Tăng cường kiểm soát quyền lực, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động thanh tra
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương xây dựng Đề án quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ trong hoạt động thanh tra
Chiều 7/11, đặt câu hỏi cho Tổng Thanh tra Chính phủ trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) nêu rõ, Nghị quyết Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội có yêu cầu tăng cường kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm, tiêu cực trong hoạt động thanh tra.
Đại biểu đề nghị Tổng Thanh tra thông tin về những giải pháp của Thanh tra Chính phủ để triển khai nghị quyết trên của Quốc hội cũng như hiệu quả của những giải pháp này trên thực tế. Đây đồng thời cũng là mối quan tâm của đại biểu Phạm Nam Tiến (đoàn Đắk Nông).
Trả lời chất vấn của đại biểu, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Thanh tra Chính phủ đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đó là “phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.
Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương xây dựng Đề án quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Trong đó, Thanh tra Chính phủ trực tiếp xây dựng báo cáo thực trạng kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra.
Trên cơ sở đó, ngày 27/10 vừa qua, Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 131 quy định kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Hiện nay các cấp, các ngành đã và đang triển khai tổ chức thực hiện.
Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ đạo toàn ngành thanh tra tổ chức thực hiện Luật Thanh tra năm 2022, tham mưu trình Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành và xây dựng ban hành các thông tư hướng dẫn để chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ thanh tra.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 26 về chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm toán, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ, nhằm kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ trong hoạt động thanh tra.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện quy chế quy định về giám sát nội bộ, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, thẩm định, chủ động phối hợp các cơ quan, đơn vị theo chức năng theo dõi, kiểm tra và có hình thức xử lý nghiêm đối với các trường hợp có vi phạm.
Thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các dự án không hiệu quả, chậm tiến độ
Tham gia phiên chất vấn, đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị Tổng Thanh tra cho biết kết quả thực hiện các nội dung nêu tại Nghị quyết 74 của Quốc hội yêu cầu tổ chức thanh tra chuyên đề hoặc thanh tra thường xuyên liên quan đến 51 dự án sử dụng vốn nhà nước không hiệu quả, 13 dự án trọng điểm lĩnh vực điện, dầu khí chậm tiến độ, 19 dự án để đất hoang hóa, 880 dự án không hoặc chưa đưa đất vào sử dụng, để qua đó làm rõ trách nhiệm, xử lý các sai phạm, tiêu cực gây thất thoát, lãng phí đối với tổ chức, cá nhân.
Về vấn đề này, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong nêu rõ, thực hiện Nghị quyết 74 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 53 chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, nhất là Bộ Tài chính thực hiện các kiến nghị của Đoàn giám sát của Quốc hội.
Thanh tra Chính phủ đã và đang tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thanh tra nội dung này là thanh tra thường xuyên, mà không thực hiện thanh tra chuyên đề.
Tuy nhiên, với lực lượng Thanh tra Chính phủ mỏng, hiện nay chỉ có khoảng 400 cán bộ công chức, viên chức, trong đó chỉ hơn 200 cán bộ trực tiếp làm công tác thanh tra, phải thực hiện nhiều nhiệm vụ thanh tra Ban Chỉ đạo Trung ương và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nên không thể hoàn thành được trong năm 2023-2024 như Nghị quyết 74 đã nêu.
Vì vậy, Thanh tra Chính phủ đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng Chương trình thanh tra năm 2023 và năm 2024, trong đó chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các dự án sử dụng vốn đầu tư công không hiệu quả, các dự án trọng điểm lĩnh vực điện, than, dầu khí; các dự án công trình không hoặc chậm đưa đất vào sử dụng…
Về giải pháp thời gian tới, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong cho biết, Thanh tra Chính phủ sẽ đôn đốc và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương báo cáo kết quả thanh tra về các nội dung này theo kiến nghị của Đoàn giám sát cũng như Nghị quyết 74 của Quốc hội, cùng với kết quả của Thanh tra Chính phủ để tổng hợp.