Tăng cường khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp
Tăng trưởng tín dụng trong 2 tháng đầu năm nay hiện đang ở mức thấp hơn so với cùng kỳ của năm trước (dưới 1%). Nguyên nhân là do tác động của dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) gặp phải nhiều khó khăn, đình trệ, một số doanh nghiệp thậm chí không có nhu cầu vay thêm vốn mới. Do đó, cần phải có những giải pháp thích hợp để tăng cường khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp.
Lãi suất cho vay ngắn hạn giảm 0,5%
Hiện nay, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế trên phạm vi toàn cầu. Để ngăn chặn nguy cơ suy thoái kinh tế, chính phủ của nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai các chính sách kích thích kinh tế, ngân hàng trung ương giảm lãi suất điều hành. Để phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính quốc tế và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động SXKD, mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, cụ thể như sau: Giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN Việt Nam đối với các ngân hàng từ 7%/năm xuống 6%/năm. Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4%/năm xuống 3,5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7%/năm xuống 6,5%/năm.
Cùng với đó, NHNN Việt Nam điều chỉnh mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5%/năm xuống 4,75%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 5,5%/năm xuống 5,25%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung-cầu vốn thị trường.

Khách hàng giao dịch tại TPBank. Ảnh: VIỆT ANH
Tối thiểu hóa chi phí vốn
Các chuyên gia tài chính cho rằng, việc giảm một loạt lãi suất điều hành cộng với việc hạ trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn của NHNN Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm chi phí đầu vào. Đồng thời, NHNN Việt Nam cũng tiến hành hạ chi phí tiếp cận vốn của các TCTD qua các kênh như nghiệp vụ thị trường mở và tái cấp vốn... Do đó, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là với một số lĩnh vực ưu tiên. Các mức lãi suất giảm đều được cân nhắc kỹ và phù hợp với điều kiện thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, thông điệp của NHNN rất rõ ràng, mạnh mẽ về việc sẵn sàng tái cấp vốn cho các TCTD nếu cần thiết bên cạnh các giải pháp đồng bộ khác. Điều này sẽ củng cố niềm tin cho thị trường, nhà đầu tư và người dân vào hệ thống ngân hàng.
Theo ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN Việt Nam), quyết định của NHNN Việt Nam cũng trên cơ sở theo dõi sát diễn biến thị trường quốc tế, điều kiện kinh tế vĩ mô của nước ta, đặc biệt là áp lực lạm phát giảm bớt đi do giá dầu giảm mạnh. Việc giảm các lãi suất điều hành trong đó có lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chào mua thông qua nghiệp vụ thị trường mở phát tín hiệu về sự sẵn sàng của NHNN Việt Nam hỗ trợ các TCTD khi cần tiếp cận vốn. Quan điểm điều hành của NHNN Việt Nam là hỗ trợ giảm lãi suất đối với các nhu cầu vay vốn trên cơ sở cân nhắc các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô phù hợp, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, an toàn hoạt động của hệ thống TCTD.
Trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng cho rằng, việc NHNN Việt Nam giảm lãi suất điều hành sẽ giúp hạ mặt bằng lãi suất, qua đó giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vốn. Bên cạnh đó, việc gia tăng thanh khoản cho hệ thống liên ngân hàng làm cho các NHTM có khả năng thanh khoản tốt hơn để trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp. Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp ít có nhu cầu vay vốn do bị tác động bởi dịch Covid-19, nhất là các ngành bị ảnh hưởng nặng, như: Du lịch, tiêu dùng, vận tải… Ngoài ra, áp lực phải trả tiền lương công nhân, tiền thuế, nợ ngân hàng… đang đè nặng lên đôi vai của doanh nghiệp trong khi nguồn doanh thu bị thu hẹp, làm mất khả năng chi trả, dẫn tới phải đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động SXKD. Vấn đề quan trọng nhất là cần phải gia tăng khả năng chi trả và tính thanh khoản của các doanh nghiệp. Do vậy, ngoài việc giảm lãi suất thì Chính phủ nên nghiên cứu về một gói kích cầu, có thể có trị giá khoảng 5 tỷ USD, cho vay trực tiếp để giúp doanh nghiệp tăng khả năng chi trả. Gói kích cầu này có thể đưa ra thị trường thông qua lãi suất cho vay thấp của các NHTM và sử dụng các quỹ bảo lãnh tín dụng.
Ngân hàng thương mại đồng hành với doanh nghiệp
Bà Nguyễn Hồng Vân, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) nhận định, quyết định giảm lãi suất của NHNN Việt Nam là rất kịp thời, nhanh nhạy và phù hợp. “Xác định đây là khó khăn chung của cả nền kinh tế, ngân hàng cam kết sẽ chấp hành chỉ đạo của Chính phủ, ủng hộ các giải pháp của NHNN Việt Nam. VietinBank sẵn sàng đồng hành với doanh nghiệp, người dân, hy sinh lợi nhuận trong ngắn hạn để hỗ trợ khách hàng vì sự sống còn của doanh nghiệp cũng là nguồn sống của ngân hàng”, bà Nguyễn Hồng Vân nhấn mạnh.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho biết, các gói hỗ trợ doanh nghiệp đã được ngân hàng này triển khai với tổng giá trị lên tới 3.000 tỷ đồng và mức lãi suất giảm từ 1% đến 1,5% so với biểu lãi suất hiện hành. Các đối tượng được hưởng ưu đãi là các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp bởi Covid-19 như: Du lịch, khách sạn, các công ty vận tải lữ hành, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. TPBank sẽ xem xét gia hạn nợ, cơ cấu nợ mà không áp dụng lãi phạt, xem xét giảm lãi hoặc kiến nghị NHNN Việt Nam cho phép không chuyển nhóm nợ với các khách hàng này.
Theo đại diện Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank), các chính sách, biện pháp hỗ trợ khách hàng mà ngân hàng này đang tích cực triển khai là hành động cụ thể hóa cam kết luôn đồng hành với doanh nghiệp. Đồng thời, nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, PVcomBank cũng tập trung đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ SXKD; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng. PVcomBank vừa triển khai gói tín dụng quy mô 10.500 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 7,49% phục vụ SXKD, tiêu dùng, mua ô tô, xây sửa nhà… nhằm khắc phục ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.