Tăng cường kiểm soát thực phẩm lưu thông trên thị trường
Những năm qua, công tác kiểm soát các sản phẩm thực phẩm lưu thông trên thị trường luôn được lực lượng quản lý thị trường (QLTT) trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh doanh, phân phối, lưu thông thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm trên thị trường; thanh tra, kiểm tra tại các địa bàn trọng điểm… Qua đó, góp phần từng bước đẩy lùi thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, bảo đảm quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng.
Những năm qua, công tác kiểm soát các sản phẩm thực phẩm lưu thông trên thị trường luôn được lực lượng quản lý thị trường (QLTT) trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh doanh, phân phối, lưu thông thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm trên thị trường; thanh tra, kiểm tra tại các địa bàn trọng điểm… Qua đó, góp phần từng bước đẩy lùi thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, bảo đảm quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát các sản phẩm thực phẩm lưu thông trên thị trường, thời gian qua, Cục QLTT tỉnh đã tích cực chỉ đạo các đội QLTT trực thuộc tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm chế biến, bao gói sẵn; các mặt hàng thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công thương, như rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo; các mặt hàng thực phẩm tươi sống, như rau, củ, quả, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản; sản phẩm chế biến từ rau, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản. Cùng với đó, tập trung kiểm tra hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm thực phẩm; kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc thực hiện quy định về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa, công bố hợp quy, nhãn hàng hóa, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; hoạt động đăng ký kinh doanh, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm.
Hằng năm, Cục QLTT tỉnh còn chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền về Tháng hành động vì an toàn thực phẩm; tích cực tuyên truyền, cung cấp thông tin đến tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm các chính sách, pháp luật, kiến thức về an toàn thực phẩm; phương pháp sử dụng nguyên liệu bảo đảm an toàn; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về tác hại của việc sử dụng thực phẩm giả, kém chất lượng, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm; vận động người dân tham gia tố giác các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn; tổ chức cho các cơ sở kinh doanh, sản xuất, chế biến thực phẩm ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm… Qua đó, đã từng bước nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm; giảm thiểu các hành vi vi phạm về quảng cáo thực phẩm; hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm.
Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra mặt hàng rượu bày bán tại siêu thị Vinmart, thành phố Phủ Lý. Ảnh: Hân Hân
Theo số liệu của Cục QLTT tỉnh, tính từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng QLTT toàn tỉnh đã tiến hành kiểm tra 385 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Qua kiểm tra, xử lý 190 cơ sở vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính số tiền trên 375,2 triệu đồng. Các mặt hàng vi phạm chủ yếu là bánh kẹo, thực phẩm bao gói sẵn với hành vi vi phạm phổ biến là về giá; nhãn mác hàng hóa; không chấp hành đúng quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm (người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không mang đầy đủ bảo hộ lao động; người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm…); kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Đặc biệt, trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023” với chủ đề “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, Cục QLTT tỉnh đã chỉ đạo các đội QLTT trực thuộc tăng cường công tác quản lý địa bàn, chủ động giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đối với các mặt hàng thực phẩm; tăng cường kiểm tra đột xuất các cơ sở có dấu hiệu vi phạm. Đồng thời, tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các tuyến tỉnh, huyện, thành phố… Kết quả, qua kiểm tra 73 cơ sở, đã xử lý 13 cơ sở có hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, xử phạt hành chính trên 73 triệu đồng.
Có thể kể đến một số vụ việc điển hình, như: Đội QLTT số 3 đã phối hợp với Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành kiểm tra kho chứa hàng thực phẩm đông lạnh tại xã Nhật Tựu (Kim Bảng), phát hiện hơn 1,5 tấn hàng hóa là thực phẩm đông lạnh bao gồm tràng lợn, đuôi lợn, chân gà, cánh gà, đuôi trâu, chân lợn, gà nguyên con, sụn heo, tai lợn, móng heo, tim heo… không có hóa đơn, chứng từ. Qua xác minh cho thấy, chủ cơ sở có hành vi vi phạm kinh doanh hàng hóa là thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa là thực phẩm nhập lậu. Đội QLTT số 3 đã lập biên bản vi phạm hành chính số tiền trên 47 triệu đồng và chuyển hồ sơ trình Cục trưởng Cục QLTT ban hành Quyết định xử phạt theo thẩm quyền.
Hay vụ Đội QLTT số 3 phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra hộ kinh doanh thực phẩm tại xã Hoàng Tây (Kim Bảng) và phát hiện gần 2 tạ thực phẩm đóng túi các loại gồm cánh gà khúc giữa, gà nguyên con, chân gà rút xương… không rõ nguồn gốc, xuất xứ; chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hàng hóa. Đội QLTT số 3 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 8 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm…
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết: Bên cạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, mỗi năm, lực lượng QLTT tỉnh còn tích cực tuyên truyền, tổ chức ký gần 3.000 bản cam kết về việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh thương mại, trong đó chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm trên địa bàn. Theo đó, số vụ việc vi phạm bị phát hiện, xử lý trong 6 tháng đầu năm 2023 đã giảm đáng kể so với những năm trước.
Trước thực trạng việc thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả, thực phẩm không an toàn vẫn còn lưu thông khá phổ biến trên thị trường, trong thời gian tới, Cục QLTT tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm để người dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh về thực phẩm nắm bắt, hiểu rõ các chính sách, pháp luật, kiến thức về an toàn thực phẩm; nâng cao vai trò, trách nhiệm, ý thức của cộng đồng trong việc tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, từ đó, nâng cao vai trò quản lý nhà nước về chất lượng thực phẩm, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như các cơ sở kinh doanh chân chính.