Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững

'Xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững hiệu quả diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích đất lâm nghiệp gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới. Xây dựng ngành lâm nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa quy mô lớn; ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả trong lâm nghiệp…' - Đó là mục tiêu được đề ra trong nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị.

Nhìn lại hơn 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ và hơn 2 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động số 176-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả quan trọng.

Các đơn vị, địa phương có liên quan đã nêu cao vai trò, trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Năng lực chỉ đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và các lực lượng bảo vệ rừng từng bước được nâng cao; kịp thời cập nhật và xử lý các điểm nóng vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Lực lượng kiểm lâm ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng tham mưu cho chính quyền từ tỉnh đến các huyện, xã. Công tác theo dõi, nắm bắt thông tin và chủ động tổ chức lực lượng triệt phá các tụ điểm phá rừng, khai thác, xâm chiếm đất rừng, vận chuyển, cất giấu lâm sản được thực hiện quyết liệt. Các điểm nóng vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Trong 5 năm (2017 - 2022) các lực lượng chức năng đã bắt giữ và xử lý 1.349 vụ vi phạm; xử lý 16 vụ án với 24 bị can, còn lại chủ yếu là xử lý hành chính. Việc khởi tố hình sự các vụ phá rừng đã góp phần mang lại hiệu quả cao trong công tác giáo dục và răn đe, từ đó hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy giảm rõ rệt.

Đã kiểm tra, xử lý tình trạng phá rừng, xâm chiếm đất rừng, khai thác rừng trái phép tại các Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông, Bắc Hướng Hóa; Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải; xã Đakrông, huyện Đakrông. Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định đối với tập thể, cá nhân có liên quan trong việc không thực hiện đầy đủ chức năng quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên lâm phần được giao quản lý, không kiểm tra phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

Cùng với việc xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật lâm nghiệp, trong những năm qua, toàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển rừng, nâng cao giá trị của rừng; đẩy mạnh trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; trồng rừng sản xuất, trồng rừng thâm canh gỗ lớn; chế biến và và tổ chức mạng lưới chế biến gỗ; hợp tác, hội nhập quốc tế trong trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đây là nền tảng quan trọng để hướng tới khai thác, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vấn đề quan tâm hiện nay là một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương vẫn chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; chưa thực sự chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ và triệt để các giải pháp thực hiện.

Tình trạng phá rừng, xâm chiếm đất rừng, một số điểm nóng về khai thác rừng trái phép vẫn còn xảy ra, nhất là những vùng giáp ranh giữa các huyện, các tỉnh và những vùng sâu, vùng xa. Diện tích rừng tự nhiên chủ yếu tập trung ở vùng sâu, vùng xa, địa hình đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn trong khi đó biên chế của ngành kiểm lâm cũng như lực lượng bảo vệ rừng của các chủ rừng còn mỏng nên công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp khó khăn…

Để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật lâm nghiệp trong thời gian tới, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt từ trung ương đến địa phương, từ tỉnh đến huyện, xã, thôn/bản.

Trong công tác chỉ đạo, điều hành cần phải có sự khoanh vùng, lựa chọn những địa bàn, vùng trọng tâm, trọng điểm để tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vụ việc vi phạm pháp luật nhằm bảo đảm tính răn đe; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc cơ sở để có những giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời; quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị, chủ rừng chịu trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Phấn đấu giữ ổn định tỉ lệ che phủ rừng ở mức 49%; quản lý, bảo vệ tốt và duy trì toàn bộ diện tích rừng tự nhiên; nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng; phát triển, sử dụng hợp lý tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng cao; bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tạo ra các sản phẩm liên kết theo chuỗi có giá trị kinh tế cao để phát triển KT - XH, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân nông thôn, miền núi, góp phần giữ vững QP - AN, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Từ bài học qua thực tiễn, cần tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; bởi những năm qua cho thấy ở đâu cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm, chú trọng đến công tác quản lý, bảo vệ rừng thì rừng được bảo vệ tốt, tình trạng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp ở đó giảm và được kiểm soát.

Từ đó phát triển ngành lâm nghiệp theo hướng bền vững, toàn diện, đồng bộ các hoạt động quản lý, bảo vệ, trồng rừng, cải tạo rừng, khai thác, chế biến lâm sản, dịch vụ môi trường rừng, phát triển du lịch sinh thái, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng lâm nghiệp…

Minh Phương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-de-binh-luan/tang-cuong-cong-tac-quan-ly-bao-ve-va-phat-trien-rung-ben-vung/176689.htm