Tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình đê điều, thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2025
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo các giải pháp đảm bảo an toàn công trình đê điều, thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2025. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với lực lượng quân đội đóng trên địa bàn bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi, sẵn sàng ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP luôn có mặt kịp thời giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả thiên tai. Ảnh: Nguyễn Hà
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2024, thiên tai ở nước ta xảy ra rất khốc liệt, cực đoan với nhiều loại hình trên khắp các vùng miền trong cả nước, làm 519 người chết, mất tích, tổng thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 89.089 tỷ đồng.
Đặc biệt, bão số 3 (Yagi) tác động, ảnh hưởng nặng nề đến hầu hết các hoạt động kinh tế, xã hội, thiết chế hạ tầng từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và miền núi, gây mưa lớn toàn Bắc Bộ và Thanh Hóa. Đối với hệ thống công trình, đê điều, bão số 3 đã gây ra 805 sự cố đê điều, nhiều sự cố đặc biệt nguy hiểm uy hiếp đến an toàn chống lũ của đê.
Theo nhận định về tình hình thiên tai, thời tiết năm 2025 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ tháng 7, bão và áp thấp nhiệt đới bắt đầu hoạt động ở khu vực biển Đông; tổng lượng mưa ở hầu hết các khu vực được dự báo tương đương hoặc cao hơn trung bình nhiều năm.
Để chủ động trong công tác hộ đê, phòng, chống lụt bão, ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ngày 8/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã ký Chỉ thị số 02 /CT-BNNMT về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình đê điều, thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2025.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo đánh giá công tác bảo đảm an toàn công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn.
Đồng thời kiện toàn, phân công cụ thể trách nhiệm của các cơ quan quản lý chuyên ngành, chính quyền địa phương các cấp và các lực lượng trên địa bàn theo phương châm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thời gian hoàn thành”, đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt, hiệp đồng chặt chẽ, hiệu quả, có tính liên tục trong triển khai thực hiện, không để khoảng trống trong bối cảnh sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền địa phương;
Tổ chức kiểm tra, đánh giá kỹ hiện trạng hệ thống công trình đê điều, thủy lợi nhằm phát hiện những hư hỏng, các yếu tố bất lợi có nguy cơ đe dọa an toàn công trình; chủ động xây dựng, phê duyệt và triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình theo phương châm “4 tại chỗ”; hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ với lực lượng quân đội đóng trên địa bàn để chuẩn bị hộ đê, bảo vệ công trình theo phương án được duyệt.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị các địa phương tu sửa, tu bổ, nâng cấp, sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng công trình đê điều, hệ thống thủy lợi, hồ đập trước mùa mưa, lũ năm 2025. Ảnh: Ngọc Hà
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị các địa phương tổ chức diễn tập phương án hộ đê, phương án ứng phó khẩn cấp của các hồ chứa; kiểm tra việc chuẩn bị vật tư, lực lượng, phương tiện, kỹ thuật, chỉ huy và thông tin liên lạc để bổ khuyết kịp thời những thiếu sót, tồn tại; tập huấn nghiệp vụ cho các lực lượng tham gia hộ đê, ứng phó khẩn cấp sự cố công trình, đặc biệt là lực lượng quân đội đóng trên địa bàn.
Cùng với đó, cần rà soát, đánh giá quy trình vận hành của các cống dưới đê, các hồ chứa; rà soát, xác định các khu vực nguy hiểm để chủ động tổ chức di dời người, tài sản tới nơi an toàn. Đối với những nơi chưa có điều kiện di dời ngay, địa phương phải có phương án chủ động sơ tán khi có tình huống thiên tai để bảo đảm an toàn.
Tăng cường kiểm tra hệ thống công trình đê điều, thủy lợi nhằm kịp thời phát hiện, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật về đê điều, thủy lợi....