Tăng cường dạy bơi cho học sinh

Biết bơi là một mục tiêu quan trọng về giáo dục thể chất cho học sinh từ 6 đến 15 tuổi của ngành giáo dục thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, mục tiêu này cho đến nay vẫn chưa đạt được như mong muốn.

Học sinh học bơi tại các trung tâm, hồ bơi tại thành phố Hồ Chí Minh.

Học sinh học bơi tại các trung tâm, hồ bơi tại thành phố Hồ Chí Minh.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có các trung tâm dạy bơi lớn cho trẻ em là Trung tâm dạy bơi kèm riêng Swim To Be Live (Quận 10), hồ bơi Phú Thọ (Quận 11), hồ bơi Kỳ Đồng (Quận 3), hồ bơi Lam Sơn (Quận 5), hồ bơi Rạch Miễu (Quận Phú Nhuận), hồ bơi Hải Quân (Quận Bình Thạnh), hồ bơi Yết Kiêu (Quận 1), hồ bơi Quân khu 7 (Gió Bắc, quận Phú Nhuận)… và hàng trăm hồ bơi lớn, nhỏ khác nhận dạy bơi cho trẻ em.

Ở khu vực nội thành, tình hình phổ cập bơi cho học sinh (từ 6 đến 15 tuổi) có nhiều thuận lợi hơn các quận, huyện ngoại thành do tập trung nhiều hồ bơi. Tại Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1) xét phổ cập từ lớp 3, có hơn 90% số học sinh biết bơi.

Cô Đỗ Ngọc Chi, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Việc phổ cập bơi cho học sinh nhà trường có nhiều thuận lợi. Trường đối diện với Trung tâm bơi lội Nguyễn Bỉnh Khiêm nên có sự phối hợp chặt chẽ. Ngoài phổ cập bơi lội theo chủ trương của UBND quận, trường còn có câu lạc bộ hoạt động ngoài giờ chính khóa cho học sinh học bơi theo tinh thần tự nguyện.

Cô Chi cho biết thêm, việc phổ cập bơi là chủ trương hơn 10 năm nay của UBND quận. Tất cả học sinh lớp 3 trên địa bàn đều được sắp xếp lịch học, phối hợp Trung tâm bơi lội Nguyễn Bỉnh Khiêm và được miễn phí hoàn toàn. Mô hình này vẫn được duy trì đến nay và được đánh giá rất cao. Còn tại quận Bình Tân, một cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo quận này cho biết: Từ năm 2015 thành phố đã có kế hoạch phổ cập bơi cho học sinh phổ thông. Tuy nhiên, việc phổ cập bơi trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, vì hầu hết các trường chưa có hồ bơi. Là quận đông học sinh và có số lượng trường học đông nhất, nhì thành phố nhưng chỉ có ba trường tư thục có hồ bơi, không trường công lập nào có hồ bơi.

Theo đó, các trường ở quận Bình Thạnh hiện tại cũng chưa có hồ bơi. Theo thầy giáo dạy thể dục của Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (Bình Thạnh) thì để phổ cập bơi cho học sinh, nhà trường kết hợp với câu lạc bộ bơi của quận chiêu sinh, sau đó các bậc cha mẹ đưa con đến học bơi. Ở đó, có giáo viên dạy học sinh bơi cũng như quản lý các em. Việc dạy bơi này kéo dài suốt năm học chứ không chỉ tập trung trong dịp hè. Các bậc cha mẹ trả phí theo tinh thần tự nguyện và học sinh được học bơi từ lớp 1. Trường khuyến khích tất cả học sinh học bơi nhưng có em học, có em không.

