Tăng cường kiểm tra, đảm bảo an toàn thực phẩm
Hiện nay đã vào mùa hè nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, thực phẩm dễ bị ôi thiu, nhiễm khuẩn nếu không được bảo quản đúng cách. Đặc biệt, nhân Tháng hàng động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2023 (15/4-15/5), các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành của tỉnh, của huyện đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc đảm bảo ATTP trên địa bàn, không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Cùng đoàn kiểm tra chuyên ngành của Trung tâm Y tế huyện Hoa Lư tiến hành kiểm tra tại một số cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng ăn uống và hàng quán phục vụ khách tham quan du lịch, nhận thấy, các điều kiện về đảm bảo an toàn thực phẩm được các cơ sở kinh doanh thực hiện tương đối tốt, theo đúng quy định.
Tại nhà hàng Lê Ưu - Dê 35, phố Mỹ Lộ, thị trấn Thiên Tôn (huyện Hoa Lư), anh Lê Minh Đức, chủ nhà hàng cho biết: Nhà hàng đã có 15 năm kinh doanh thịt dê trên địa bàn, gồm bán thịt sống và chế biến các món ăn tại nhà hàng. Do đã có nhiều năm kinh doanh, có thương hiệu nhất định trên địa bàn, nên nhà hàng rất chú trọng để giữ uy tín đã xây dựng được. Chất lượng bữa ăn, giá cả phục vụ được tính toán và phấn đấu đảm bảo tốt nhất.
Trong đó, nhà hàng đặt yêu cầu về ATTP là mối quan tâm hàng đầu. Nhà hàng có nguồn lao động và địa điểm chăn thả, nên chủ động nuôi dê được khoảng 80% nguyên liệu đầu vào. Mỗi ngày, tùy vào lượng khách đặt ăn và mua mang về, nhà hàng giết mổ số lượng dê phù hợp và hầu hết được bán hết trong ngày, số thực phẩm dự trữ trong tủ đông không nhiều. Quy mô nhà hàng có thể phục vụ cho khoảng hơn 100 khách ăn. Bình quân mỗi ngày tiêu thụ từ 30- 50 kg thịt dê tươi. Mỗi tháng, nhà hàng xuất bán khoảng hơn 1 tấn dê thương phẩm.
Anh Bùi Văn Tiến, đầu bếp nhà hàng Lê Ưu-Dê 35 cho biết: Đối với các nguyên liệu, phụ gia, nhà hàng mua và nhập của các cơ sở được cấp chứng nhận đủ điều kiện về ATTP; rau xanh và các loại gia vị chế biến thực phẩm được chủ động một phần, phần còn lại mua tại hộ gia đình sản xuất có nguồn gốc đảm bảo vệ sinh, an toàn. Trong khâu bảo quản, chế biến, thành phẩm, nhà hàng chú ý về độ sạch, vệ sinh, an toàn. Nhà hàng cũng đầu tư bàn ghế, quạt mát, trang bị các hộp đựng bát đĩa, thìa đũa kín, không để ruồi, muỗi xâm nhập, nhìn đẹp mắt, sạch sẽ, tạo niềm tin, sự yên tâm cho thực khách...
Bác sĩ Nguyễn Thị Hường, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Thời gian qua, công tác bảo đảm ATTP nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương, tạo được sự chuyển biến rõ rệt, tích cực, đạt được những thành tích quan trọng trên các lĩnh vực. Tại tỉnh Ninh Bình, cùng với sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh, chính quyền các cấp đã triển khai đồng bộ vấn đề ATTP với nhiều giải pháp nhằm đảm bảo ATTP trên địa bàn.
Các hoạt động bảo đảm ATTP trong những năm gần đây đã được tăng cường hơn so với giai đoạn trước ở cả ba tuyến tỉnh, huyện, xã thông qua việc đa dạng hóa các hoạt động truyền thông; đẩy mạnh thanh, kiểm tra, hậu kiểm, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP; kịp thời ngăn chặn nhiều sản phẩm mất an toàn lưu thông trên thị trường… Kết quả đã tạo được dư luận tốt trong xã hội, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong lựa chọn và sử dụng thực phẩm.
Kiểm tra việc lưu trữ mẫu thực phẩm sau chế biến tại nhà hàng Lê Ưu-Dê 35.
Trong Tháng hành động vì ATTP năm 2023, cấp tỉnh thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, tổ chức tiến hành kiểm tra việc thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh trong công tác bảo đảm ATTP của Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP cấp huyện, xã; quy định trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn theo phân cấp quản lý. Tiến hành kiểm tra thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm trên địa bàn. Ngoài ra, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra chuyên ngành về ATTP tiến hành kiểm tra tại cơ sở thực phẩm theo phân cấp quản lý.
Tại tuyến huyện và tuyến xã, căn cứ kế hoạch triển khai Tháng hành động năm 2023 của Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh và các văn bản hướng dẫn của Sở Y tế, các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP huyện, thành phố chỉ đạo Phòng Y tế, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch kiểm tra trong Tháng hành động tại địa phương, đơn vị và triển khai thực hiện từ tuyến huyện đến tuyến xã. Tổ chức các đoàn kiểm tra theo kế hoạch và các nội dung hướng dẫn của cơ quan chức năng. Khi tổ chức các đoàn kiểm tra cần có đầy đủ thành phần chuyên môn và đủ thẩm quyền, chuẩn bị đầy đủ các văn bản có liên quan, trang thiết bị kỹ thuật lấy mẫu, dụng cụ kiểm tra nhanh tại hiện trường, xử lý nghiêm và kịp thời các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm.
Hiện nay, các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về ATTP cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đã và đang tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn. Cùng với công tác kiểm tra, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, ATTP; đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, ATTP.
Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, ATTP; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, ATTP; nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về ATTP đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.