Tăng cường giải pháp bảo đảm an toàn chạy tàu qua khu gian Thừa Lưu - Lăng Cô

Trước thực trạng địa hình phức tạp, nhiều cong cua tại khu gian đường sắt Thừa Lưu – Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên Huế), cơ quan quản lý đường sắt tăng cường các giải pháp để phòng ngừa xảy ra TNGT đường sắt.

Một trong nhiều đoạn đường cong bán kính nhỏ thuộc khu gian đường sắt Thừa Lưu – Lăng Cô

Một trong nhiều đoạn đường cong bán kính nhỏ thuộc khu gian đường sắt Thừa Lưu – Lăng Cô

Nâng cấp ray chất lượng cao, sử dụng giám sát tự động hạ tầng

Những ngày tháng 12/2024, phóng viên Tạp chí GTVT có mặt tại chốt gác đá rơi Km478+630 tuyến đường sắt Bắc – Nam, thuộc khu gian đường sắt Thừa Lưu – Lăng Cô (từ Km741 đến K756; thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế). Hầu hết đoạn tuyến này bám theo địa hình đồi núi tự nhiên nên liên tục có các khúc cua quanh co, hiểm trở. Cùng với địa hình phức tạp trên, bên trên các dải nủi đá phía trên đường sắt có những vị trí lộ rõ các tảng đá "mồ côi", xen lẫn đất, cây cối và có thể trôi, lăn xuống bất cứ lúc nào, nhất là khi xảy ra mưa kéo dài.

Theo công nhân của Cung đường Thừa Lưu (Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên) đang làm công việc bảo trì đường sắt tại đây, để bảo đảm an toàn chạy tàu, ngoài công việc tuần đường, kiểm tra thủ công tuyến hàng ngày, đơn vị quản lý bảo trì còn phải lập chòi gác, cắt cử người để nắm bắt diễn biến, "canh chừng" đá rơi, sụt trượt đá vào đường sắt. Và tới đây, việc canh chừng đá rơi sẽ có sự thay đổi để nâng cao hiệu quả, giảm vất vả cho người lao động.

"Từ trước đến nay, việc giám sát, phát hiện sụt trượt đất, nguy cơ đá lăn rơi đều bằng cách thủ công, trực tiếp. Song sắp tới, công ty sẽ lắp đặt, sử dụng camera giám sát tự động 24/24h để theo dõi địa hình. Công nghệ này sẽ giúp nâng hiệu quả giám sát, cảnh báo tự động giúp phát hiện, xử lý sớm các sự cố do thiên tai", một công nhân phấn khởi cho biết.

Chốt gác đá rơi tại Km748+630

Chốt gác đá rơi tại Km748+630

Nêu thêm thực trạng của khu gian Thừa Lưu – Lăng Cô, bộ phận trực tiếp quản lý bảo trì cho biết thêm, đây được xem là đoạn đường nguy hiểm nhất trong phạm vi đường sắt do Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên quản lý. Bởi chỉ có chiều dài 9,2 km nhưng có tới 27 vị trí cong cua, trong đó có những vị trí cong liên tục và trái chiều nhau (như tại Km 754 – Km755 có tới 7 vị trí đường cong trái chiều liên tục). Điều kiện địa hình như trên gây khó khăn, nguy hiểm cho các đoàn tàu khi lưu thông qua đây, cũng như khiến các thanh ray bị mài mòn nhanh hơn, xuống cấp nhanh hơn. Thực tế cho thấy, trên cung đường này cũng từng xảy ra một số vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng hoặc sự cố trật bánh tàu hàng (gần nhất là xảy ra trong tháng 9/2024) và tiềm ẩn nguy cơ cao xảy tai nạn, sự cố đường sắt. Do đó, đoạn đường này cần được quan tâm, tăng cường đầu tư cải tạo hạ tầng để nâng cao hệ số bảo đảm an toàn chạy tàu.

