tuyên truyền về PVTM nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về PVTM cho cán bộ, người lao động (NLĐ), đặc biệt là cách tận dụng các cam kết FTA trong hoạt động kinh doanh với đối tác nước ngoài, ngành ngân hàng đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động hằng năm phù hợp với điều kiện phát triển KT - XH của địa phương và định hướng điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN); thể hiện rõ vai trò là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế để phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nông nghiệp - nông thôn, công nghiệp, xuất khẩu.
Tiên phong ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo, truyền thông, minh bạch hóa thông tin để cung ứng các dịch vụ đến người dân đảm bảo tiện ích và thay đổi thói quen tiêu dùng tài chính. Đến hết tháng 6/2022, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt 104 nghìn tỷ đồng, tăng gần 8% so với cuối năm 2021.
Các chính sách tín dụng được điều chỉnh đúng hướng, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh (SXKD) như nông nghiệp - nông thôn; công nghiệp phụ trợ; xuất khẩu; DN ứng dụng công nghệ cao, DNNVV nhằm thúc đẩy SXKD, tạo ra giá trị cao.
Hết tháng 6/2022, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh đạt 113 nghìn tỷ đồng, tăng gần 11% so với cuối năm 2021. NHNN chi nhánh tỉnh tăng cường chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện nghiêm túc phân loại và hạch toán đầy đủ các khoản nợ xấu theo quy định của NHNN Việt Nam; kế hoạch xử lý nợ xấu đã được UBND tỉnh phê duyệt nhằm thu hồi vốn để tăng nguồn đầu tư tín dụng vào thị trường.
Tỷ giá và thị trường ngoại tệ được giữ ổn định, thanh khoản trên thị trường ngoại tệ được đảm bảo, niềm tin vào đồng tiền Việt Nam được củng cố. Từ năm 2016, NHNN Việt Nam đã áp dụng cách thức điều hành tỷ giá trung tâm; theo đó, tỷ giá biến động linh hoạt hằng ngày theo diễn biến cung - cầu ngoại tệ trong nước và trên thế giới nhưng vẫn đảm bảo vai trò quản lý của NHNN theo định hướng điều hành chính sách tiền tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ hoạt động SXKD của các DN trên cả nước nói chung, trên địa bàn tỉnh nói riêng.
Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả tiến trình HNKTQT, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các FTA thế hệ mới, Sở Công thương đã chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tăng cường phổ biến thông tin về HNKTQT, hướng dẫn việc thực thi cam kết hội nhập cho DN, người dân trên địa bàn tỉnh.
Chủ động nắm bắt sự quan tâm, mức độ sẵn sàng và năng lực sản xuất, xuất khẩu của DN trong tỉnh để giúp định hướng, tranh thủ tận dụng các FTA thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA, UKFTA… ; chú trọng nâng cao năng lực hội nhập, cạnh tranh của DN trên địa bàn tỉnh; cung cấp linh kiện, phụ kiện và tham gia chuỗi sản xuất của DN FDI trong FTA.
Chủ động tiếp cận các thông tin về tình hình thị trường, áp dụng các rào cản kỹ thuật trong thương mại qua các đơn vị của Bộ Công thương, Thương vụ, Tham tán Thương mại tại nước ngoài để phổ biến kịp thời đến các DN nhằm ứng phó, hạn chế rủi ro, tổn thất.
Kịp thời cập nhật thông tin về Hiệp định Thương mại tự do song phương, đa phương, cam kết quốc tế đã được ký kết lên trang Thông tin điện tử của tỉnh, của ngành, trên các phương tiện thông tin đại chúng, giúp DN tra cứu thông tin về biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi; tìm kiếm, mở rộng kênh bán hàng, phân phối…; chú trọng các nước đối tác trong FTA hiện hành, có tiềm năng đem lại tác động tích cực, hiệu quả cho hoạt động thương mại trao đổi hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ của DN Vĩnh Phúc...
Để nâng cao hiệu quả thực thi các biện pháp PVTM, thời gian tới, các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm tăng cường quản lý Nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp; hỗ trợ các DN về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết, tìm kiếm, nắm bắt các cơ hội kinh doanh gắn với quá trình phát triển KT - XH của tỉnh, gắn với khai thác các lợi thế trong quan hệ thương mại với cả nước và khu vực; tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng cho các DN thương mại...