Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó dịch COVID-19

Thực hiện Chỉ thị 11 ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Lâm Đồng xác định thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ: cùng cả nước, ngành y tế và Nhân dân chống dịch COVID-19 cho thật tốt nhưng vẫn bảo đảm các chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Đồng thời yêu cầu các ngành không chủ quan và phải có phương án chống dịch cụ thể.

Nông dân cũng là những người chịu thiệt hại nặng bởi dịch COVID-19, khi các thị trường lớn không tiêu thụ sản phẩm như trước.

Nông dân cũng là những người chịu thiệt hại nặng bởi dịch COVID-19, khi các thị trường lớn không tiêu thụ sản phẩm như trước.

Theo đó, các sở, ngành nỗ lực đưa ra các chính sách giảm, giãn tiến độ nộp thuế, tiền thuê đất, BHXH; cơ cấu, gia hạn nợ, giảm lãi suất vay vốn cho các tổ chức, doanh nghiệp (DN) do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Trên thực tế, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm ngưng trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh khiến thu nhập toàn xã hội sụt giảm mạnh.

Tính riêng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, doanh thu ngành dịch vụ - du lịch giảm khoảng 40%, ngành Giao thông vận tải giảm 32%, xăng dầu giảm 15-20%, ngân hàng bị ảnh hưởng 1.673 nghìn tỷ đồng, sản phẩm nông nghiệp giảm giá đến 40%...

Trong đó, ngành du lịch dịch vụ, cụ thể là hàng ăn uống và lưu trú thiệt hại nhiều nhất, giảm khoảng 80% lượng khách dẫn đến thất thu ở các loại hình dịch vụ, nhưng các khoản chi phí khác không giảm, dẫn đến khó khăn cho các DN.

Theo ông Phạm Nguyễn Ngọc Duy - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ: Thực trạng hiện nay từ DN sản xuất đến chế biến, dịch vụ đều cực kỳ khó khăn, hàng hóa không bán ra được, mà các khoản chi phí nguyên vật liệu, thuế, BHXH vẫn phải duy trì; thậm chí, chi phí sản xuất tăng (điện và chi phí kho bãi)… Vì vậy, các ban, ngành cần xem xét các vấn đề có thể hỗ trợ DN một cách sâu sát, thiết thực hơn, như: dừng thanh tra kiểm tra qua mùa dịch, đẩy nhanh việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, tăng cường hỗ trợ giám sát y tế; bên cạnh đó, các vấn đề khác, như: hỗ trợ lãi suất vốn vay, giãn giảm về các khoản bảo hiểm, thuế, phí... cũng cần được triển khai sớm để các DN tránh bị phá sản, không tạo nên hiệu ứng đôminô. Các DN trong khu công nghiệp mong được tính tiền thuê đất theo giá cũ và miễn phí hạ tầng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên cho biết: Tỉnh sẽ ban hành chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, ngoài các chính sách từ Trung ương theo ngành dọc triển khai; còn các chính sách thuộc thẩm quyền quyết định của địa phương, tùy điều kiện nghiên cứu phương án xử lý, nhưng mọi hỗ trợ phải nhanh nhất, tốt nhất với thủ tục thuận lợi nhất. Phó Chủ tịch yêu cầu các sở, ngành tiếp nhận hồ sơ của DN, đơn vị có ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh COVID-19 ngay từ bây giờ để khi có hướng dẫn của Trung ương có thể xử lý ngay.

Theo đó, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Yên giao Sở Công thương làm việc với Điện lực Lâm Đồng báo cáo với Điện lực Việt Nam và cơ quan cấp trên về hỗ trợ giá điện; Cục Thuế và các cơ quan liên quan không thanh tra ngoài kế hoạch, dừng kiểm tra thuế tại đơn vị nộp thuế và chỉ kiểm tra thuế tại cơ quan thuế; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong các thủ tục miễn, giãn, giảm thu ngân sách. Các kiến nghị về hỗ trợ vay vốn từ tài sản thế chấp hình thành trong dự án; các gói hỗ trợ từ Trung ương sẽ chờ hướng dẫn của Bộ Tài chính. Tỉnh sẽ sớm ban hành hệ số thị trường cho khung giá đất và nghiên cứu thành lập đội phản ứng nhanh ứng phó với dịch COVID-19... trên tinh thần sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Qua báo cáo của các ngành đều thấy tinh thần tích cực với những giải pháp cấp bách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ứng phó với dịch COVID-19. Trong đó, ngành Ngân hàng đã có báo cáo về dư nợ tín dụng và đã có ngân hàng thông báo chính thức về việc giảm lãi suất (Agribank, Vietcombank) và các dịch vụ thanh toán khác. Ngành Thuế thành lập tổ công tác tại Cục Thuế và 6 chi cục sẵn sàng hỗ trợ giảm, giãn các khoản phải nộp; ngành cũng tiếp nhận hồ sơ xin giãn, giảm thuế. Còn BHXH cũng có văn bản hướng dẫn tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đến hết tháng 6/2020 hoặc tháng 12/2020 và không tính lãi hay phạt chậm nộp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất triển khai hỗ trợ đào tạo các ngành nghề mũi nhọn, và có chính sách để thu hút người lao động làm việc khi dịch bệnh qua đi. Ngành Tài chính xây dựng kịch bản phân bố tạm thời quỹ dự phòng. Sở Công thương đề nghị chính sách hỗ trợ lãi suất trong bình ổn giá, chi phí hàng dự trữ, tiền thuê đất...

Bên cạnh đó, để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, các ngành phải tăng cường xúc tiến các hoạt động liên kết tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, tăng cường các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong các thủ tục miễn, giãn giảm thu ngân sách. Khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 hiện nay cũng được nhìn nhận là thách thức buộc các DN phải nhìn nhận lại hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình mà điều chỉnh chiến lược, sản phẩm, nhân lực, quản trị... để sẵn sàng tâm thế mới khi dịch bệnh đi qua.

LÊ HOA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202003/tang-cuong-ho-tro-doanh-nghiep-ung-pho-dich-covid-19-2994899/