Doanh nghiệp đối mặt với thách thức mới từ chính sách xanh của EU
Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đang đứng trước những thách thức mới đến từ các chính sách xanh của EU đưa ra những quy định khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu và tiêu dùng theo hướng phát triển bền vững. Một trong số những chính sách đó là Kế hoạch hành động nền kinh tế tuần hoàn của EU (CEAP).
CEAP và hệ lụy đối với doanh nghiệp Việt Nam
Tại tọa đàm Kế hoạch hành động Kinh tế tuần hoàn (CEAP) của EU: Thách thức mới cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam diễn ra ngày 27/11, ông Đỗ Hữu Hưng - Vụ Thị trường châu Âu - Châu Mỹ, Bộ Công thương chia sẻ, EU hiện đang là một trong các thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng ngày càng lớn dưới tác động tích cực, lan tỏa của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Tuy nhiên, trong thời gian tới, EU sẽ đưa ra những quy định khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu và tiêu dùng theo hướng phát triển bền vững. Một trong số những chính sách đó là Kế hoạch hành động nền kinh tế tuần hoàn của EU.
Theo ông Đỗ Hữu Hưng, CEAP là một phần của Thỏa thuận xanh châu Âu nhằm giúp EU giảm phát thải ròng bằng 0 sớm nhất có thể vào năm 2050. Vì vậy, CEAP có thể ảnh hưởng đến một số lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có dệt may và giày dép, các sản phẩm nhựa và bao bì.
"CEAP dự báo sẽ tác động mạnh tới thương mại toàn cầu, nhất là giao thương từ các nước đối với EU. Đồng thời đặt ra những yêu cầu mới cho các nhà sản xuất, xuất khẩu hàng hóa, trong đó có Việt Nam vào EU" - ông Hưng nói.
Đồng thuận với đánh giá nêu trên, TS. Mai Thanh Dung - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chỉ rõ những thách thức doanh nghiệp Việt phải đối mặt.
CEAP đặt ra 7 lĩnh vực, nhóm ngành nghề gồm: nhựa, chế biến thực phẩm, dệt may, nông nghiệp, pin, các thiết bị giao thông, công nghiệp điện tử… Đây là những lĩnh vực Việt Nam có rất nhiều những thành quả khi gia nhập được các thị trường quốc tế, trong đó có thị trường EU. Để trụ vững và thâm nhập thị trưởng EU, doanh nghiệp Việt Nam cần có những giải pháp đáp ứng CEAP mà vẫn tận dụng được những lợi thế từ Hiệp định EVFTA.
Doanh nghiệp chủ động thích ứng
Đề cập đến CEAP của EU, ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Hưng Yên cho hay, đơn vị đã tận dụng được cơ hội từ EVFTA, trong vòng 4 năm qua, kim ngạch xuất khẩu tăng gấp đôi.
Hiện nay ngành dệt may phải đối mặt với vấn đề về xuất xứ. Nếu như không đạt được yêu cầu về xuất xứ thì không thể thực hiện vào EU theo EVFTA và hưởng lợi về thuế quan được. Trong thời gian qua, các nguồn nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu của đơn vị hầu hết từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và một số nước khác không thuộc EVFTA. Đây chính là một thách thức rất lớn.
Ông Dương cho biết thêm, đối kinh tế tuần hoàn và sản xuất xanh, có thể nói đây là thách thức đồng thời cũng là cơ hội. Bởi vì doanh nghiệp Việt Nam hội nhập sau so với tất cả các nền kinh tế thị trường khác. Cho nên khi nói đến vấn đề xanh thì thấy rằng điều đó cũng rất tốt cho doanh nghiệp.
Đơn vị đã có định hướng chuyển đổi tất cả các lò hơi nước rẻ đốt than sang dùng lò hơi điện. Điều đầu tiên đó là vấn đề tránh được ô nhiễm, giảm được ô nhiễm và tăng cường được sức khỏe. Về khía cạnh kinh tế, tất nhiên tiền điện có thể tăng nhưng giảm được các chi phí về nhân công phục vụ cho cả hệ thống những lò hơi nước đó. Đồng thời, đơn vị đang thực hiện về vấn đề năng lượng điện mặt trời từ hệ thống điện áp mái trên tất cả nhà xưởng.
Ở góc độ nhà nghiên cứu TS. Mai Thanh Dung cho rằng, nhiều doanh nghiệp đã thu được hiệu quả khi thực hiện những giải pháp về kinh tế tuần hoàn. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn về nguồn lực tài chính để đầu tư thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Tuy nhiên, khó khăn liên quan đến thay đổi tư duy, suy nghĩ trong nếp sản xuất của doanh nghiệp. Đặc biệt là nguồn lực tài chính để thay đổi cả công nghệ, thay đổi cả quy trình sản xuất, phải đầu tư thêm rất nhiều trang thiết bị…, phải chi phí tốn kém cho quy trình sản xuất của mình theo hướng kinh tế tuần hoàn. Đấy là khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Đỗ Hữu Hưng đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần có những giải pháp như thế nào để đảm bảo các tiêu chuẩn từ các thỏa thuận xanh châu Âu nói chung và CEAP nói riêng để giữ vững thị trường EU và khai thác hiệu quả Hiệp định EVFTA. Doanh nghiệp có sự chuyển đổi và đạt được những tiêu chuẩn của EU sẽ mở ra được những cơ hội rất lớn để thâm nhập vào thị trường, tiếp cận những tệp khách hàng mới.
Ông Đỗ Hữu Hưng khuyến nghị, doanh nghiệp thường xuyên phải cập nhật những thông tin vì đây là những quy định chính sách của EU. Để thâm nhập được thị trường EU thì các doanh nghiệp cần phải có một chiến lược cụ thể, chi tiết. Chỉ có doanh nghiệp mới hiểu được điểm mạnh, yếu của mình để đầu tư cho sản xuất kinh doanh và lựa chọn mua gì, bán gì đối với từng thời điểm, thị trường cụ thể.