Tăng cường hợp tác phát triển ngành nuôi trồng thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 9,2 tỷ USD, riêng trong 10 tháng đầu năm 2024 ước đạt 8,2 tỷ USD, trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chiếm gần 58% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, ngành thủy sản đang đối mặt với những thách thức về biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và ô nhiễm môi trường.

Sáng ngày 27/11, tại thành phố Cần Thơ đã diễn ra Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Hà Lan “Hợp tác triển khai các giải pháp thực tiễn nuôi trồng thủy sản bền vững khu vực ĐBSCL”, nhằm thúc đẩy ngành nuôi trồng thủy sản vùng ĐBSCL phát triển bền vững.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến.

Phát biểu tại buổi diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, ĐBSCL là trung tâm nuôi trồng, xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam với đối tượng chủ lực là tôm nước lợ và cá tra. Năm 2023, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước là 1,3 triệu ha, sản lượng ước đạt 5,5 triệu tấn, Trong đó, vùng ĐBSCL chiếm gần 62% tổng sản lượng cả nước. Về tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 9,2 tỷ USD, ĐBSCL chiếm tới 57,6% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước.

Tính đến hết tháng 10/ 2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 8,2 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt hơn 3,2 tỷ USD; xuất khẩu cá tra đạt gần 1,7 tỷ USD.

Bên cạnh các lợi thế, ngành nuôi trồng thủy sản của ĐBSCL cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn về biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học… cũng như các thách thức ngày càng gia tăng từ thị trường quốc tế.

“Việt Nam và Hà Lan đã có hơn một thập kỷ hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, đặc biệt trong nuôi trồng thủy sản. Hà Lan là quốc gia có thế mạnh trong nghiên cứu dinh dưỡng, quản lý hợp tác xã, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản… đây là lĩnh vực mà các cơ quan nghiên cứu, các doanh nghiệp Việt Nam có thể hợp tác để phát triển”. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Tiếp lời Thứ trưởng, ông Daniel Stork - Tổng Lãnh sự Hà Lan tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, Hà Lan và vùng ĐBSCL đều là những vùng đồng bằng dễ bị tổn thương với những thách thức tương đồng.

Hà Lan có nền tảng vững chắc để phát triển nền kinh tế nuôi trồng thủy sản rất sớm nên có thể chia sẻ kiến thức chuyên môn và công nghệ trong chuỗi nông nghiệp. Từ đó, có thể tìm ra các giải pháp tích hợp thông minh nhằm thúc đẩy hệ thống phát triển bền vững.

Phiên thảo luận bàn giải pháp phát triển ngành nuôi trồng thủy sản ĐBSCL.

Phiên thảo luận bàn giải pháp phát triển ngành nuôi trồng thủy sản ĐBSCL.

“Hợp tác giữa hai nước sẽ thúc đẩy sự đổi mới trong sản xuất và tính bền vững của nuôi trồng thủy sản, đồng thời đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ một cách rộng rãi, mà chương trình combi-track với phương thức tiếp cận tích hợp hoàn toàn phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển bền vững vùng ĐBSCL, tạo việc làm, cải thiện chất lượng nước, giảm khí thải CO2”, ngài Tổng lãnh sự quán Hà Lan nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Hữu - đại diện Cục Thủy sản nêu lên gợi ý, để đạt mục tiêu phát triển ngành nuôi trồng thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 4%/năm, giá trị xuất khẩu hơn 9 tỷ USD, ngành nuôi trồng thủy sản cần triển khai, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu; tập trung phát triển nuôi tôm công nghệ cao với các tỉnh ven biển như Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu; phát triển các mô hình thủy sản thích ứng biến đổi khí hậu như mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, cá tra bền vững

Đồng thời, đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản thích ứng biến đổi khí hậu; phát triển nuôi trồng thủy sản theo từng vùng sinh thái, phù hợp với từng đối tượng như tôm nước lợ, cá tra, cá rô phi… phát triển chuỗi liên kết, mô hình kinh tế tuần hoàn sử dụng hiệu quả phụ phẩm.

Tăng cường hợp tác với Hà Lan trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trong quản lý nguồn nước, mô hình kinh tế tuần hoàn, chuyển giao công nghệ tiên tiến (ứng dụng IoT và AI), chương trình chọn giống; phát triển thị trường, giảm tác động biến đổi khí hậu…

Hòa Minh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/tang-cuong-hop-tac-phat-trien-nganh-nuoi-trong-thuy-san-vung-dong-bang-song-cuu-long/20241127025457907