Đề cập giải pháp, ông Lê Hồng Hải, Giám đốc Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên cho biết, trong tháng 12/2024, trên đoạn 6 km đường sắt thuộc khu vực trên (từ Km750 – Km756+200) đã được Tổng công ty Đường sắt VN cho thay thế, lắp các thanh ray loại P50 (thay cho ray loại P43), giúp chất lượng kết cấu hạ tầng, khả năng đảm bảo cho an toàn chạy tàu. Cùng đó, đơn vị chủ động tăng cường công tác kiểm tra hạ tầng để đảm bảo các thông số kỹ thuật hạ tầng; cũng như tự bố trí kinh phí để lắp đặt và sử dụng camera giám sát tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra đá lăn, rơi để nâng hiệu quả quản lý, bảo trì tuyến.

Đề xuất dự án đầu tư nâng cấp sau năm 2030

Theo Ban QLDA đường sắt (Bộ GTVT), thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Ban QLDA đường sắt phối hợp với Cục Đường sắt VN và Tổng công ty Đường sắt VN phối hợp rà soát, lập báo cáo đề xuất nhu cầu đầu tư các dự án đường sắt giai đoạn 2023 – 2030 để báo cáo Bộ GTVT. Trong đó, đối với nhóm dự án trên tuyến đường sắt Hà Nội – TP. HCM, giai đoạn 2016 – 2025 đã và đang triển khai tổng số 7 dự án đầu tư với mục tiêu đảm bảo an toàn chạy tàu, tăng năng lực thông qua, năng lực chuyên chở, đồng nhất tải trọng, xây dựng các hạng mục phục vụ hành khác và hàng hóa tại các ga. Hiện tiếp tục rà soát năng lực tàu thông qua trên các khu đoạn chạy tàu theo biểu đồ chạy tàu để kiến nghị đầu tư.

Công nhân đang duy tu thuộc khu gian đường sắt Thừa Lưu – Lăng Cô

Công nhân đang duy tu thuộc khu gian đường sắt Thừa Lưu – Lăng Cô

Theo đó, trên đoạn đường sắt Đồng Hới – Đà Nẵng (Km521+800 – Km791+400), khu gian Thừa Lưu – Lăng Cô và các khu gian Truồi – Cầu Hai, Cầu Hai – Thừa Lưu, Thừa Lưu – Lăng Cô, Lăng Cô – Bắc Hải Vân, Hải Vân Bắc – Hải Vân, Kim Liên – Thanh Kê (thuộc đoạn Đồng Hới – Đà Nẵng) có khả năng thông qua tàu thấp, với 18 – 21 đôi tàu/ngày đêm. Đáng chú ý, riêng khu gian Thừa Lưu – Lăng Cô khả năng thông qua thấp nhất chỉ với 18 đôi tàu/ngày đêm, do đó cần được đầu tư nâng cấp để nâng hiệu quả khai thác vận tải. Tuy nhiên, việc đầu tư nâng cấp các khu gian nói trên cần có sự đồng bộ với dự án hầm Hải Vân để phát huy hiệu quả, nên Ban QLDA đường sắt đề xuất đầu tư nâng cấp đoạn Thừa Lưu – Lăng Cô (và các khu gian từ Hương Thủy – Thừa Lưu) vào thời điểm sau năm 2030.

Trước thực trạng điều kiện hạ tầng tuyến như trên, Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên cho biết, đơn vị bên cạnh duy trì chất lượng quản lý bảo trì toàn tuyến đường sắt Bắc – Nam sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư, chú trọng để đảm bảo chất lượng hạ tầng tuyến tốt nhất đối với khu gian Thừa Lưu – Lăng Cô.

Có thể kể đến một số giải pháp như, thực hiện các giải pháp kỹ thuật để giảm vị trí xóc lắc; nâng cao chất lượng công tác kiểm tra thường xuyên và đột xuất bằng nhiều hình thức (trực tiếp, qua camera, điện thoại và thiết bị định vị,…); quan tâm, ưu tiên đầu tư vật tư bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa khẩn cấp hàng tháng. Thường xuyên kiểm tra, sửa chữa khắc phục kịp thời các tồn tại về trạng thái kỹ thuật; chủ động rà soát, làm việc với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng thống nhất rào đóng xóa bỏ các lối đi tự mở qua đường sắt đã có các công trình phụ trợ.

Minh Tùng - Huy Lộc

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/tang-cuong-giai-phap-bao-dam-an-toan-chay-tau-qua-khu-gian-thua-luu-lang-co-183241228114802412.htm