Tăng cường giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản công

Kết quả giám sát chuyên đề 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2022' là một trong những nội dung quan trọng sẽ được báo cáo tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Hà Giang Khóa XVIII khai mạc sáng mai, 13.7. Đây sẽ là nội dung được các đại biểu quan tâm, tiếp tục thảo luận để làm rõ hơn thực trạng, hiến kế giải pháp tháo gỡ những 'điểm nghẽn', nhằm triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.

Góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công

Tháng 5 vừa qua, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Hà Giang đã tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Theo nghi nhận của đoàn giám sát, ngay sau khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực, HĐND, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản về phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công; quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công nhằm công khai, minh bạch. UBND tỉnh, các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị đã quan tâm chỉ đạo, quán triệt, nâng cao ý thức trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản công đến từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Qua đó, công tác quản lý, sử dụng tài sản công đã dần đi vào nền nếp, thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh. Ảnh: Phi Anh

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh. Ảnh: Phi Anh

Hiện, tổng số các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công thuộc tỉnh Hà Giang là 1.655 đơn vị. Hàng năm, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường quản lý, sử dụng tài sản công tiết kiệm, hiệu quả. Các đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản đã theo dõi, quản lý về số lượng, nguyên giá và hao mòn tài sản tại phần mềm quản lý Misa và phần mềm quản lý tài sản công. Việc mua sắm tài, xử lý tài sản công được thực hiện bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, thẩm quyền.

Từ năm 2021, để đáp ứng nhu cầu phục vụ hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tỉnh đã thực hiện mua sắm thay thế, bổ sung 28 xe ô tô phục vụ công tác chung, 4 xe ô tô cứu thương, 7 xe ô tô chuyên dụng với tổng giá trị 30 tỷ đồng. Việc mua sắm bảo đảm đúng tiêu chuẩn, định mức được sử dụng tại các đơn vị. Giai đoạn 2018 - 2022, tỉnh đã thực hiện mua sắm tài sản, trang thiết bị theo hình thức ký kết thỏa thuận khung với tổng giá trị dự toán 16.283 triệu đồng, sau đấu thầu lựa chọn nhà thầu với tổng giá trị 15.931 triệu đồng (tiết kiệm so với dự toán giao cho các đơn vị 352 triệu đồng). Việc mua sắm tài sản, trang thiết bị được thực hiện công khai, minh bạch, giá cả hợp lý, góp phần tiết kiệm cho ngân sách nhà nước. Việc cho thuê, thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy tài sản công được thực hiện theo đúng thẩm quyền.

Đồng bộ các giải pháp

Bên cạnh kết quả đạt được, Đoàn giám sát cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế: công tác rà soát, tham mưu, sửa đổi, thay thế một số văn bản hiện hành liên quan đến phân cấp, quản lý tài sản là hạ tầng giao thông, hạ tầng thủy lợi chưa kịp thời, dẫn đến các quy định không còn phù hợp với Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Thủy lợi… Tiết kiệm trong đấu thầu mua sắm tài sản từ dự toán chi thường xuyên của các ngành và UBND cấp huyện còn ít, hầu hết các gói thầu có giá trúng thầu bằng giá gói thầu được phê duyệt. Vì vậy, việc thực hiện tiết kiệm ngân sách nhà nước sau đấu thầu còn thấp. Các trang thiết bị phục vụ việc dạy và học tối thiểu theo chương trình giáo dục phổ thông mới của các cơ sở giáo dục hiện còn thiếu (mới đáp ứng được 30 - 40%). Một số nơi còn chưa được trang cấp trang thiết bị dạy học; có nơi trang bị không theo nhu cầu dạy và học dẫn đến lãng phí.

Đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất, đến nay còn 1.714 cơ sở nhà, đất chưa được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Nghị định 167 và 67 của Chính phủ. Vẫn còn tình trạng đất của một số doanh nghiệp để hoang hóa nhiều năm không sử dụng, hoặc không sử dụng hết diện tích đất được giao, sử dụng không đúng mục đích, cho thuê lại không đúng quy định; còn tình trạng trụ sở làm việc của một số cơ quan, đơn vị bị phân tán, không tập trung, khó khăn trong công tác quản lý…

Khắc phục tình trạng trên, Đoàn giám sát đề nghị HĐND tỉnh cần sớm ban hành nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công để thực hiện nghiêm túc các kiến nghị sau giám sát và khắc phục các hạn chế nêu trong báo cáo kết quả giám sát chuyên đề này. Đồng thời, tiếp tục tăng cường giám sát tài sản là kết cấu hạ tầng như hạ tầng y tế; hạ tầng giáo dục và đào tạo; hạ tầng văn hóa thể thao và dụ lịch; khoa học công nghệ; hạ tầng cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế.

Cùng với đó, UBND tỉnh tiếp tục quán triệt nội dung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định của Trung ương đến các cơ quan, đơn vị bằng nhiều hình thức. Tăng cường tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác quản lý tài sản công và kế toán trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích công cộng bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả. Đặc biệt, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng, sắp xếp lại, xử lý tài sản công tại các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.

T.HIẾU – HẢI DƯƠNG

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/tang-cuong-giam-sat-viec-quan-ly-su-dung-tai-san-cong-i335790/