Tăng cường các hoạt động phát triển văn hóa đọc

Phát triển văn hóa đọc là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục của đất nước. Nhận thức được điều đó, hệ thống thư viện trên toàn tỉnh đã chủ động xây dựng và triển khai hiệu quả nhiều chương trình hoạt động nhằm khởi dậy lòng yêu sách và đam mê, thói quen đọc sách của người dân.

Học sinh tham quan sách trưng bày tại Thư viện tỉnh.

Với vai trò là thư viện trung tâm, đứng đầu hệ thống thư viện toàn tỉnh, Thư viện tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch và phát triển phong trào đọc sách trên địa bàn tỉnh. Tăng cường tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác thư viện. Chỉ đạo các thư viện cơ sở bám sát nhiệm vụ, tình hình chính trị, văn hóa - xã hội của tỉnh, địa phương để xây dựng kế hoạch tuyên truyền. Đồng thời triển khai các hoạt động trưng bày, triển lãm, giới thiệu sách, ngày hội đọc sách, các cuộc thi thể hiện hiểu biết về sách, xây dựng kho sách mới, hay. Nhiều đơn vị đã triển khai hiệu quả các đợt trưng bày, triển lãm, giới thiệu sách hay, các chương trình, cuộc thi kể chuyện theo sách, theo chủ đề. Tiêu biểu như huyện Hà Trung, nhiều năm gần đây Trung tâm Văn hóa, thông tin, thể thao và Du lịch huyện đã tổ chức tuyên truyền lưu động xuống các thôn, xã; phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức triển lãm sách, báo và Lễ hội thư pháp đầu xuân; tổ chức các hội thi kể chuyện theo sách, ngày hội đọc sách thu hút đông đảo người dân tham gia. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của sách, báo và khơi gợi phong trào đọc sách, báo đến từng nhà, từng ngõ xóm.

Cùng với triển khai hiệu quả các hoạt động trưng bày, triển lãm sách, Thư viện tỉnh cũng như các thư viện cơ sở đã thực hiện tốt Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2015-2020” và Đề án “Luân chuyển sách”. Đây là 2 đề án quan trọng, xuyên suốt các hoạt động, chương trình nhằm phát triển văn hóa đọc ở các địa phương. Để thực hiện hiệu quả 2 đề án trên, Thư viện tỉnh đã xây dựng kho sách phục vụ bạn đọc tại chỗ và phục vụ các hoạt động, chương trình luân chuyển sách. Hàng nằm thư viện đã chủ động dành kinh phí hơn 800 triệu đồng mua bổ sung sách, tài liệu. Đồng thời, tăng cường vận động nguồn sách xã hội hóa, tặng biếu từ các tổ chức, cá nhân, nhà xuất bản. Trung bình mỗi năm đơn vị bổ sung hàng chục nghìn bản sách. Riêng năm 2019, đơn vị đã bổ sung 172 đầu báo, tạp chí; 314 bản tài liệu địa chí; 22.000 bản sách, trong đó, 6.000 bản sách kế hoạch, hơn 9.500 bản sách kho luân chuyển.

Từ việc xây dựng kho sách tương đối lớn, Thư viện tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp cùng các đơn vị như, Sở Giáo dục và Đào tạo, Bưu điện tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh tổ chức luân chuyển sách xuống các thư viện huyện, thư viện xã, trại giam, đồn biên phòng, bưu điện văn hóa xã. Trung bình mỗi năm có hàng nghìn bản sách được luân chuyển về cơ sở. Như năm 2019, có hơn 3.700 bản sách được luân chuyển về các thư viện cơ sở, các trại giam, trường học; 5.800 bản sách luân chuyển về các bưu điện văn hóa xã. Cùng với việc luân chuyển sách, Thư viện tỉnh đã hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, sắp xếp kho sách, tài liệu khoa học; cách trưng bày sách và luân chuyển sách hiệu quả giữa các thư viện cho cán bộ, nhân viên các thư viện cơ sở. Khuyến khích các thư viện sáng tạo, triển khai tích cực công tác xã hội hóa xây dựng kho sách. Hoạt động này đã góp phần ổn định và phát triển hệ thống thư viện các cấp, với số lượng tư liệu phong phú, đa dạng, thường xuyên được đổi mới, cập nhật. Từ đó, cung cấp thông tin, tri thức, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng xã hội học tập, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Điển hình, như cuối năm 2019, Thư viện tỉnh đã luân chuyển hơn 700 bản sách, trị giá hơn 22 triệu đồng về Trường THCS Hoằng Trạch (Hoằng Hóa). Đồng thời tổ chức hướng dẫn nhân viên thư viện sắp xếp, xây dựng thư viện sinh động, thân thiện với học sinh nhằm thu hút, kích thích sự tò mò, khơi dậy đam mê đọc sách, yêu sách của các em. Hay đầu năm 2020, Thư viện tỉnh đã tổ chức luân chuyển gần 300 bản sách về nội dung văn hóa, giáo dục, pháp luật và các sách nghiên cứu, tham khảo trên nhiều lĩnh vực, với trị giá 25 triệu đồng cho cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hoằng Trường. Cùng với luân chuyển sách, hai đơn vị còn tổ chức giao lưu văn nghệ, nói chuyện sách, góp phần lan tỏa văn hóa đọc sách cho cán bộ, chiến sĩ. Những cuốn sách này không chỉ phục vụ chiến sĩ trong học tập, công tác; mà còn góp phần nâng cao nhận thức cho nhân dân ở khu vực biên giới biển, về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đáng chú ý, cuối năm 2019, được hưởng dự án xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện “Ánh sáng tri thức”, Thư viện tỉnh đã phối hợp với ngành giáo dục, các địa phương, đặc biệt ở những khu vực khó khăn, để triển khai phục vụ người dân đọc sách, tra cứu thông tin qua internet. Hoạt động của xe thư viện lưu động được xem là một cách làm hữu hiệu, đưa thông tin, tri thức đến với người dân ở mọi nơi. Đồng thời góp phần vào việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phổ biến công nghệ, kỹ thuật mới; giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh cho mọi tầng lớp nhân dân.

Thông qua các chương trình, hoạt động được triển khai liên tục, xuyên suốt trong thời gian qua, đã góp phần thúc đẩy văn hóa đọc phát triển. Từ đó giúp độc giả định hướng về phương pháp đọc, ứng dụng kiến thức, cũng như việc chọn lọc loại sách mang hàm lượng kiến thức, bổ ích, có giá trị nhân văn, tính giáo dục cao.

Bài và ảnh: Thùy Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/tang-cuong-cac-hoat-dong-phat-trien-van-hoa-doc/118921.htm