Tăng cường công tác quản lý thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng

Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành công văn về việc tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng. Qua đó, nhằm bảo đảm chất lượng, an toàn và duy trì sự làm việc bình thường của công trình trong suốt thời gian sử dụng, đảm bảo tính bền vững, hiệu quả kinh tế khi đưa vào khai thác sử dụng.

Theo đó, về quản lý chất lượng công trình xây dựng, cần tăng cường công tác quản lý chất lượng đầu vào của vật liệu xây dựng, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình theo Nghị định số 06/2021/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 06) quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng. Tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình kỹ thuật trong quá trình thi công xây dựng công trình. Thực hiện công tác giám sát thi công xây dựng và giám sát tác giả chặt chẽ, thường xuyên, liên tục. Tổ chức thí nghiệm đối chứng, kiểm định chất lượng bộ phận công trình, hạng mục công trình, công trình xây dựng theo Nghị định 06. Tổ chức nghiệm thu công trình trước khi đưa vào khai thác, sử dụng. Lập đầy đủ các hồ sơ, tài liệu quản lý chất lượng công trình xây dựng theo quy định.

Khu dân cư Hùng Vương. Ảnh: N.Lân

Khu dân cư Hùng Vương. Ảnh: N.Lân

Về nghiệm thu công trình xây dựng, chủ đầu tư phải tổ chức nghiệm thu công trình xây dựng theo quy định tại Điều 123, Luật Xây dựng năm 2014, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 45 Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020. Thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chủ đầu tư theo Nghị định số 06. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện các quy định tại Điều 21, Điều 22, Điều 23 Nghị định số 06, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4, khoản 5 Điều 11 Nghị định số 35/2023/NĐ-CP của Chính phủ; gửi hồ sơ đến các cơ quan chuyên môn về xây dựng để kiểm tra công tác nghiệm thu theo quy định.

Về bảo trì và đánh giá an toàn công trình xây dựng, chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình chủ động triển khai bảo trì công trình xây dựng, máy, thiết bị công trình theo quy định tại Điều 126 Luật Xây dựng năm 2014, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 47 Điều 1, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020; mục 2 Chương III Nghị định số 06; Thông tư số 14/2021/TT-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình chủ động triển khai đánh giá an toàn của công trình xây dựng trong quá trình sử dụng. Đối với xây dựng công trình tạm, thực hiện nghiêm các nội dung về xây dựng công trình tạm quy định tại Điều 131, Luật Xây dựng năm 2014, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 49 Điều 1, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 và quy định pháp luật khác có liên quan.

Đường Nguyễn Thông - TP. Phan Thiết (ảnh: N. Lân)

Đường Nguyễn Thông - TP. Phan Thiết (ảnh: N. Lân)

Được biết, những năm qua, công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng và bảo trì công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh cơ bản đảm bảo tuân thủ các quy định của nhà nước. Các công trình trụ sở các cơ quan, trường học, bệnh viện… được đầu tư, xây dựng, nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng đảm bảo về chất lượng, yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật, công năng sử dụng. Tuy nhiên, vẫn còn một số chủ đầu tư, đơn vị sử dụng chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý chất lượng của công trình xây dựng, nghiệm thu công trình xây dựng, công tác bảo trì công trình, đánh giá an toàn công trình.

M. VÂN

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/tang-cuong-cong-tac-quan-ly-thi-cong-xay-dung-va-bao-tri-cong-trinh-xay-dung-125638.html