Tăng cường kết nối, đẩy mạnh vận tải đa phương thức

Trả lời câu hỏi của một số đại biểu Quốc hội về chi phí logistics của nước ta rất cao, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng thẳng thắn nhìn nhận thực trạng này và đưa ra một số giải pháp về phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, tăng cường kết nối, đẩy mạnh vận tải đa phương thức, giảm thủ tục nhằm giảm chi phí logistics trong thời gian tới.

Dư địa giảm chi phí logistics còn rất nhiều

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, sáng nay, 8.6, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng đã trả lời các nội dung chất vấn và tranh luận được đại biểu Quốc hội đặt ra cuối phiên chất vấn chiều 7.6.

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn tại hội trường. Ảnh: Quang Khánh

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn tại hội trường. Ảnh: Quang Khánh

Trả lời chất vấn của ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) về chi phí logistics của nước ta hiện nay còn rất cao, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thẳng thắn nhìn nhận thực trạng này và cho biết, năm 2022, chi phí logistics của nước ta ở mức 16,8% GDP, tỷ lệ này còn cao so với bình quân chung trên thế giới, nhưng đã tiệm cận chỉ tiêu tối thiểu mà Chính phủ đề ra tại Chiến lược Phát triển logistics của Việt Nam đến năm 2025. Theo đó, chi phí logistic chiếm khoảng từ 16 - 20%. Việt Nam đang xếp ở vị trí thứ 43 trong tổng số 139 nước tham gia xếp hạng và trong ASEAN, Việt Nam đứng thứ tư. "Đây cũng là kết quả ban đầu để tiếp tục phấn đấu và thực tế dư địa để giảm chi phí logistics còn rất nhiều", Bộ trưởng nói.

Về giải pháp giảm chi phí logistics thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, cần tiếp tục tập trung phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ và đầu tư phát triển các cảng cạn, trung tâm logistics để đẩy mạnh vận tải đa phương thức. Đặc biệt, vừa rồi, lần đầu tiên chúng ta đã ban hành 5 quy hoạch đối với 5 lĩnh vực ngành giao thông - vận tải. Bộ Giao thông - Vận tải sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tính toán cả câu chuyện kết nối đầu tư, kết nối giữa các phương thức vận tải với nhau, đặc biệt là kết nối đường thủy với các cảng biển.

Bộ trưởng cho biết thêm, trong 5 quy hoạch đối với lĩnh vực giao thông vận tải thì quy hoạch về hàng hải là trung tâm. Nói cách khác là lấy các cảng biển là trung tâm, để từ các cảng biển tăng cường kết nối đường thủy với đường bộ và đường sắt.

Tiếp tục đề xuất các chính sách giảm giá, phí vận tải

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng cho biết, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu để đề xuất các chính sách liên quan đến giá, phí vận tải như: giảm phí sử dụng đường bộ, phí sử dụng hạ tầng cảng biển, lệ phí ra vào cảng biển... Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và khai thác cảng biển nhằm giảm thủ tục, tạo thuận lợi cho các chủ hàng và chủ tàu. Hiện nay, chúng ta cũng có những cảng biển đã đạt tiêu chuẩn trong khu vực, ví dụ như cảng Lạch Huyện hay cảng Cái Mép - Thị Vải có năng lực xử lý tương đương với một số cảng biển lớn trong khu vực như cảng của Singapore hay Malaysia. Đấy cũng là những nỗ lực, cố gắng…

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

"Thời gian tới, về phía Bộ, chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng làm tốt các giải pháp và tiếp tục chủ động phối hợp với các địa phương, thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho các địa phương trong hoạt động đầu tư khai thác hạ tầng, tránh dàn trải, gây ra cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến lãng phí xã hội", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý trách nhiệm quản lý nhà nước về logistics thuộc Bộ Công thương, Bộ Giao thông - Vận tải có trách nhiệm trong việc đầu tư, tổ chức vận tải đa phương thức. Chủ tịch Quốc hội cũng nêu nghịch lý hiện nay, đóng góp chi phí logistics trong GDP còn thấp, nhưng chi phí logistics trong giá thành lại cao.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP. Hà Nội) chất vấn tại hội trường. Ảnh: Quang Khánh

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP. Hà Nội) chất vấn tại hội trường. Ảnh: Quang Khánh

Nhấn mạnh việc giảm chi phí logistics bền vững là vấn đề lớn, khó nhưng nên làm và phải làm, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (TP. Hà Nội) cho rằng, cần hoàn thiện, nâng cấp hệ thống đường sắt của Việt Nam hiện đại để tạo ra hệ thống giao thông nòng cốt, trụ cột, xương sống và xuyên suốt đất nước, từ đó, kết nối thị trường trong nước và ngoài nước.

Tiếp thu ý kiến này, Bộ trưởng cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục cố gắng để đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, tăng cường kết nối hạ tầng giao thông nhằm giảm chi phí logistics.

Thanh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/tang-cuong-ket-noi-day-manh-van-tai-da-phuong-thuc-i331796/