Tăng cường hiệu lực bảo vệ môi trường, xử lý điểm nóng ô nhiễm
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu hoàn thiện Chỉ thị mới, tăng hiệu lực thực thi chính sách môi trường, xử lý triệt để các điểm nóng ô nhiễm trên cả nước.
Tăng cường giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Rác thải tại một cảng cá ở Hải Phòng. Ảnh: Duy Khánh/KTMT
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa có kết luận tại cuộc họp về Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các nhiệm vụ cấp bách nhằm nâng cao hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật và giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường. Kết luận được Văn phòng Chính phủ ban hành tại Thông báo số 255/TB-VPCP ngày 23/5/2025.
Theo thông báo, bảo vệ môi trường là một trong ba trụ cột phát triển bền vững của đất nước, được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo sâu sát. Những năm qua, hệ thống pháp luật, chính sách về bảo vệ môi trường đã từng bước được hoàn thiện, tạo nền tảng pháp lý tương đối đầy đủ để triển khai thực hiện. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chiến lược, quy hoạch và văn bản chỉ đạo nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, thực tế vẫn cho thấy tình trạng ô nhiễm môi trường còn nghiêm trọng ở một số địa phương, đặc biệt là ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn, ô nhiễm đất và nguồn nước tại khu vực đông dân cư, làng nghề, cơ sở sản xuất công nghiệp. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do khâu tổ chức thực hiện còn thiếu đồng bộ, chưa quyết liệt và hiệu quả chưa cao; phân công nhiệm vụ còn chồng chéo, chưa đáp ứng yêu cầu “6 rõ”: rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm và rõ thẩm quyền.
Yêu cầu rõ trách nhiệm, lộ trình và biện pháp mạnh
Để Chỉ thị sau khi ban hành thực sự tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp chính quyền, người dân và doanh nghiệp, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng các địa phương tiếp tục hoàn thiện dự thảo với các nội dung cụ thể:
Tên Chỉ thị cần ngắn gọn, súc tích, rõ ràng, theo hướng: “Chỉ thị về một số nhiệm vụ cấp bách để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”.
Đánh giá thực trạng cần khái quát rõ ràng mức độ ô nhiễm trên toàn quốc, nêu bật các vấn đề nổi cộm như ô nhiễm không khí và nguồn nước tại các đô thị, ô nhiễm môi trường tại lưu vực sông và làng nghề.
Về nhiệm vụ, giải pháp, dự thảo Chỉ thị cần kế thừa và tích hợp các nhiệm vụ đã được xác định trong các văn bản của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang triển khai. Đồng thời, cần bổ sung giải pháp cấp bách với lộ trình rõ ràng nhằm giải quyết các “điểm nóng” về ô nhiễm tại đô thị, lưu vực sông, làng nghề.
Các nhiệm vụ đã có cơ sở pháp lý cần được triển khai theo đúng nguyên tắc “6 rõ”; đối với những nội dung mới, chưa có quy định cụ thể, có thể giao cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất kèm theo đánh giá tác động và tổng hợp ý kiến liên ngành.
Phân công trách nhiệm giữa các bộ, ngành phải đảm bảo đúng chức năng, nhiệm vụ, tránh trùng lắp, lãng phí nguồn lực. Mỗi nhiệm vụ chỉ nên do một đơn vị chủ trì, có quy định cụ thể về trách nhiệm phối hợp.
Đối với địa phương, cần nêu rõ vai trò, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh và người đứng đầu trong việc xây dựng kế hoạch, xác định mục tiêu và chỉ tiêu về môi trường hằng năm và 5 năm; đảm bảo hiệu quả triển khai chính sách pháp luật, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, đồng thời kết nối dữ liệu quan trắc môi trường về Trung ương.
Hà Nội, TP.HCM cần có giải pháp toàn diện, tránh ban hành cấm đoán đột ngột
Riêng với Hà Nội và TP.HCM, Chỉ thị cần giao cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm toàn diện của UBND hai thành phố trong việc xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường cấp bách.
Phó Thủ tướng thống nhất với đề xuất giao UBND TP.HCM và UBND TP. Hà Nội xây dựng và triển khai các đề án phù hợp với thẩm quyền, đồng thời chịu trách nhiệm báo cáo Thủ tướng về tiến độ và kết quả thực hiện. Quá trình xây dựng đề án cần có các biện pháp đủ mạnh để ngăn chặn vi phạm pháp luật về môi trường, đồng thời áp dụng giải pháp hệ thống như hoàn thiện giao thông công cộng, chính sách hỗ trợ… với lộ trình phù hợp để vừa giảm ô nhiễm, vừa không ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, nếu đề án có tác động lớn đến đời sống người dân và doanh nghiệp, cần ưu tiên sử dụng các công cụ kinh tế - tài chính thay vì ban hành các quy định mang tính cấm đoán đột ngột, để đảm bảo sự đồng thuận xã hội và tạo điều kiện chuyển đổi hành vi bền vững.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an và Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Chỉ thị trên cơ sở kết luận cuộc họp để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong thời gian sớm nhất.