Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, bảo đảm an toàn hồ Dầu Tiếng

Bộ NN&PTNT đề nghị UBND 3 tỉnh giáp với hồ Dầu Tiếng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tại địa phương thực hiện nghiêm các nội dung tại Thông báo số 5118/TB-BNN-VP ngày 5.8.2022 của Bộ NN&PTNT tại cuộc họp về công tác quản lý, bảo vệ, khai thác hồ Dầu Tiếng.

Ngày 11.4.2024, ông Trần Quang Hùng- Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam cho biết, liên quan đến tình trạng khai thác cát trái phép trong hồ Dầu Tiếng thời gian gần đây diễn biến phức tạp, Công ty đã có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo UBND các tỉnh giáp với hồ Dầu Tiếng tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát. Sau đó, Bộ đã có công văn chỉ đạo về nội dung trên.

Tàu không số hiệu tiến sát vào bìa rừng tại Ùn Cầu Sập để bơm hút cát (ảnh chụp ngày 9.3.2024)

Tàu không số hiệu tiến sát vào bìa rừng tại Ùn Cầu Sập để bơm hút cát (ảnh chụp ngày 9.3.2024)

Ông Hùng cho biết, Công ty KTTL miền Nam không có đủ chức năng cũng như nguồn lực kinh phí, con người, trang thiết bị để thực hiện quản lý sâu sát tình trạng khai thác cát trái phép do địa bàn quản lý rộng lớn giáp với 3 tỉnh. Địa hình vùng lòng hồ phức tạp, cụ thể như tại Ùn Cầu Sập mà mới đây Báo Tây Ninh có bài phản ánh về tình trạng tàu không số hiệu khai thác cát trái phép gây sạt lở đất, ảnh hưởng đến cây rừng.

Ông Hùng cho hay, theo chức năng và nhiệm vụ được giao, Công ty KTTL miền Nam đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra, giám sát các nội dung được quy định trên giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Hiện nay đang cao điểm mùa khô, nhằm quản lý chặt chẽ các hoạt động trong lòng hồ để bảo vệ môi trường và chất lượng nước, chống xói mòn, sạt lở đất, gây ảnh hưởng đến cây rừng có chức năng phòng hộ hồ Dầu Tiếng hướng thượng nguồn; ngày 14.3.2024, Công ty có văn bản kiến nghị Bộ NN&PTNT có ý kiến gửi đến UBND các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước để chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát.

Ngày 3.4.2024, Bộ NN&PTNT có Công văn số 2415, trong đó nhấn mạnh, hồ Dầu Tiếng là công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt, liên quan đến ninh quốc gia; công trình khai thác tổng hợp phục vụ đa mục tiêu, trong đó có nhiệm vụ cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt, công nghiệp cho các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh. Từ khi công trình đưa vào vận hành khai thác đến nay gần 40 năm đã phát huy hiệu quả nhiệm vụ của hồ chứa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh trong khu vực.

Để bảo đảm an toàn công trình, môi trường và chất lượng nước trong hồ Dầu Tiếng, nâng cao hiệu quả khai thác tổng hợp phục vụ đa mục tiêu, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND 3 tỉnh giáp với hồ Dầu Tiếng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tại địa phương thực hiện nghiêm các nội dung tại Thông báo số 5118/TB-BNN-VP ngày 5.8.2022 của Bộ NN&PTNT tại cuộc họp về công tác quản lý, bảo vệ, khai thác hồ Dầu Tiếng.

Các địa phương phải đặc biệt quan tâm công tác kiểm tra, giám sát những hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi quan trọng này theo quy định của pháp luật về thủy lợi, khoáng sản, môi trường, giao thông đường thủy nội địa và các quy định liên quan theo thẩm quyền. Cơ quan nào cấp giấy phép thì chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép.

Đồng thời, tăng cường quản lý chặt chẽ những hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của các địa phương, đặc biệt là hoạt động khai thác khoáng sản có nguy cơ cao gây ảnh hưởng đến chất lượng nước hồ Dầu Tiếng, nhất là trong giai đoạn các tháng mùa khô.

Bộ NN&PTNT chỉ đạo không để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản ngoài thời gian quy định của giấy phép, bảo đảm tuân thủ đúng các nội dung quy trình kỹ thuật khai thác, cũng như các nội dung liên quan được quy định tại giấy phép đã cấp cho các tổ chức hoạt động trong phạm vi bảo vệ hồ Dầu Tiếng.

