Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động
Hiện nay, công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định. Nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động về cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo ATVSLĐ dần được nâng lên. Tuy nhiên, tình hình tai nạn lao động đang có những diễn biến phức tạp, cần có những giải pháp thiết thực hơn để giải quyết tình trạng này.
Theo thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Lào Cai, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn có 2 vụ tại nạn lao động, trong đó 1 vụ có người bị thương và 1 vụ có 1 người thiệt mạng. Ông Dương Phúc Toán, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Lào Cai cho biết, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động về công tác ATVSLĐ, chăm lo và đảm bảo điều kiện làm việc, giảm các nguy cơ mất an toàn lao động và thiệt hại đối với xã hội, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động.
Cùng với việc tăng cường tuyên truyền, huấn luyện về ATVSLĐ cho người lao động, thời gian qua thành phố đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động trên địa bàn, trong đó đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức đoàn kiểm tra đột xuất việc chấp hành quy định của pháp luật về lao động và ATVSLĐ tại một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn. Qua kiểm tra, cơ bản các cơ sở, doanh nghiệp không có lỗi vi phạm, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại như chưa tổ chức huấn luyện ATVSLĐ, chưa trang bị tủ thuốc cấp cứu tại nơi làm việc…
Xác định ATVSLĐ trong sản xuất là quan trọng và tính mạng con người là trên hết, tại Nhà máy Luyện đồng Bản Qua (Chi nhánh Luyện đồng Lào Cai) đóng trên địa bàn xã Bản Qua (huyện Bát Xát), từ tháng 3/2023 đã triển khai nội dung thi nghiệp vụ và ATVSLĐ trên phần mềm điện tử tới toàn thể công nhân hiện đang làm việc trong nhà máy.
Ông Nguyễn Quốc Trinh, Phó Giám đốc Chi nhánh Luyện đồng Lào Cai cho biết, việc đưa nội dung thi sát hạch nghiệp vụ và ATVSLĐ của công ty sẽ được thực hiện mỗi quý một lần nhằm nâng cao nghiệp vụ và ý thức về ATVSLĐ cho công nhân. Công nhân nào thi không đạt sẽ phải thi lại và thi lại nhiều lần không đạt thì sẽ bị loại khỏi vị trí việc làm hiện tại.
Tại huyện Bát Xát, đầu năm 2023 cũng đã xảy ra 1 vụ tai nạn lao động làm chị Đào Thị N. công nhân của Công ty TNHH MTV Hoàng Liên Thanh tử vong. Chị N. trong quá trình tham gia thi công Tỉnh lộ 156 đã bị xe lu cán qua người gây chấn thương đa tạng dẫn đến tử vong.
Trên địa bàn huyện Bát Xát hiện có nhiều doanh nghiệp, công ty lớn đang hoạt động, do đó ngay từ đầu năm UBND huyện đã xây dựng kế hoạch đảm bảo ATVSLĐ triển khai tới các địa phương. Ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bát Xát cho biết, trọng tâm trong công tác đảm bảo ATVSLĐ đang được triển khai nhiều nhất là tuyên truyền về Bộ luật Lao động, qua đó từng bước nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động. Mục tiêu của huyện trong thời gian tới là giảm số vụ tại nạn lao động (đặc biệt là tai nạn lao động chết người); 100% số vụ tại nạn lao động được khai báo, điều tra, xử lý theo quy định; số người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bồi thường, trợ cấp theo quy định của pháp luật…
Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn trong tỉnh, tình hình tai nạn lao động chết người vẫn diễn biến phức tạp. Tính đến hết ngày 15/10/2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 17 vụ tai nạn lao động làm chết và bị thương 24 người (trong đó 8 vụ tai nạn lao động làm 9 người chết) tổng số vụ tai nạn lao động tăng 4 vụ và tăng 4 người chết so với cùng kỳ năm 2022). Nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động là người lao động vi phạm quy trình làm việc an toàn; người lao động vi phạm Luật Giao thông đường bộ; người sử dụng lao động chưa thực hiện đầy đủ các quy định về công tác ATVSLĐ…
Trong những tháng cuối năm 2023, để triển khai hiệu quả công tác ATVSLĐ trên địa bàn, UBND tỉnh đã có Văn bản 4829/UBND-VX về việc tăng cường công tác đảm bảo ATVSLĐ, phòng ngừa tai nạn lao động. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ATVSLĐ thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý; tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người lao động về công tác đảm bảo ATVSLĐ, trong đó tập trung vào các ngành, nghề có nguy cơ cao về mất ATVSLĐ (điện, cơ khí, xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng, hầm lò…). Bên cạnh đó, cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATVSLĐ.
Văn bản 4829/UBND-VX cũng yêu cầu:
Các chủ đầu tư các công trình: Thực hiện và chịu trách nhiệm trước pháp luật theo nhiệm vụ của chủ đầu tư trong công tác ATVSLĐ. Chỉ đạo, yêu cầu các nhà thầu thi công phải thực hiện đúng, đủ các quy trình, quy định về đảm bảo ATVSLĐ; quy định rõ trách nhiệm của đơn vị tư vấn giám sát trong việc kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn, tiến độ, chất lượng công trình và chịu trách nhiệm về vi phạm của nhà thầu (nếu có). Kiên quyết thực hiện đình chỉ thi công khi phát hiện nhà thầu vi phạm các quy định về đảm bảo ATVSLĐ, để xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố, tai nạn lao động. Yêu cầu nhà thầu khắc phục, đảm bảo điều kiện ATVSLĐ mới được tiếp tục thi công.
Các nhà thầu thi công: Thực hiện việc tuyển dụng, quản lý và sử dụng người lao động theo đúng quy định của pháp luật lao động. Tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Luật an toàn, vệ sinh lao động, Thông tư 10/2021/TT-BXD ngày 25/8/2021 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Nghị định 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 và Nghị định 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ, các văn bản liên quan.
Đối với người lao động: Chấp hành nghiêm các nội quy, quy trình và biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc; tuân thủ các giao kết về ATVSLĐ. Báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn lao động; chủ động tham gia cấp cứu, khắc phục sự cố, tai nạn lao động theo phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp hoặc khi có lệnh của người sử dụng lao động. Tham dự các khóa huấn luyện ATVSLĐ để có thể nhận diện các nguy cơ, rủi ro, các yếu tố nguy hiểm, từ đó nâng cao ý thức phòng ngừa tai nạn lao động cho bản thân; kiên quyết từ chối làm việc khi các điều kiện an toàn lao động chưa được đảm bảo. Sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp, các thiết bị bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/tang-cuong-dam-bao-an-toan-ve-sinh-lao-dong-post375263.html