Tăng cường công tác phòng, chống tệ nạn xã hội

Ngày 22/8, Đoàn giám sát của Ủy ban Xã hội của Quốc hội làm việc với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và một số bộ, ngành liên quan về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy, mại dâm.

Quang cảnh buổi làm việc. Nguồn: quochoi.vn

Quang cảnh buổi làm việc. Nguồn: quochoi.vn

Báo cáo tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Văn Hồi cho biết, công tác phòng, chống ma túy (PCMT) còn một số tồn tại, hạn chế. Theo đó, việc xác định tình trạng nghiện còn gặp khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện. Đội ngũ cán bộ tại các cơ sở cai nghiện thiếu về số lượng. Cơ sở vật chất của các cơ sở cai nghiện tại một số địa phương đã xuống cấp. Công tác quản lý sau cai nghiện chưa được quan tâm đầu tư, chưa có nhiều mô hình và giải pháp hiệu quả. Khó khăn lớn nhất là thiếu hụt các nguồn kinh phí để phục vụ công tác cai nghiện ma túy.

Về công tác phòng, chống mại dâm (PCMD), theo đánh giá của Bộ LĐTBXH, công tác phối hợp liên ngành về chế độ báo cáo định kỳ của các thành viên còn chậm so với quy định. Việc thực hiện trách nhiệm của các cơ quan chức năng chưa hiệu quả nên không đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm. Một số địa phương vẫn tồn tại các tụ điểm, ổ nhóm tội phạm tổ chức hoạt động mại dâm công khai, thách thức dư luận. Nhiều địa phương không được bố trí kinh phí hoặc không cân đối được ngân sách.

Về công tác PCMT, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, thời gian qua, Bộ Y tế đã thực hiện công tác nghiên cứu về các bài thuốc phác đồ điều trị và phục hồi chức năng cho người nghiện ma túy, đặc biệt với nhóm người cai nghiện ma túy tổng hợp, người nghiện sử dụng đồng thời heroin và ma túy tổng hợp. Tuy nhiên, công tác này còn gặp một số khó khăn do sự gia tăng của các loại ma túy mới, nhất là các ma túy dạng kích thích. Cán bộ cung cấp dịch vụ thay đổi thường xuyên nên cần nguồn lực và đào tạo liên tục dẫn đến quá tải công việc cho cán bộ y tế. Các dữ liệu về mô hình và hiệu quả các can thiệp điều trị Methadone ở bệnh nhân sử dụng đa ma túy hiện đang thiếu.

Đánh giá về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về PCMT, bà Đỗ Thị Lan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, các bộ, ngành đã kịp thời ban hành các văn bản chi tiết, hướng dẫn, tổ chức thực hiện Luật PCMT, tích cực thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến về PCMT, thống kê người nghiện ma túy, xác định tình trạng nghiện, kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.

Tuy nhiên, bà Lan chỉ rõ nguồn lực cho công tác PCMT còn thiếu, nhất là ở cấp cơ sở, ảnh hưởng đến công tác quản lý người sau cai nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy. Việc bố trí kinh phí cho công tác PCMT còn rất bất cập, hạn chế. Bộ máy làm công tác PCMT còn thiếu về số lượng và hạn chế về trình độ chuyên môn.

Liên quan đến vấn đề PCMD, bà Lan cho rằng, sự quan tâm, chỉ đạo công tác PCMD của một số bộ, ngành, địa phương còn hạn chế, vai trò của người đứng đầu chưa được phát huy. Công tác dạy nghề, vay vốn, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người hoạt động mại dâm hoàn lương còn khó khăn. Chế tài xử phạt đối với người bán dâm sau khi bị bắt giữ, chỉ bị phạt tiền, hiệu quả răn đe không cao, hầu hết người bán dâm vẫn tái vi phạm. Kinh phí dành cho hoạt động PCMD còn thấp.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lê Thị Thanh Lam cho rằng, số lượng cơ sở cai nghiện ma túy có phòng y tế đảm bảo chất lượng để xác định tình trạng nghiện còn thấp, trong khi nhu cầu xác định tình trạng nghiện cao. Cho nên cần có giải pháp cụ thể để phát huy hiệu quả hoạt động của đội tình nguyện công tác xã hội về PCMT, PCMD ở các địa phương.

Kết luận, bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát đề nghị Bộ LĐTBXH sớm nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật về PCMD, làm cơ sở cho việc thực hiện các biện pháp, giải pháp về PCMD cho phù hợp với thực tiễn hiện nay, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thực hiện tốt các chính sách về bảo trợ xã hội.

Bên cạnh đó, bà Anh cũng đề nghị, nghiên cứu đề xuất giải pháp tháo gỡ bất cập, khó khăn cho công tác cai nghiện ma túy, đặc biệt là công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng, trong việc bố trí được đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ ma túy tại gia đình và cộng đồng.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tang-cuong-cong-tac-phong-chong-te-nan-xa-hoi-5726458.html