UBND các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước thực hiện kiểm tra, rà soát, có biện pháp giải quyết các tồn tại đối với những hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, vi phạm phạm vi bảo vệ hồ Dầu Tiếng, làm rõ các thông tin mà cơ quan báo chí đưa tin trong thời gian qua, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền quản lý của địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các tổ chức, cá nhân về bảo vệ bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hồ Dầu Tiếng.

UBND các tỉnh giáp hồ phối hợp Công ty KTTL miền Nam xây dựng kế hoạch để thực hiện Quy chế phối hợp số 04/QCPH-BNN-UBND ngày 2.6.2021 đã được ký kết giữa Bộ NN&PTNT và UBND các tỉnh có liên quan trong quản lý, khai thác, bảo vệ hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa. Trong đó, chỉ đạo các đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp cụ thể, xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị để bảo đảm chặt chẽ sự tương đồng về chức năng, nhiệm vụ trong công tác phối hợp, tham mưu cho UBND các tỉnh và Bộ NN&PTNT.

Ông Trần Quang Hùng cho biết thêm, trước tình hình khai thác cát trái phép diễn biến phức tạp trong hồ Dầu Tiếng qua thông tin báo chí phản ánh, ngày 25.3.2024, Công ty KTTL miền Nam đã xây dựng “Kế hoạch phối hợp kiểm tra các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình hồ thủy lợi Dầu Tiếng” nhằm quản lý chặt chẽ các hoạt động trong phạm vi vùng lòng hồ, bảo đảm an toàn tuyệt đối đập, hồ chứa nước, chống xói mòn, an ninh trật tự, chất lượng nguồn nước… Trong đó có kết hợp triển khai công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về thủy lợi, đất đai, tài nguyên và môi trường.

Theo kế hoạch của Công ty KTTL miền Nam, đoàn kiểm tra gồm đại diện Cục Thủy lợi; Phòng An ninh nông lâm ngư nghiệp - Cục An ninh kinh tế - Bộ Công an; Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, Công an các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước; UBND các huyện Dương Minh Châu, Tân Châu, Dầu Tiếng, Hớn Quản sẽ kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng, bao gồm các hoạt động khai thác khoáng sản, sản xuất điện mặt trời, xả thải, nuôi cá lồng bè, vó cá, các hoạt động khác trên vùng đất bán ngập... Qua đó, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, báo cáo cơ quan chức năng có biện pháp xử lý.

Một trong số các đoạn bờ đất có cây rừng tự nhiên tại Ùn Cầu Sập bị sạt lở rất nghiêm trọng (ảnh chụp ngày 29.3.2024)

Một trong số các đoạn bờ đất có cây rừng tự nhiên tại Ùn Cầu Sập bị sạt lở rất nghiêm trọng (ảnh chụp ngày 29.3.2024)

Dự kiến, từ ngày 1.4 đến hết ngày 15.4.2024, đoàn công tác sẽ đi kiểm tra thực tế theo kế hoạch. Việc kiểm tra, giám sát sẽ được thực hiện đúng quy định của pháp luật, có trọng tâm, trọng điểm, toàn diện; phạm vi kiểm tra là vùng lòng hồ Dầu Tiếng.

Liên quan đến tình trạng khai thác cát trái phép tại Ùn Cầu Sập (khu vực gần khoảnh 8, 9, 10 Tiểu khu 58 Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng) gây sạt lở đất và ảnh hưởng đến cây rừng mọc tự nhiên, ông Phạm Chí Trung- Giám đốc Ban Quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng (BQL) cho biết, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo BQL tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và báo cáo về Sở nếu tình trạng khai thác cát tại khu vực này còn diễn ra. Mặc dù diện tích đất bị sạt lở gây ảnh hưởng đến cây rừng nằm ngoài phạm vi đất quy hoạch lâm nghiệp, nhưng đây là trách nhiệm chung trong bảo vệ tài nguyên rừng trên địa bàn phụ trách.

Ông Trung cho biết, BQL đã chỉ đạo Đội Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng Suối Bà Chiêm; Đội Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng Tân Thành - Suối Dây tiếp tục tuần tra, giám sát những khu vực đất có cây rừng giáp với hồ Dầu Tiếng trên địa bàn quản lý; kịp thời phát hiện các hoạt động khai thác khoáng sản bất thường và báo ngay về BQL. BQL sẽ sớm báo cáo về Sở NN&PTNT hoặc các cơ quan có thẩm quyền để xử lý.

Trường Lộ

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/tang-cuong-cong-tac-quan-ly-bao-ve-bao-dam-an-toan-ho-dau-tieng-a171416.html