Tăng cường đối thoại để 'thu hẹp vùng biển xám'
Nhiều học giả nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác giữa các lực lượng cảnh sát biển ở biển Đông.
Các chuyên gia đã có nhiều cuộc thảo luận sâu về vai trò của cảnh sát biển, cơ sở hạ tầng và hợp tác đa phương trong ngày làm việc thứ hai, 26-10, của Hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông với chủ đề "Thu hẹp vùng biển xám, mở rộng vùng biển xanh".
Trong phiên thảo luận "Vai trò của cảnh sát biển trong tăng cường hợp tác ở biển Đông", nhiều học giả nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác giữa các lực lượng cảnh sát biển ở khu vực.
Nhiều ý kiến cho rằng các nước nên đẩy mạnh hợp tác, hành động nhất quán, đoàn kết dựa trên luật pháp quốc tế để tạo sức mạnh tập thể, trong đó có khuyến nghị thể chế hóa Diễn đàn Cảnh sát biển ASEAN. Các nước trong khu vực cũng cần thống nhất chuẩn mực của tàu cảnh sát biển, chia sẻ chuyên môn về bảo vệ an toàn, môi trường biển và duy trì trật tự trên biển.
Phát biểu tại hội thảo, bà Paola Pampaloni, quyền Vụ trưởng Vụ Châu Á và Thái Bình Dương - Cơ quan Đối ngoại EU (EEAS), nhận định: "Chủ nghĩa đa phương vẫn là công cụ hiệu quả nhất trong quan hệ quốc tế, có lợi cho tất cả, giúp các nước cùng nhau giải quyết tranh chấp và đạt được các mục tiêu chung".
Theo bà Pampaloni, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) là "kim chỉ nam" cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp tại khu vực. Bên cạnh đó, EU ủng hộ tiến trình đàm phán do ASEAN dẫn dắt nhằm hướng tới Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và ràng buộc pháp lý. Trong đó, COC phải tôn trọng lợi ích của bên thứ ba, phù hợp luật pháp quốc tế.
Trong nội dung về "Cơ sở hạ tầng thiết yếu: Ý nghĩa chiến lược mới của công nghệ", các chuyên gia khuyến nghị cần tăng cường an ninh cơ sở hạ tầng biển, ở mức ưu tiên tương đương an ninh kinh tế, quốc phòng. Vùng biển thuộc châu Âu, Trung Đông và châu Á, bao gồm biển Đông, đều từng xảy ra các vụ cáp ngầm hoặc hệ thống đường ống dẫn dầu bị gián đoạn.
Hai nhân tố tác động chính là căng thẳng địa chính trị và việc một số tập đoàn công nghệ lớn nắm vai trò chủ đạo trong việc lắp đặt, điều hành hệ thống cáp biển. Ngoài ra, nguyên nhân còn xuất phát từ hạ tầng cứng, nằm dưới đáy biển nên khó giám sát và mất thời gian xử lý sự cố.
Phát biểu bế mạc hội thảo, TS Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì môi trường hòa bình, tăng cường đối thoại, hợp tác để tăng hiệu lực của luật pháp quốc tế và các cơ chế hợp tác đa phương, giảm bớt các hành động đơn phương, qua đó "thu hẹp vùng biển xám".