Theo Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo), tính đến cuối năm 2020, cả nước chỉ đạt 0,47 hồ bơi/trường học, quá thiếu để có thể phổ cập việc dạy bơi cho học sinh phổ thông, lứa tuổi từ 6 đến 15 tuổi. Tại thành phố Hồ Chí Minh, nếu nhà trường kết hợp các trung tâm dạy bơi, thì các bậc cha mẹ phải “gánh” thêm khoảng từ 800 nghìn đồng đến hơn một triệu đồng/khóa học (16 buổi), nếu học bơi tại các trung tâm lớn như đã nêu ở trên. Còn tại các hồ bơi nhỏ, thì cũng đóng từ 250 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng/khóa học.

Đây là một khoản không nhỏ nếu cộng dồn với các khoản phí học hằng tháng, đó là chưa kể đến thời gian đưa, đón và trông coi giữa giờ, từ nhà trường đến hồ bơi, học xong và trở về trường. Chính vì vậy, theo hiệu trưởng một trường phổ thông ở Quận 3, một năm học, phổ cập học bơi (và biết bơi) được cho khoảng 40% sĩ số học sinh đã là một thành công. Gần đây, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố tiếp tục có văn bản về công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trường học năm học 2022-2023; trong đó, có yêu cầu phát động phòng, chống tai nạn đuối nước, chỉ đạo các cơ sở giáo dục phát động tại trường dịp nghỉ hè sắp tới.

Tuy nhiên, Sở cũng nhìn nhận không phải trường học nào cũng được đầu tư giáo viên dạy bơi riêng. Mỗi trường có trung bình từ bốn đến tám giáo viên dạy môn Thể dục, tùy quy mô học sinh. Hầu hết các thầy, cô giáo tốt nghiệp cử nhân Sư phạm thể chất, giảng dạy về các môn thể dục, vận động cơ bản; không bắt buộc phải biết bơi. Trong khi để dạy bơi cần có huấn luyện viên chuyên nghiệp.

Năm 2010, thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai thí điểm chương trình phổ cập bơi cho học sinh. Chương trình được thực hiện tại nhiều quận, nhưng sau 10 năm vẫn chưa hoàn thành mục tiêu 40% số trẻ em độ tuổi tiểu học, trung học cơ sở biết bơi. Nguyên nhân lớn nhất được xác định là do thiếu giáo viên và hồ bơi đủ an toàn, đủ tiêu chuẩn. Không có hồ bơi và huấn luyện viên, các trường phải phối hợp Trung tâm Thể dục Thể thao quận, huyện để tổ chức.

Ông Nguyễn Phi Hải, Trưởng phòng dịch vụ (Trung tâm Thể dục Thể thao Quận 1) cho biết: Trung bình mỗi trẻ được học 16 buổi trong mỗi khóa. Ngoài kỹ năng bơi ếch cơ bản, các em được hướng dẫn cách tự bảo vệ mình khi xảy ra sự cố dưới nước. Theo ông Hải, để tổ chức một buổi học cho 100 học sinh cần từ 10 đến 15 giáo viên bơi chuyên nghiệp cùng các giáo viên thể chất hỗ trợ. Trường đông học sinh, các em được chia ca, xoay vòng, tận dụng thời gian không học chính khóa. Điều này hầu như nằm ngoài “tầm tay” của các trường.

Cũng theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, đã có nhiều ý kiến nên trao quyền xã hội hóa cho nhà trường để phổ cập kỹ năng bơi cho học sinh. Tuy nhiên, việc này gần như là không thể, vì huy động được kinh phí từ cha mẹ học sinh nhưng nhà trường không có mặt bằng để xây hồ bơi, khi sân chơi, tập thể dục cho học sinh nhiều trường hiện nay vẫn còn thiếu. Xây rồi thì vận hành ra sao, ai phụ trách, kinh phí vận hành hằng tháng như thế nào…

Vì vậy, trước mắt, cha mẹ học sinh vẫn phải chủ động, linh hoạt trong việc tìm lớp học bơi phù hợp, để con mình học kỹ năng bơi cơ bản góp phần phòng, chống đuối nước, nhất là trong mùa hè này.

Bài và ảnh: NGUYỄN HUỲNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-chung1/tang-cuong-day-boi-cho-hoc-sinh--700237/