Xã Cao Sơn chăm lo đời sống đồng bào dân tộc

Xã Cao Sơn (Đà Bắc) cách trung tâm huyện 8km. Đặc thù địa hình vùng cao, nhiều đồi núi, giao thông đi lại khó khăn, đời sống người dân gặp không ít trở ngại, nhất là trong phát triển sản xuất và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Với sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền, bà con tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa những giống cây mới, năng suất cao vào sản xuất, Cao Sơn từng bước vượt khó, kinh tế có sự phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nâng cao. Năm 2022, xã Cao Sơn cán đích nông thôn mới.

Xã Cao Sơn (Đà Bắc) cách trung tâm huyện 8km. Đặc thù địa hình vùng cao, nhiều đồi núi, giao thông đi lại khó khăn, đời sống người dân gặp không ít trở ngại, nhất là trong phát triển sản xuất và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Với sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền, bà con tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa những giống cây mới, năng suất cao vào sản xuất, Cao Sơn từng bước vượt khó, kinh tế có sự phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nâng cao. Năm 2022, xã Cao Sơn cán đích nông thôn mới.

Người dân xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) phát triển du lịch cộng đồng gắn với gìn giữ nghề truyền thống.

Người dân xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) phát triển du lịch cộng đồng gắn với gìn giữ nghề truyền thống.

"Trước đây, trồng lúa, trồng ngô chỉ đủ ăn. Từ khi được xã hướng dẫn, người dân biết trồng thêm dong riềng, chăn nuôi bài bản, cuộc sống khấm khá hơn nhiều rồi!" - bà Đinh Thị Thủy, hộ trồng dong riềng ở xóm Sơn Phú, xã Cao Sơn chia sẻ.

Theo số liệu của UBND xã Cao Sơn, vụ chiêm xuân năm nay toàn xã gieo trồng 70ha lúa với các giống Thiên ưu 8, TBR225, DS1, JO2... Diện tích ngô đạt 440ha, chủ yếu là các giống ngô lai cho năng suất cao. Dong riềng được xác định là một trong những cây trồng chủ lực với diện tích 483ha. "Chúng tôi xác định nông nghiệp vẫn là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của xã. Để nâng cao năng suất và thu nhập cho người dân, xã tích cực vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống mới vào sản xuất, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh” - đồng chí Bàn Văn Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho biết.

Không chỉ trồng trọt, chăn nuôi ở Cao Sơn cũng có bước tiến đáng kể. Đàn gia súc, gia cầm được quan tâm chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp bà con tăng thêm thu nhập. Bên cạnh đó, xã chú trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Những lò rượu ngô thơm nồng, những xưởng miến dong thủ công, hay các cơ sở chế biến gỗ đang góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Đời sống kinh tế đi lên kéo theo những chuyển biến tích cực về văn hóa - xã hội. Các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức gắn với các ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn của đất nước, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, góp phần thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc. Công tác giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống được quan tâm, nhất là tiếng nói, trang phục và các lễ hội đặc trưng của dân tộc Mường và dân tộc Dao.

Trong quý I/2025, xã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm an sinh cho đồng bào dân tộc thiểu số. Xã đã tổ chức rà soát, nắm bắt tình hình đời sống các hộ dân để có hướng hỗ trợ kịp thời. Trong đó, 9 hộ được xét duyệt hỗ trợ nhà ở theo Chương trình 134, đảm bảo đúng đối tượng, tiến độ.

Công tác y tế, giáo dục và giảm nghèo tiếp tục được triển khai hiệu quả. Từ đầu năm đến nay, Trạm y tế xã đã khám và điều trị cho gần 700 lượt người; tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm đến 100% xóm. Tỷ lệ học sinh đến lớp duy trì ổn định...

Từ việc triển khai các nghị quyết, vận động bà con sản xuất, giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác dân vận... được chú trọng, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, giải quyết kịp thời những bức xúc, mâu thuẫn trong cộng đồng đã tạo được sự đồng thuận, chung sức, đồng lòng của nhân dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Tính đến hết năm 2024, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt trên 42 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn gần 11%.

Đồng chí Bàn Văn Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho biết thêm: Thời gian tới, xã tiếp tục lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ của nhà nước, đồng thời phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, giữ vững các tiêu chí xã nông thôn mới.

Hải Đăng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/201076/xa-cao-son-cham-lo-doi-song-dong-bao-dan-toc.htm