Tăng cường giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ
Sáng 22.4, tại tỉnh Lạng Sơn, Ủy ban Xã hội phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn tổ chức hội thảo về 'Tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động ở khu vực Đông Bắc Bộ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19'.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh và Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên đồng chủ trì hội thảo.
80.828 tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ
Thời gian qua, đại dịch Covid - 19 đã gây ra những tác động lớn đến nhiều mặt trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, đời sống nhân dân, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, tình hình lao động việc làm, thất nghiệp của người lao động. Nhằm chia sẻ khó khăn, đảm bảo cuộc sống của nhân dân, người lao động, trên cơ sở các quyết sách của Trung ương, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ như: Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9.4.2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid - 19 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19.10.2020), Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1.7.2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid - 19 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 8.10.2021), Nghị quyết số 116/NQ- CP ngày 24.9.2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid - 19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, qua đó góp phần hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động ổn định và duy trì sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội.
Thông tin tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thành cho biết, đến nay, Trung ương và các địa phương đã dành tổng kinh phí 80.828 tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ 728.319 lượt người sử dụng lao động và trên 49,4 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác. Trong đó, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 toàn quốc là 42.397 tỷ đồng, hỗ trợ trên 36,8 triệu lượt đối tượng (gồm 381.655 lượt đơn vị sử dụng lao động, trên 36,42 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác). Cơ cấu kinh phí hỗ trợ có: 14,6% từ các chính sách bảo hiểm; 74,1% từ các chính sách bằng tiền trực tiếp và 11,3% từ các chính sách cho vay vốn; ngân sách nhà nước đã chi 20.464 tỷ đồng để hỗ trợ bằng tiền trực tiếp cho trên 16,8 triệu lượt đối tượng.
Nhóm các địa phương vùng Đông Bắc Bộ có tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ các đối tượng thấp do năm 2021 tình hình dịch bệnh Covid - 19 tại vùng này không phức tạp, không phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội trên địa bàn rộng. Tổng kinh phí hỗ trợ của 9 tỉnh khu vực này chiếm 3,5% tổng kinh phí hỗ trợ của toàn quốc, trong đó: kinh phí hỗ trợ 3 chính sách về bảo hiểm chỉ chiếm 5,8% tổng kinh phí toàn quốc; tổng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ bằng tiền mặt là 595 tỷ đồng, chiếm gần 2% tổng kinh phí toàn quốc; nhóm chính sách cho vay vốn đã giải ngân được 495,7 tỷ đồng, chiếm 15,8% tổng kinh phí giải ngân toàn quốc.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá, các tỉnh thuộc khu vực Đông Bắc Bộ đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ; ban hành đầy đủ các Kế hoạch/Quyết định và văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện, phân công cụ thể trách nhiệm của các cấp, các ngành, trong đó phát huy, đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp cơ sở. Thủ tục, hồ sơ được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian phê duyệt. Công tác xét duyệt, lập danh sách được tổ chức công khai, minh bạch dân chủ, theo quy trình. Công tác thông tin, tuyên truyền được chú trọng, thực hiện đồng bộ, đầy đủ, công khai để người dân, người lao động, doanh nghiệp và cán bộ cơ sở biết, nắm vững và thực hiện.
Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá cao việc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã có những chính sách hết sức kịp thời hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động cả nước, trong đó có vùng Đông Bắc Bộ vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch Covid - 19 vừa qua. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng, việc xác lập hồ sơ hỗ trợ thời gian đầu còn chậm, nhất là tại cấp huyện, xã. Công tác cấp phát kinh phí hỗ trợ tại một số địa phương còn chậm, chưa chủ động trong việc chuẩn bị, bố trí kinh phí chi hỗ trợ, phần nào ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chung của cả nước. Một số tỉnh vùng Đông Bắc Bộ một mặt do ngân sách địa phương khó khăn, mặt khác do tác động của dịch bệnh không quá nặng nề nên không ban hành chính sách hỗ trợ lao động tự do.
Phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, bảo đảm hỗ trợ nhanh gọn, hiệu quả
Tại hội thảo, các đại biểu kiến nghị Ủy ban Xã hội tiếp tục tăng cường giám sát về tình hình triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid - 19 đang thực hiện cũng như đối với các chính sách hỗ trợ phục hồi thị trường lao động và đảm bảo an sinh cho người dân sẽ triển khai thực hiện trong thời gian tới. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, cùng với đó, xây dựng cơ chế và triển khai thực hiện các chương trình, đề án hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động cho các nhóm lao động đặc thù (người khuyết tật; người lao động dân tộc thiểu số; lao động khu vực nông thôn.
Với các địa phương, các đại biểu đề nghị cần có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các cơ quan liên quan từ tỉnh đến huyện, xã, thôn bảo đảm thực hiện các chính sách hỗ trợ nhanh gọn, hiệu quả; tiếp tục giải quyết dứt điểm các hồ sơ người sử dụng lao động đã nộp; đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức đào tạo của các doanh nghiệp đã được phê duyệt; rà soát những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp để thực hiện trong thời gian tới với tinh thần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người sử dụng lao động và người lao động trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm khi phục hồi sản xuất... Cùng với đó, cần tập trung triển khai các nhiệm vụ giải pháp về phát triển thị trường lao động, việc làm và đảm bảo an sinh xã hội tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30.1.2021 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Khẩn trương triển khai thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28.3.2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, không để xảy ra trục lợi chính sách...